ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -00:50 AM

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật "Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Kiểm sát viên theo yêu cầu cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc giang"

 | 

Đơn vị: Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Học viên: Hoàng Tùng
 
Tên đề tài: " Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Kiểm sát viên theo yêu cầu cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc giang"
 
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật

Mã số:                62 38 01

Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS Thái Vĩnh Thắng

Hoàn thành:  10/2008

 

__________________________________________

Mở đầu

 

1. Tính cấp thiết của đề tài:

Trước những đòi hỏi, yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện ở nhiều nghị quyết của Đảng trong thời gian qua. Trong đó có hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân ( VKSND ) nhằm mục đích chống bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Với mục đích đó để có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư pháp, thực hiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa ( XHCN ), Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã nhấn mạnh:

Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định [ 12, tr 9 ].

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy cơ quan VKSND đã thực hiện tương đối tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự góp phần tích cực vào đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của xã hội, quyền tự do dân chủ của công dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của VKSND trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Một trong những nguyên nhân là do chính sách hình sự, các quy định pháp luật về tố tụng hình sự có nhiều bất cập, chậm được sửa đổi bổ sung; trong đó chủ yếu là do quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm ở một số vụ án của Kiểm sát viên ( KSV ) còn có vi phạm thủ tục tố tụng; việc nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị các tài liệu, nội dung đề cương thẩm vấn tại phiên tòa của KSV chưa được chú trọng; hoạt động tranh tụng của KSV với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác còn nhiều mặt hạn chế nên thực tế vẫn để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Trước những hạn chế trên, với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN mà trọng tâm là hoạt động xét xử. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ chính trị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc cải cách tư pháp trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Cần đề cao trách nhiệm của cán bộ có chức danh tư pháp, trước hết là cán bộ Điều tra viên, KSV, Thẩm phán trực tiếp thụ lý và giải quyết vụ việc. Những cán bộ này cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động để chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thực sự trở thành điểm nhấn trong cải cách tư pháp.

Trong giai đoạn vừa qua, đội ngũ KSV của VKSND tỉnh Bắc giang đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm an ninh chính trị của địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc biệt là công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Vì lý do đó tôi chọn đề tài: " Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Kiểm sát viên theo yêu cầu cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc giang" làm luận văn Thạc sỹ Luật học

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị Quyết 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã có một số nhà khoa học pháp lý nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến KSV, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong một số sách, báo, tạp chí chuyên nghành và một số luận văn Thạc sỹ. Đáng chú ý là các công trình đã được công bố sau:

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( VKSNDTC ): " Những giải pháp xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên cấp huyện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay" đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ do Vụ tổ chức cán bộ thực hiện năm 2002.

- " Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm " của TS. Dương Thanh Biểu, 2007.

- " Những yếu tố giúp Kiểm sát viên thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự" của tác giả Hoàng Anh Phương, Tạp chí kiểm sát số 13, tháng 7 năm 2007.

- Luận văn Tiến sĩ: " Quyền công tố ở Việt Nam " của Lê thị Tuyết Hoa, Viện nhà nước và Pháp luật.

- Luận văn Thạc sỹ luật học: " áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân" của Trịnh Duy Tám, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2005.

Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên nghành, sách, báo của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các báo cáo tổng kết công tác... đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.

3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

- Mục đích: Là nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn liên quan đến trách nhiệm pháp lý của KSV khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án Hình sự. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cơ bản để việc nâng cao chất lượng của KSV khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án Hình sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

- Nhiệm vụ: Trên cơ sở thực hiện mục tiêu nói trên, Luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau.

+ Phân tích, làm rõ các khái niệm, cơ sở pháp lý và những yếu tố ảnh hưởng đến KSV khi họ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự .

+ Khảo sát thực tiễn hoạt động của KSV khi họ thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn tỉnh Bắc giang.

+ Đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của KSV.

- Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Tập trung nghiên cứu về lý luận và thực tiễn chất lượng của KSV trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ở giai đoạn sơ thẩm. Luận văn giới hạn việc khảo sát thực tiễn từ năm 2004 đến năm 2007 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

4. ý nghĩa và điểm mới của luận văn

Các kết quả của luận văn có ý nghĩa nhất định về mặt khoa học, góp phần xây dựng một cái nhìn toàn diện về hoạt động của KSV khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Qua đó thấy được vai trò to lớn của KSV trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc giang nói riêng.

Các kết quả nghiên cứu của luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu, học tập cũng như làm tài liệu cho các cán bộ kiểm sát trong hoạt động nghiệp vụ của mình.

Là công trình nghiên cứu dưới góc độ lý luận về nhà nước và pháp luật, Luận văn có những điểm mới về khoa học như sau:

- Góp phần làm sáng tỏ về mặt thực tiễn và lý luận các khái niệm chất lượng của Kiểm sát viên, khái niệm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự.

- Đánh giá thực trạng về hoạt động của KSV khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ hình sự trên địa bàn tỉnh Bắc giang. Đồng thời nêu ra những hạn chế, nguyên nhân hạn chế còn tồn tại.

- Đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này của KSV để phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp luật, các quan điểm mang tính lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước và pháp luật trong thời kỳ đổi mới, trực tiếp là các quan điểm về cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.

Phương pháp luận của luận văn là phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin. Dùng phương pháp kết hợp giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, phương pháp phân tích so sánh, phương pháp thống kê...

6/ Kết cấu của luận văn.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 3 chương, 6 tiết:

.........................................

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,788,928
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.139.103.241

    Thư viện ảnh