ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -01:28 AM

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật "Chất lượng áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang"

 | 

Đơn vị: Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Học viên: Nguyễn Trường Thọ
 
Tên đề tài:  "Chất lượng áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang" 
 
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật

Mã số:                60 38 01

Người hướng dẫn khoa học: TS. Đỗ Thị Ngọc Tuyết

Hoàn thành:  2013

 

____________________________________________

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trải qua 26 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới (1986 - 2012) và 21 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 - 2012), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Đã thực hiện thành công bước đầu sự nghiệp đổi mới, tiếp tục tiến hành sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đời sống nhân dân được cải thiện; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) được giữ vững; vị thế, uy tín của nước ta được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để phát triển đi lên.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về "một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới"xác định: “Viện Kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp; tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt, giữ”.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về "chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020"tiếp tục khẳng định: “Trước mắt, VKSND giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Sơ kết quá trình thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08 - NQ/TW và Nghị quyết số 49 - NQ/TW nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 về đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND, VKSND và CQĐT, trong đó khẳng định: "Viện Kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay".

Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nàh nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp [6, tr.52]. Trên cơ sở đó, Đại hội cũng khẳng định cần: Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người [6, tr.52].

Như vậy, trong gần mười năm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định VKSND thực hiện hai chức năng: THQCT và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Có thể nói rằng, THQCT và KSĐT là hai hoạt động thực hiện chức năng của VKSND, là những hoạt động quan trọng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động tố tụng nói chung và trong lĩnh vực thực hành quyền công tố nói riêng, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. THQCT và KSĐT còn có vai trò đảm bảo mọi hành vi vi phạm và tội phạm phải được phát hiện và xử lý chính xác, kịp thời, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay.

Áp dụng pháp luật trong THQCT và KSĐT được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật sẽ giúp cho cơ quan điều tra hoạt động đúng hướng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can được đúng người, đúng tội; hoạt động điều tra được đầy đủ, chính xác và kịp thời. Kết quả THQCT và KSĐT là điều kiện tiên quyết, thiết thực, trực tiếp cho việc thực hiện việc truy tố, xét xử được đúng người, đúng tội và đúng chính sách, pháp luật; tránh làm oan người vô tội và tránh bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội.

Về phương diện lý luận, ADPL nói chung đã được giới khoa học pháp lý làm sáng tỏ. Song chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu cụ thể hơn từ khái niệm đến đặc điểm, các giai đoạn ADPL và những tiêu chí đánh giá, yêu cầu cụ thể để đánh giá chất lượng ADPL. Chất lượng ADPL nói chung và chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT là mối quan hệ giữa "cái chung" và "cái riêng". Nghiên cứu vấn đề này cũng là đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn đặt ra nhằm nâng cao chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay nói chung và của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế nói riêng.

 Thực tiễn ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự ở Yên Thế trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Sự phối hợp giữa CQĐT và VKS về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm.

Tuy nhiên, qua hoạt động tổng kết, đánh giá thực tế cho thấy, công tác THQCT và KSĐT của VKSND vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: có những vụ án, KSV không thực hiện công tác KSĐT ngay từ giai đoạn đầu, còn thụ động trong các hoạt động điều tra của CQĐT. Hoặc là vì sợ trách nhiệm, nên làm thay một số thao tác của ĐTV, không theo dõi, đề ra yêu cầu điều tra một cách triệt để, toàn diện. Hoặc là bỏ mặc cho ĐTV tiến hành điều tra một cách độc lập… dẫn tới nhiều vụ án còn bị kéo dài, phải gia hạn thời hạn điều tra, còn để lọt hành vi tội phạm, để lọt tội phạm nên còn có vụ bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, huỷ án [39]. Những tồn tại trên cho thấy chất lượng áp dụng pháp luật trong THQCT và KSĐT của VKSND vẫn còn bộc lộ những yếu kém nhất định. Những yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, có những nguyên nhân chủ quan, cũng có những nguyên nhân khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động thực tiễn của CQĐT, VKSND và ý thức pháp luật của các chủ thể ADPL.

Để không ngừng nâng cao chất lượng ADPL của CQĐT, VKS trong điều tra, THQCT và KSĐT các vụ án hình sự, tôi chọn đề tài: "Chất lượng áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang" làm đề tài Luận văn thạc sĩ Luật học.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Hoạt động THQCT và KSĐT các vụ án hình sự, là một hoạt động quan trọng, quyết định lớn đến quá trình làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm trong quá trình điều tra, làm cơ sở cho việc truy tố và xét xử các hành vi phạm tội. Việc nghiên cứu đề tài này đã được thể hiện trong nhiều công trình khoa học được công bố trên các sách, báo, tạp chí chuyên ngành và các Luận án tiến sĩ, Luận văn thạc sĩ, một số giáo trình giảng dạy về pháp luật. Có thể kể đến các công trình sau:

- Sổ tay Kiểm sát viên hình sự của Viện Khoa học Kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội năm 2006.

- Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

Các bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí của Trung ương như:

- Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 -Tạp chí Kiểm sát số 04 (Tháng 02/2013).

- Viện Kiểm sát nhân dân với tư cách là thiết chế kiểm soát quyền lực Nhà nước - Tạp chí Kiểm sát số 05 (Tháng 3/2013).

- Trần Quang Tiệp: "Một số vấn đề lý luận về biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 4/2005.

- Nguyễn Văn Nhật: "Khám nghiệm hiện trường trong hoạt động điều tra hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 4/2005.

- Nguyễn Văn Chiến: "Áp dụng căn cứ không khởi tố vụ án hình sự và phạm vi áp dụng quyết định không khởi tố vụ án hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 12/2002.

- Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, Tạp chí Kiểm sát số Chuyên đề 11/2007.

- Nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên, Tạp chí Kiểm sát số Chuyên đề 8/2011.

- Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Kiểm sát số Chuyên đề 8/2012.

- Phạm Hồng Hải:Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng thực hành quyền công tố đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (Tạp chí chuyên ngành), Hà Nội, 2006.

- Đỗ Văn Đương: Cơ quan thực hành quyền công tố trong cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay (Tạp chí chuyên ngành), Hà Nội, 2006.

- Lê Hữu Thể (Chủ biên): Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005…

Tổng quan các công trình nghiên cứu đã được đăng tải nêu trên cho thấy cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ khoa học Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật về việc nâng cao chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các VAHS của Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của Luận văn

3.1. Mục đích

 Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND huyện Yên thế trong thời gian từ 2008 đến nay. Trên cơ sở đó, đề xuất, đưa ra các luận chứng, các quan điểm, các giải pháp đảm bảo cho việc ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của VKSND được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Luận văn còn góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX).

3.2. Nhiệm vụ

- Phân tích cơ sở lý luận về ADPL, chất lượng ADPL và thực tiễn chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của VKSND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

- Phân tích những ưu điểm và những tồn tại của chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của VKSND đối với hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Công an huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

- Đề xuất những giải pháp đảm bảo áp dụng pháp luật đúng đắn trong hoạt động THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của VKSND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận văn

4.1. Đối tượng nghiên cứu:Luận văn tập trung vào những vấn đề sau:

- Những vấn đề lý luận về ADPL và chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân.

- Thực trạng chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế và của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

- Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân phát sinh những tồn tại, hạn chế của quá trình ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

- Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

4.2. Phạm vi nghiên cứu:Luận văn chủ yếu đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về chất lượng áp dụng pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Phạm vi nghiên cứu về thời gian là từ năm 2008 đến năm 2012.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của Luận văn

Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; các quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, về tăng cường pháp chế XHCN.

Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; phương pháp phân tích và tổng hợp; phương pháp lôgíc và lịch sử đồng thời chú trọng phương pháp tổng kết kinh nghiệm, thống kê, tổng hợp và phương pháp phân tích số liệu, tổng kết thực tiễn.

6. Những đóng góp về khoa học của Luận văn

- Luận văn góp phần hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn ADPL và chất lượng ADPL trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của VKSND nói chung và VKSND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nói riêng.

- Đánh giá đúng thực trạng, phân tích nguyên nhân của những kết quả và hạn chế trong THQCT và KSĐT các vụ án hình sự nhằm nâng cao năng lực, khả năng, chất lượng ADPL của cán bộ, Kiểm sát viên VKSND nói chung và VKSND huyện Yên Thế nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ THQCT và KSĐT các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

 7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Luận văn

Ở mức độ nhất định, kết quả nghiên cứu của luận văn có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo phục vụ yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng ADPL trong công tác THQCT và KSĐT các vụ án hình sự của VKSND, gắn công tố với hoạt động điều tra.

Mặt khác, nội dung của luận văn có thể sử dụng nhằm xây dựng kỹ năng nghề nghiệp, thao tác nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên VKSND trước yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay. Ngoài ra, Luận văn có thể là tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này.

8. Kết cấu của Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn có kết cấu gồm 3 chương, 8 tiết.

........................

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,789,248
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.63.15

    Thư viện ảnh