ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -01:24 AM

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở

 | 

 
Tên đề tài: "Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang"
 

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Đức Sơn - Cử nhân Luật

Cơ quan chủ trì: Phòng kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính, kinh tế lao động và các vụ việc khác theo quy định của  pháp luật - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang

Hoàn thành:  4/2012
 
_______________________________________
 

Mở đầu

1. Sự cần thiết của đề tài

Thứ nhất:Lịch sử chế định VKSND Việt Nam trong tố tụng dân sự kể từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tính đến nay đã trải qua hơn 60 năm tồn tại, trưởng thành, phát triển và thực hiện được nhiều nội dung cải cách tư pháp quan trọng. Bước sang thế kỷ XXI, tiến trình cải cách tổ chức và hoạt động của VKSND trong lĩnh vực dân sự đã phát triển ngày càng sâu rộng. Năm 2004, cùng với việc ban hành Bộ luật đầu tiên về tố tụng dân sự thì chức năng, phạm vi và thẩm quyền của Viện kiểm sát đã có những thay đổi căn bản so với pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Viện kiểm sát thôi không thực hiện thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, kiểm sát việc điều tra lập hồ sơ của Toà án, không có quyền yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Phạm vi tham gia phiên toà xét xử dân sự của Viện kiểm sát cũng bị thu hẹp một cách đáng kể. Theo số liệu thống kê trong 5 năm thi hành Bộ luật TTDS năm 2004 Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm chỉ đạt 0,09%, tham gia phiên toà phúc thẩm 0,12%. Kiểm sát viên thôi không tham gia kiểm sát 100% các phiên toà xét xử dân sự nữa, chỉ tập trung vào việc kiểm sát các bản án, quyết định xử lý vụ việc dân sự của Toà án và đây được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát trong giai đoạn này.

Trải qua hơn 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 cho thấy, mặc dù về cơ bản, các nội dung của Bộ luật đã đi sâu vào đời sống xã hội nước ta, nhưng các quy định về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù pháp luật  quy định Viện kiểm sát có đầy đủ các quyền kiến nghị, kháng nghị nhưng thiếu cơ chế, phương thức, cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình. Trong tố tụng dân sự, khi giải quyết các vụ việc dân sự kể từ khi thụ lý, lập hồ sơ, thu thập, xác minh chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và giải quyết vụ việc đều do Toà án một mình thực hiện dẫn đến tình trạng khép kín trong tố tụng, không đảm bảo tính khách quan khi giải quyết vụ việc dân sự. Mặt khác, nền kinh tế thị trường vốn dĩ luôn vận động và không ngừng phát triển, sự tham gia vào quá trình liên kết, hợp tác khu vực và quốc tế như: tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN), diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam-  Hoa Kỳ… đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Đó là yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. Đứng trước những thử thách và yêu cầu mới của thế kỷ XXI vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới, đó là hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển dựa vào cơ chế kinh tế thị trường.

Thứ hai :Thực tiễn thi hành BLTTDS ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, quy định của BLTTDS về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong điều kiện thực tiễn của Việt nam, trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc  tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án, chưa có điều kiện để mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình và đội ngũ luật sư hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên toà, hệ thống pháp luật còn bất cập, thiếu ổn định, quản lý hành chính nhà nước còn nhiều sơ hở, hoạt động bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ tư pháp còn bất cập so với yêu cầu cải cách tư pháp.Thực tế, có nhiều vụ việc dân sự giải quyết chưa đảm bảo tính khách quan, gây khiếu kiện bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người làm mất ổn định trật tự xã hội nhưng Viện kiểm sát không kịp thời phát hiện để kháng nghị. Hàng năm, tỷ lệ bản án, quyết định  dân sự của Toà án bị huỷ, sửa do có sai sót vẫn không giảm (ở cấp sơ thẩm tới trên 50%). Theo báo cáo của Toà án nhân dân tối cao chỉ tính riêng năm 2010 đã có 734 vụ việc phải kháng nghị giám đốc thẩm. Tại thông báo số 230/TB- TƯ của Ban chấp hành Trung ương ngày 26/3/2009 của Bộ chính trị về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 49/ NQ- TƯ ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nêu rõ:  "Tiến độ giải quyết các vụ việc dân sự còn chậm, chất lượng xét xử các vụ án dân sự còn thấp,...trong đó có nguyên nhân là chưa có cơ chế giám sát, kiểm sát có hiệu quả việc giải quyết các vụ án dân sự". Trước thực trạng nêu trên, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII  ngày 29/3/2011, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, theo hướng mở rộng thẩm quyền cho Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong Bộ luật tố tụng dân sự  hiện hành quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, vẫn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập; có những quy định mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác; có những quy định chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng nên tạo ra những cách hiểu khác nhau, chưa thực sự đáp ứng được với hoạt động, yêu cầu và nhiệm vụ của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Việc Viện kiểm sát bị hạn chế về phạm vi tham gia và quyền hạn tại phiên toà sơ thẩm dẫn đến các thẩm quyền tố tụng liên quan cũng bị loại bỏ, hạn chế nên Viện kiểm sát không có đủ quyền hạn tố tụng cần thiết để thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát có các quyền kiểm sát việc điều tra lập hồ sơ của Toà án, yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, khởi tố vụ án dân sự, tham gia tất cả các phiên toà và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, song BLTTDS hiện hành lại không quy định như vậy. Mặt khác,  tại Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và kết luận số 79 ngày 28/7/2010 của Bộ chính trị về đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra đã xác định Viện kiểm sát vẫn tiếp tục là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do vậy, vấn đề vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình hoạt động của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn cần phải được làm rõ và tiếp tục hoàn thiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho Viện kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đã được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó, đáp ứng với yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp, góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chung.

Thứ ba:Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong nền kinh tế thị trường, các giao dịch và tranh chấp  dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng có chiều hướng gia tăng, diễn biến đa dạng, tính chất phức tạp,  chủ yếu nổi lên trong các lĩnh vực: Ly hôn, tranh chấp đất đai, kiện đòi tài sản, vay nợ …Theo số liệu thống kê, từ năm 2005 đến năm 2011 ngành Toà án tỉnh Bắc giang đã thụ lý 12.090 vụ việc, trong đó có 11.647 vụ và 443 việc.

Trước những thay đổi của Bộ luật tố tụng dân sự và yêu cầu mới đặt ra cho ngành Kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự.  Kể từ khi Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành cho đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều đợt tập huấn trong toàn ngành  giúp cho cán bộ, kiểm sát viên nắm vững các quy định của Bộ luật, nhất là những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát  trong tố tụng dân sự, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Ngoài ra còn tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện BLTTDS vào các năm 2006, 2008, 2009.  Năm 2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng với Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở hội nghị công tác phối hợp việc giải quyết các vụ việc dân sự, trong điều kiện liên ngành VKSNDTC-  TANDTC chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát án dân sự,  hàng năm VKSND tỉnh Bắc Giang đều xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ rút kinh nghiệm cho các VKSND cấp huyện. Do vậy, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự có nhiều chuyển biến, chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát đã được nâng cao. Theo số liệu tổng kết của VKSND tỉnh Bắc Giang, kể từ năm 2005 đến năm 2011, Viện kiểm sát 2 cấp  đã kháng nghị được 85 vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm. Riêng VKSND tỉnh  đã kháng nghị 24  vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, báo cáo VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 21 vụ. Các vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị cơ bản đều được Toà án chấp nhận. Ngoài ra, còn phát hiện 69 văn bản thông báo thụ lý vụ án và 276 bản án, quyết định của Toà án có vi phạm tố tụng, ban hành được 96 văn bản  kiến nghị, yêu cầu Toà án khắc phục sửa chữa.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự  thấy rằng, chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ở tỉnh Bắc Giang vẫn còn nhiều hạn chế, do Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác này còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, phương thức kiểm sát của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự nên chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát chưa cao. Một số Viện kiểm sát cấp huyện trong những năm qua có phát hiện vi phạm kiến nghị, kháng nghị nhưng còn được ít, chất lượng chưa cao, cá biệt có nơi nhiều năm không kiến nghị, kháng nghị được vụ nào, trong khi đó vi phạm trong việc giải quyết án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn ngày càng có chiều hướng phổ biến và gia tăng. án dân sự ở cấp sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa, huỷ án còn chiếm tỷ lệ cao. Theo kết quả các báo cáo tổng kết của Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang, từ năm 2005- 2011 trong tổng số 3146 vụ án Toà án đưa ra xét xử sơ thẩm có 163 vụ bị huỷ/ 85vụ VKS kháng nghị (chiếm 52,1%), 402 vụ án bị cải sửa, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân không được đảm bảo. Nguyên nhân nêu trên là do hệ thống pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự còn chưa đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện, chất lượng giải quyết án dân sự của Toà án còn hạn chế, nhưng một phần quan trọng cũng là do công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự của Viện kiểm sát  chưa được thực hiện tốt.

 Vị trí,  vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự của Viện kiểm sát  có liên quan chặt chẽ với nhau và đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự của Toà án. Do vậy, cơ sở pháp lý quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát trong pháp luật tố tụng dân sự đầy đủ, rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát phát hiện các vi phạm của Toà án để kiến nghị, kháng nghị. Mặt khác, Viện kiểm sát phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát mới đảm bảo được việc ra các bản án, quyết định của Toà án kịp thời, đầy đủ, có căn cứ và đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, xã hội và mọi công dân.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên và từ việc nhận thức về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự và những phương pháp, kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sáttrên địabàn tỉnh Bắc Giang là những vấn đề quan trọng, cần có sự quan tâm, đổi mới hơn nữa cả về phương diện lý luận và thực tiễn để  phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp.

2. Mục tiêu của đề tài

- Dưới góc độ lý luận và thực tiễn công tác kiểm sát, làm rõ  vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự  .

- Làm rõ thực trạng tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân . Đề xuất những phương hướng cơ bản cho việc tiếp tục hoàn thiện vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

- Qua thực tiễn công tác kiểm sát, tổng kết rút ra những phương pháp, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự  trên địa bàn tỉnh Bắc giang, nhằm bảo đảm cho việc ra các bản án, quyết định của Toà án có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân.

3. Nội dung nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm của đề tài

3.1. Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự

- Thông qua việc nghiên cứu các quy định của pháp luật; báo cáo tổng kết chuyên đề, hội thảo rút kinh nghiệm của các ngành Kiểm sát, Toà án; tạp chí chuyên ngành; các luận văn thạc sỹ, luận án  tiến sỹ, sách chuyên khảo liên quan đến nội dung vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát và Viện công tố của một số nước trên thế giới trong tố tụng dân sự, làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự ở nước ta.

 - Thông qua việc nghiên cứu, đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, bất cập trong tổ chức, hoạt động của VKSND trong tố tụng dân sự ở nước ta thời gian qua, tìm  ra nguyên nhân của những hạn chế.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phân tích, so sánh,  đánh giá nêu trên để xây dựng chuyên đề 1.

3.2. Một số phương pháp, kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

- Thông qua việc nghiên cứu, tổng hợp các báo cáo tổng kết, tạp chí chuyên ngành, các chuyên đề hội thảo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Kiểm sát; các văn bản pháp luật hiện hành; làm rõ thực trạng,  những ưu điểm, hạn chế trong công tác kiểm sát việc giải quyết cácvụ việc dân sự của Viện kiểm sát trên địa bàn tỉnh, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế.

- Trên cơ sở thực tiễn công tác kiểm sát và việc nghiên cứu các văn bản kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm của Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Bắc Giang, Toà án tỉnh Bắc Giang; một số quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSNDTC, TANDTC, đưa ra một số phương pháp, kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá nêu trên để xây dựng chuyên đề 2.

3. Trên cơ sở chuyên đề 1 và 2 xây dựng chuyên đề 3

  Đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm  hoàn thiện vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự  và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của VKS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

13. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp luật; đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Về đổi mới tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát trong  điều kiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị và những thành tựu của khoa học pháp lý trên thế giới.

Dựa trên cơ sở phương pháp luận Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Triết học Mác-Lênin; Các khoa học chuyên ngành khác như: khoa học về lý luận lịch sử Nhà nước và pháp luật, khoa học Luật Dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật nhà nước;  đặc biệt chú trọng đến các phương pháp  điều tra, phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn công tác kiểm sát.

17. Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu

- Góp phần làm sáng tỏ về lý luận cũng như thực tiễn quá trình tiếp tục đổi mới vị trí, vai trò và việc hoàn thiện mô hình hoạt động của Viện kiểm sát  nhân dân trong tố tụng dân sự  .

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Viện kiểm sát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự của Toà án khách quan, có căn cứ, đúng pháp luật.

- Đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo rút kinh nghiệm cho các cán bộ, kiểm sát viên đang làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự trong ngành kiểm sát tỉnh Bắc Giang và đồng nghiệp các ngành hữu quan, quan tâm đến lĩnh vực này.

- Đề tài là nguồn tài liệu để Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang đề nghị liên ngành VKSNDTC  - TANDTC ban hành các thông tư, hướng dẫn các vấn đề còn bất cập trong việc áp dụng, thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự  trong thời gian tới, nhất là các vấn đề liên quan tới vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.  Đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện Bộ luật tố tụng dân sự, nhằm đảm bảo cho pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.

................

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,789,218
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.246.101

    Thư viện ảnh