ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 22/01/2025 -12:11 PM

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật “Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự”

 | 

Đơn vị: Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Học viên: Nguyễn Xuân Hùng
 
Tên đề tài: “Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự”
 
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật

Mã số:                62 38 01

Người hướng dẫn khoa học: PGS,TS Quách Sĩ Hùng

Hoàn thành:  2011

_________________________________________

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Con người là vốn quí của tự nhiên và xã hội. Quyền con người ngày càng được khẳng định, thừa nhận như một hệ giá trị cao siêu nhất của nhân loại. Vì hế, quyền con người vừa là "quyền tự nhiên", rằng: "con người ta sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc". Đồng thời quyền con người có tính lịch sử, hình thành qua các cuộc đấu tranh giai cấp và được bổ sung qua các thời đại khác nhau. Từ khi nhà nước và pháp luật ra đời đến nay, quyền con người được pháp luật thừa nhận và bảo vệ mỗi con người đều được hưởng và bình đẳng với nhau. Bảo đảm quyền con người bằng nhà nước thực chất là bảo đảm quyền tự do dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đó là mục tiêu của các Nhà nước dân chủ, tiến bộ và cũng là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, việc bảo đảm thực hiện các quyền con người cũng là một lẽ tự nhiên; là nội dung cơ bản, quan trọng, chủ yếu, không thể thiếu được trong các quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực pháp luật tố tụng hình sự nói riêng. Tố tụng hình sự là quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Do đó, tố tụng hình sự chính là công cụ sắc bén của Nhà nước và xã hội trong đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên và những giá trị vật chất, tinh thần chân chính của con người và xã hội. Xét trên bình diện ấy, hoạt động tố tụng hình sự có tính nhân văn sâu sắc. Nhưng để Tòa án ra được phán quyết một con người là “người phạm tội”phải trải qua một trình tự và thủ tục tố tụng hình sự chặt chẽ, nghiêm ngặt. Quá trình đó các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp bảo đảm cho quá trình tố tụng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của con người. Đặc biệt là người chưa thành niên bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa....trong đó Nhà nước bảo đảm về mặt pháp lý, các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm việc thực thi pháp luật có hiệu quả là cực kỳ quan trọng.

Bảo vệ quyền con người nói chung và của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nói riêng là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng. Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự qui định: Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đó áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa. Mỗi cơ quan tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà có những phương thức bảo vệ quyền con người khác nhau.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có vai trò trực tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người trong các vụ án hình sự. Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự trong những năm vừa qua ở tỉnh Bắc Giang cho thấy, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định. Các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân về cơ bản đã được bảo đảm, đã hạn chế được tình trạng oan, sai. Tuy nhiên thực tế vẫn còn có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng hình sự. Đặc biệt đối với những vụ án có người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, bị các cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng lạm dụng việc bắt giữ, thậm chí có những trường hợp bị khởi tố, bắt tạm giam sau đó phải đình chỉ điều tra do không phạm tội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có phần trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân chưa thực hiện được đầy đủ vai trò trách nhiệm của mình trong hoạt động tố tụng hình sự.

Về mặt lý luận, vấn đề nghiên cứu quyền con người trong tố tụng hình sự đã có một số công trình khoa học công bố, bài viết, bài nghiên cứu trên các sách báo chuyên ngành ở những góc độ nhất định. Tuy nhiên, những công trình này mới chỉ đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong từng giai đoạn tố tụng hình sự; về vấn đề bảo đảm  quyền con người của người chưa thành niên hoặc quyền con người nói chung trong từng giai đoạn tố tụng; về thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội... chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện trên cả mặt lý luận và thực tiễn về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Hơn nữa, việc nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự nhằm góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã đề ra. Đó là mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị), đồng thời cũng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Mặt khác, có những nghiên cứu đã thực hiện ở trước thời điểm Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, việc nghiên cứu đề tài về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự có tính chất thời sự, cấp thiết. Chính vì vậy, tác giả đã chọn đề tài “Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự” để làm Luận văn Thạc sĩ Luật học.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Quyền con người và bảo đảm quyền con người đang trở thành vấn đề trung tâm của thời đại. Nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện các Công ước Quốc tế về quyền con người. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người nói chung và quyền con người của người chưa thành niên nói riêng đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học như: Triết học, chính trị học, xã hội học và luật học (cả ở trong và ngoài nước).

Trong các công trình nghiên cứu ở nước ta về quyền con người của người chưa thành niên trong TTHS có liên quan đến đề tài, có thể kể đến các công trình nghiên cứu tiêu biểu sau đây:

Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Học viện Tư pháp, 2008 đã làm rõ các quy định pháp luật và áp dụng pháp luật trong giải quyết vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội; Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự (1988), Viện Khoa học Pháp lý và Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, PGS,TS Võ Khánh Vinh (chủ biên), Nxb Công an nhân dân, năm 2004. Các cuốn sách trên đều quan tâm đến tội phạm và người chưa thành niên; Nghiên cứu đánh giá, phân tích tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hệ thống xử lý tại Việt Nam, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, 2004; Luận án tiến sĩ: Thủ tục tố tụng hình sự với người chưa thành niên của Đỗ Thị Phượng, 2008; Tác giả Nguyễn Mạnh Hà với đề tài “Trách nhiệm của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Viêt Nam hiện nay;Tác giả Trần Thúy An với đề tài “Vai trò của Kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử án hình sự theo nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án ở Việt Nam;Tác giả Nguyễn Minh Hải với đề tài Vai trò của kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trong phiên tòa hình sự sơ thẩm;Tác giả Phạm Hồng Phong với đề tài “Bảo đảm quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân tỉnh hậu Giang; tác giả Nguyễn Thu Thủy với đề tài “Vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự Việt Nam;Tác giả Trương Thị Hương Mai với đề tài “Bảo đảm quyền trẻ em trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân; Tác giả Đỗ Thị Ngọc Tuyết với đề tài “Người chưa thành niên phạm tội- Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa;Tác giả Nguyễn Văn Nông với đề tài “Công tác kiểm sát điều tra những vụ án do người chưa thành niên thực hiện;Tác giả Đỗ Thị Phượng với đề tài "Thủ tục tố tụng đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam"; Tác giả Phạm Thị Khánh Toàn với "Thủ tục tố tụng về những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên - một số vấn đề lý luận và thực tiễn"; tác giả Nguyễn Tiến Đạt với đề tài “Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam.

Nhìn tổng thể, các công trình khoa học, bài viết nêu trên đã đạt được một số kết quả nhất định về lý luận cũng như thực tiễn về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân và về vấn đề bảo đảm quyền con người đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nói chung hoặc là người chưa thành niên nói riêng trong trong từng giai đoạn tố tụng hình sự. Do đó có thể khẳng định rằng, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống và toàn diện về Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự và Luận văn này không trùng lặp với bất cứ một công trình nào khác. Tuy nhiên để thực hiện luận văn, tác giả có thể lựa chọn, kế thừa và phát triển các kết quả nghiên cứu nêu trên.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của Luận văn

- Mục đích của luận văn: Luận văn nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về quyền con người của người chưa thành niên bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luận chứng vai trò của Viện kiểm sát trong bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn xác định quan điểm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

- Phù hợp với mục đích trên, Luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận liên quan đến đề tài như Nguyên tắc bảo đảm quyền con người đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; cơ sở xác định vai trò của Viện kiểm sát nhân dân và các điều kiện bảo đảm vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc đảm bảo quyền con người đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự.

+ Phân tích thực trạng, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sau khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Từ đó rút ra những ưu điểm, hạn chế trong đó có những vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật và vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quá trình Viện kiểm sát nhân dân thực hiện vai trò bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tụng hình sự những năm vừa qua.

+ Đề xuất và luận chứng các giải pháp chung và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận văn

- Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

- Phạm vi nghiên cứu Luận văn của tác giả chỉ dừng lại ở việc phân tích, đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Luận văn cũng không có tham vọng trình bày tất cả mọi vấn đề có liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân nói chung mà chỉ dừng lại ở vấn đề vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

- Việc đưa ra các giải pháp trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Từ đó nhằm nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự, phù hợp với tiến trình dân chủ trong giai đoạn đổi mới toàn diện, mà trước mắt là góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách tư pháp, hoạt động tố tụng hình sự bảo đảm tính dân chủ, khách quan góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

- Về thời gian Luận văn nghiên cứu: Những vấn đề thực tiễn liên quan đến đề tài gắn với quá trình thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

5. Cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu

- Về cơ sở khoa học: Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật, về quyền con người, các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Về phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng phương pháp luận của triết học Mác - Lênin (cả chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), trực tiếp sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp, lịch sử cụ thể, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Ngoài ra, Luận văn cũng sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể khác như: phương pháp lôgic, các phương pháp so sánh, đối chiếu, thống kê, phương pháp đàm thoại trực tiếp ...

6. Đóng góp mới về khoa học của Luận văn

Luận văn đề cập và giải quyết một cách hệ thống, toàn diện vấn đề vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự mà từ trước đến nay chưa được giải quyết một cách triệt để hoặc chỉ giải quyết ở một khía cạnh nào đó của vấn đề. Góp phần làm rõ nguyên tắc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự; cơ sở xác định vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảo quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự; phân tích và đánh giá thực trạng vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự và đưa ra các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự hiện nay.

7. Ýnghĩa lý luận và thực tiễn của Luận văn

Từ thực tiễn trong hoạt động tố tụng hình sự và thực trạng vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang, trong việc tham gia bảo đảm quyền con người đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên rất phong phú và đa dạng; qua nghiên cứu, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát nhân dân nói chung và ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang nói riêng trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự một cách có hiệu quả nhất. Những kiến nghị mà tác giả đưa ra vừa có ý nghĩa như một đề xuất mang tính khoa học góp phần hoàn thiện chế định về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự ở Việt Nam, vừa có giá trị thực tiễn góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra.

8. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, mục lục, Luận văn gồm có 3 chương, 9 tiết.

...............................................

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,243,159
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.43.92

    Thư viện ảnh