.

Thứ năm, 18/04/2024 -17:37 PM

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật “Áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang”

 | 

 
Đơn vị: Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Học viên: Vũ Mạnh Thắng
 
Tên đề tài: "Áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma túy của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang"
 
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật

Mã số:                62 38 01

Người hướng dẫn khoa học: PGS,TS Quách Sĩ Hùng

Hoàn thành:  2011

_______________________________________

Mở đầu

 

1. Tính cấp thiết của đề tài

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật “áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang” được nghiên cứu bởi các lý do sau:

Một là, nhân loại bước vào Thế kỷ 21 với những thành tựu vĩ đại trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, khẳng định khả năng chinh phục thế giới tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó con người cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, một trong những thách thức được coi là thảm họa mang tính toàn cầu đó là ma tuý đi đôi với đại dịch HIV/AIDS mà sự khủng khiếp của nó, đúng như ngài Boutros GALY nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chỉ ra “không một quốc gia, dân tộc nào thoát ra khỏi vòng xoáy khủng khiếp của nó để tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút và buôn lậu ma tuý. Ma tuý đang làm gia tăng tội phạm, bạo lực, tham nhũng, vắt cạn kiệt nhân lực, tài chính, huỷ diệt những tiềm năng quý báu khác mà lẽ ra phải được huy động cho việc phát triển kinh tế - xã hội đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người. Ma tuý đang làm suy thoái nhân cách, phẩm giá, tàn phá cuộc sống yên vui của gia đình, gây xói mòn đạo lý, kinh tế, xã hội… nghiêm trọng hơn ma tuý còn là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS phát triển”. Vì vậy đấu tranh phòng và chống tệ nạn cũng như tội phạm về ma túy là nhiệm vụ thường xuyên của nhà nước ta.

Hai là, thực tiễn Việt Nam cho thấy, tội phạm ma tuý không những không thuyên giảm mà còn diễn biến trong những năm qua hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ. Số người phạm tội, với tính chất thủ đoạn phạm tội ngày càng nguy hiểm và hậu quả gây ra ngày càng nghiêm trọng đặt ra nhiều sự thách thức cho xã hội, đặc biệt là đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan tư pháp trong đó CQĐT, VKS đã kiên quyết khởi tố vụ án, khởi tố bi can, điều tra và truy tối tội phạm về ma túy nghiêm minh, đúng pháp luật góp phần kiềm chế tội phạm ma tuý, hạn chế hậu quả tác hại của tội phạm ma tuý. Thực tiễn cũng cho thấy đấu tranh với loại tội phạm này là rất khó khăn, vì ma tuý đem lại lợi nhuận rất cao, diễn ra trên địa bàn rộng lớn xuyên quốc gia. Tội phạm về ma túy có tính tổ chức nhiều người tham gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm. Khi bị phát hiện đối tượng phạm tội thường chống đối quyết liệt kể cả việc tấn công cán bộ thực thi pháp luật bằng vũ khí nóng, tác động không nhỏ tới yêu cầu phải ADPL chính xác, nghiêm minh của cơ quan pháp luật nói chung và VKS nói riêng. Do vậy, nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các vụ án ma tuý là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý ở Việt Nam hiện nay.

Ba là, đáp ứng mục tiêu tổng quát của chiến lược cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra là “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự nhân dân, tổ quốc Việt Nam XHCN”. Đòi hỏi các cơ quan tư pháp nói chung và VKS nói riêng phải thực hiện đồng bộ cải cách về tổ chức bộ máy cũng như hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, hệ thống cơ quan VKS sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với hệ thống tổ chức Toà án. Trước mắt, VKS tiếp tục thực hiện hai chức năng thực hành QCT và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhưng theo hướng tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra và xem xét chuyển VKS thành Viện Công tố. Như vậy chức năng công tố của VKS đặc biệt được nhấn mạnh, theo đó áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố cần được nghiên cứu cả về lý luận và tổng kết thực tiễn. Về phòng chống tội phạm ma túy Đảng ta chỉ rõ trong Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị: “Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong từng thời kỳ, từng khu vực để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý”. Vì vậy, nghiên cứu áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố của VKS nói chung và áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra các tội phạm về ma túy là đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tăng cường nâng cao hiệu lực hiệu quả phòng chống tội phạm về ma túy.

Bốn là, Bắc Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, được xác định là một trong những địa phương trọng điểm phức tạp về tội phạm ma tuý của toàn quốc. Trong những năm qua, các cơ quan tư pháp tỉnh Bắc Giang đã đấu tranh kiên quyết với loại tội phạm này. Trong đó VKSND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là trong thực hành QCT và kiểm sát điều tra các vụ án ma tuý; góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma tuý được đúng người đúng tội, đúng pháp luật, tuy nhiên khả năng ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý ở cả hai cấp của VKS tỉnh Bắc Giang còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót như: Việc phê chuẩn khởi tố, phê chuẩn bắt khẩn cấp, bắt tạm giữ, tạm giam vẫn còn thiếu sót, chưa kịp thời, vẫn để xảy ra trường hợp phải đình chỉ điều tra (ĐCĐT), vì chưa đảm bảo căn cứ pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự, truy tố chưa đúng tội danh, khung khoản; ADPL còn có biểu hiện cứng nhắc thiếu sáng tạo không phù hợp với tính chất mức độ tội phạm, đối tượng phạm tội cũng như chính sách hình sự… Từ đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Từ những căn cứ (lý do) nêu trên cũng như ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của vấn đề đã nêu tôi chọn đề tài “áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang” làm luận văn thạc sĩ Luật học của mình. Đây cũng là dịp tôi có điều kiện nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn giúp cho việc hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý từ lâu không còn là vấn đề chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia, lãnh thổ mà nó đã trở thành vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu. Từ yêu cầu đòi hỏi khách quan, bức thiết của cuộc đấu tranh này đã thu hút nhiều nhà khoa học cơ quan nghiên cứu và cơ quan và hoạt động thực tiễn trong nước và thế giới đã quan tâm nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tổng kết, xuất bản các tài liệu phục vụ việc phòng chống ma tuý. Trong đó có nhiều luận án, luận văn nghiên cứu về phòng, chống ma túy. Có thể khẳng định rằng có rất nhiều công trình khoa học đã công bố liên quan đến đề tài luận văn này. ở đây chỉ xin nêu những công trình khoa học có tính chất tiêu biểu.

ở Việt Nam, trong đó phải kể đến đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Hiểm hoạ ma tuý và cuộc chiến mới” của GS- TS Nguyễn Xuân Yêm, TS Trần Văn Luyện (năm 2001); “Những vấn đề lý luận về quyền công tố và thực hành quyền công tố ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay” của VKSND tối cao (năm 1999); Đề tài khoa học cấp bộ “Công tác kiểm sát điều tra án ma tuý” của TS Dương Thanh Biểu- Phó Viện trưởng VKSND tối cao (năm 2001); Luận án Tiến sĩ Luật học “Hoàn thiện khung pháp luật hình sự đối với tội phạm ma tuý” của NCS Nguyễn Minh Đức (năm 2002); Luận văn Thạc sỹ “áp dụng pháp luật trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án ma tuý ở Việt Nam hiện nay” của Bùi Mạnh Cường (năm 2006); Luận văn Thạc sĩ “áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND các cấp  của tỉnh Nghệ An” của Trần Xuân Trường; Luận văn Thạc sĩ “Cơ sở lý luận và thực tiễn thực hành quyền công tố của VKSND đối với án ma tuý trên  địa bàn các huyện biên giới tỉnh Nghệ An” của Lò Văn Thuyết; Luận văn Thạc sĩ “Nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa VKSND và CQĐT trong giải quyết án ma tuý” của Nguyễn Thị Mai Nga…

Ngoài ra còn các bài viết của nhiều tác giả đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Toà án, Tạp chí Luật học của Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Công an nhân dân… và nhiều chuyên đề nghiệp vụ như: “Tổng hợp kinh nghiệm thực hành QCT và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án ma tuý lớn” của Vụ 2- VKSND tối cao (năm 2004); tổng kết một năm thực hiện BLTTHS năm 2003 của VKSND các địa phương và Tạp chí Kiểm sát. Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 CT/TW ngày 30/11/1996 của Bộ Chính trị …

Qua nghiên cứu nội dung những công trình nêu trên cho thấy những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn về hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng chống tệ nạn và tội phạm về ma túy đều có liên quan chặt chẽ đến đề tài luận văn. Đó là cơ sở quan trọng cần thiết mà tác giả luận văn có thể kế thừa. Song đề tài: “áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma túy của Viện Kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang” sẽ là công trình chưa có ai nghiên cứu chuyên sâu về thực hành quyền công tố ở một giai đoạn tố tụng (giai đoạn điều tra) về tội phạm ma túy ở riêng tỉnh Bắc Giang; của hai cấp Viện Kiểm sát.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận văn

- Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của Luận văn là ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND ở tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên hoạt động của cơ quan điều tra và những đối tượng bị cáo, bị can và những tổ chức cơ quan có liên quan tham gia ở giai đoạn điều tra cũng thuộc đối tượng nghiên cứu.

- Phạm vi nghiên cứu:  Luận văn với đề tài này, học viên chỉ nghiên cứu trong phạm vi ADPL thực hành QCT các tội phạm ma tuý ở hai cấp (tỉnh và huyện) của VKSND ở tỉnh Bắc Giang trong thời gian 5 năm (2005 - 2009). Luận văn này tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn việc ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND ở tỉnh Bắc Giang, trực tiếp là từ khi KTVA hình sự đến khi VKSND quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử; hoặc ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, không nghiên cứu những vấn đề ADPL thực hành QCT trong giai đoạn xét xử.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

- Mục đích

Mục đích của Luận văn là góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý. Trên cơ sở khảo sát thực trạng APPL thực hành QCT của VKSND ở tỉnh Bắc Giang, xác định phương hướng, giải pháp bảo đảm việc nâng cao chất lượng cũng như hiệu lực hiệu quả  ADPL của hai cấp VKSND tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý hiện nay.

- Nhiệm vụ

+ Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý, như khái niệm, đặc điểm, nội dung của ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý, phương hướng và các điều kiện đảm bảo ADPL trong hoạt động đó.

+ Đánh giá thực trạng ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND ở tỉnh Bắc Giang.

+ Quan điểm, giải pháp nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND ở tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn

- Cơ sở lý luận: Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường pháp chế trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị.

- Phương pháp nghiên cứu: Thực hiện luận văn này tác giả vận dụng phương pháp luận của triết học Mác- Lênin và các phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành khác, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương pháp phân tích và tổng hợp, thống kê, so sánh kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phương pháp thống kê tội phạm, phương pháp điều tra xã hội học…

6. ý nghĩa khoa học và đóng góp mới của Luận văn

- Làm rõ những khái niệm, đặc điểm và nội dung ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các vụ án ma tuý của VKSND.

- Phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế và tìm ra nguyên nhân của việc ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND ở tỉnh Bắc Giang.

- Nêu quan điểm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các vụ án ma tuý của VKSND tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Trên cơ sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và kết quả đạt được,  nguyên nhân của kết quả đạt được; tồn tại, thiếu sót và nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót từ thực tiễn ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý ở tỉnh Bắc Giang, Luận văn góp phần làm sáng tỏ và cụ thể hoá cơ sở lý luận về ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND.

- Các giải pháp mà luận văn đề xuất nhằm đảm bảo việc ADPL và góp phần nâng cao hiệu quả công tác ADPL thực hành QCT trong giai đoạn điều tra các tội phạm ma tuý của VKSND ở tỉnh Bắc Giang.

- Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể được sử dụng dùng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, cho sinh viên các cơ sở đào tạo pháp luật quan tâm đến lĩnh vực này.

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 7 tiết. 

.....

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,688,445
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.129.70.63

    Thư viện ảnh