ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -00:48 AM

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật “Áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang”

 | 

Đơn vị: Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Học viên: Ngô Văn Tuấn
 
Tên đề tài: "Áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang"
 
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật

Mã số:                62 38 01

Người hướng dẫn khoa học:TS. Phạm Mạnh Hùng

 

Hoàn thành:  12/2012

_________________________________________

Mở đầu

1. Lý do lựa chọn đề tài

Đề tài luận văn thạc sỹ luật "áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang" được nghiên cứu bởi những lý do sau:

Một là, tham nhũng là vấn nạn của nhiều nước trên thế giới. Hậu quả, tác hại của tham nhũng gây ra đối với xã hội là rất lớn, nó làm cho bộ máy Nhà nước bị tha hóa, làm mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, làm suy thoái nền kinh tế, gây hậu quả xấu về nhiều mặt... . ở nước ta, tệ nạn tham nhũng và quan liêu, lãng phí đã được xem là một trong bốn nguy cơ, thách thức lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ Ban quản lý các dự án 18 - Bộ giao thông vận tải (PMU18), vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, Lã Thị Kim Oanh, tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Vinashin,... đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời góp phần phát triển nền kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước thì công tác đấu tranh PCTN vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tiễn cho thấy tội phạm về tham nhũng không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng, tinh vi gây hậu quả lớn hơn và nghiêm trọng hơn.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã ra Nghị quyết số 04-NQ/ TW ngày 21 tháng 8 năm 2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó nêu rõ:

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta... Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong những năm tới, phải đẩy mạnh toàn diện và kiên quyết cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (1)

Như vậy, phòng chống tham nhũng, lãng phí nói chung và đặc biệt là đấu tranh ngăn chặn tội phạm về tham nhũng nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đó các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng có vai trò là trung tâm, mũi nhọn trong việc đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Để làm được điều đó, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các tội phạm về tham nhũng, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, do tội phạm về tham nhũng thường do những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ kiến thức cao, có các mối quan hệ phức tạp thực hiện và thủ đoạn tinh vi hơn so với các tội phạm thông thường khác nên công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về tham nhũng là hết sức khó khăn và không phải lúc nào cũng thu được kết quả. Do vậy, việc nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật (ADPL) thực hành quyền công tố (THQCT) trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, hiện nay ngành Kiểm sát nhân dân đang tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/07/2010 của Bộ Chính trị. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp thì hệ thống cơ quan VKSND sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với hệ thống tổ chức của cơ quan Tòa án, VKSND tiếp tục thực hiện hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trước mắt, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của VKS đó là triển khai các biện pháp để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Như vậy, việc nghiên cứu cả về mặt lý luận và thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật THQCT trong giai đoạn điều tra án tham nhũng là hết sức cần thiết, góp phần đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra án tham nhũng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), bảo đảm việc khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc điều tra và xử lý của Cơ quan điều tra (CQĐT) có căn cứ, đúng pháp luật đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp.

Ba là, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay (năm 1997) Bắc Giang đã có những bước phát triển khá nhanh, tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng đã nảy sinh không ít những hoạt động tội phạm, trong đó có các tội phạm về tham nhũng. Thực tế hiện nay cho thấy tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, như trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thuế, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước,... gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Vì vậy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế xã hội, sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của VKSND tối cao và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn thì kết quả này vẫn còn khiêm tốn, số vụ án tham nhũng khám phá so với thực tế còn thấp, chủ yếu là các vụ án nhỏ, ở cấp xã, huyện,.... những tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, nhưng trong đó có nguyên nhân là do việc nhận thức và khả năng áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong gia doạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở cả hai cấp tỉnh và huyện còn hạn chế. Vì vậy để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các tội về tham nhũng, ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm này thì việc nghiên cứu cả về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là hết sức rất cần thiết, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng điều tra, truy tố kịp thời xử lý nghiêm minh mọi tội phạm về tham nhũng.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, là một cán bộ đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang nên học viên đã chọn đề tài này để nghiên cứu, viết luận văn thạc sỹ luật qua đó giúp cho bản thân nâng cao được trình độ lý luận, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao.

2. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn

 2.1. Mục đích

 Luận văn nghiên cứu về lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở tỉnh Bắc Giang nhằm đề xuất những giải pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả ADPL thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở tỉnh Bắc Giang để đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần cùng với các cơ quan tư pháp trong tỉnh đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tội phạm về tham nhũng.

2.2. Nhiệm vụ

Để đạt được mục đích trên, luận văn có những nhiệm vụ

Một là, nghiên cứu cơ sở lý luận về ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng theo quy định của pháp luật. Trong đó tập trung làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò, các giai đoạn ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND.

Hai là, phân tích thực trạng ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở tỉnh Bắc Giang.

Ba là, đề xuất các giải pháp đảm bảo ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn hiện nay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

3.1. Đối tượng nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND.

3.2. Phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trực tiếp là từ khi khởi tố vụ án hình sự đến khi VKSND quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử, không nghiên cứu trong giai đoạn xét xử. Về thời gian, luận văn lấy số liệu phục vụ nghiên cứu trong 5 năm (từ năm 2007 đến 2011). Việc ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát quân sự không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận văn.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn

- Cơ sở lý luận: Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà nước và pháp luật; về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt là quan điểm chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh....

5. Những đóng góp về khoa học của luận văn

Luận văn có những đóng góp về mặt khoa học gồm:

- Phân tích làm rõ những khái niệm, đặc điểm của ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND.

-Xác định và phân tích các điều kiện bảo đảm ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND.

- Đánh giá khách quan thực trạng ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND ở tỉnh Bắc Giang.

- Xác định các yêu cầu và luận chứng các giải pháp đảm bảo ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND.

6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

Kết quả nghiên cứu của Luận văn có ý nghĩa lý luận là góp phần hoàn thiện những cơ sở lý luận đổi mới hoạt động ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng của VKSND.

Các giải pháp mà luận văn đề xuất có giá trị tham khảo để cho các nhà Lãnh đạo quản lý, cán bộ, kiểm sát viên (KSV) của VKSND khi ADPL THQCT trong giai đoạn điều tra các tội về tham nhũng, góp phần nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung gồm 3 chương, 8 tiết.

.....................

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,788,921
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.250.196

    Thư viện ảnh