.

Thứ sáu, 26/04/2024 -04:08 AM

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế tệ nạn và tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

 | 

Đơn vị: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang- Sở khoa học và công nghệ -Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang 
 
Tên đề tài: "Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế tệ nạn và tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang"
 

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Việt Hùng - Cử nhân Luật

Cơ quan chủ trì:  Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang

Hoàn thành:  6/2007
 
 
_____________________________________________
 

TÓM TẮT ĐỀ TÀI

1. Một số nét khái quát về tình hình tệ nạn và tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2001- 2005.

Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, cộng đồng Quốc tế đang phải đối phó với nhiều vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu, một trong những vấn đề đó là tệ nạn và tội phạm ma tuý.Tệ nạn và tội phạm ma tuý đã trở thành thảm hoạ chung cho nhân loại, gây tác hại nhiều mặt về kinh tế, xã hội, đạo đức, sức khoẻ, lối sống… của con người; ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Ma tuý chẳng những đã làm gia tăng tội phạm mà còn là cầu nối lan truyền căn bệnh thế kỷ  HIV/AIDS, làm cho nhiều gia đình tan nát và nhiều người đã phải chết vì căn bệnh này.

ở nước ta tệ nạn ma tuý và tội phạm ma tuý ngày càng tăng nhanh và đã trở thành quốc nạn. Để ngăn chặn thảm hoạ ma tuý và tích cực hưởng ứng chương trình toàn cầu phòng, chống ma tuý, chính phủ  đã ban hành Nghị quyết 06/CP ngày 29/01/1993 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, đồng thời đề ra các chương trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 1998 - 2000, giai đoạn 2001 - 2005 và giai đoạn 2006 - 2010.Cùng với các chương trình hành động, phòng chống ma tuý của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống ma tuý và sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự, thể hiện chính sách hình sự mới trừng trị nghiêm khắc các loại tội phạm về ma tuý.

Bắc Giang là tỉnh miền núi và cũng là một trong các địa bàn trọng điểm về ma tuý. Nhận thức sâu sắc về tác hại của ma tuý, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống ma tuý; nhiều năm qua cùng với việc triển khai chương trình hành động phòng, chống ma tuý đến các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thành lập các Ban chỉ đạo phòng, chống ma tuý từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời đề ra nhiều đề án phòng, chống ma tuý trên các địa bàn của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của các Ban chỉ đạo và các cấp chính quyền, công tác phòng chống tệ nạn và tội phạm về ma tuý của tỉnh đã đạt được một số kết quả trong việc tuyên truyền giáo dục,phát động toàn dân tham gia phòng, chống ma tuý; tổ chức đấu tranh chống các loại tội phạm về ma tuý; tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý.Vì vậy đã bước đầu kiềm chế được sự gia tăng của tệ nạn và tội phạm ma tuý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma tuý của các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; tình hình tệ nạn và tội phạm  về ma tuý vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ,đã gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh Bắc Giang thì tình hình tệ nạn và tội phạm ma tuý trong 5 năm qua (từ 2001 đến 2005) như sau:

- Tình hình nghiện ma tuý: Năm 2001 có 1422 người; năm 2002 có 1589 người; năm 2003 có 1485 người; năm 2004 có 1321 người; năm 2005 có 1501 người ở173/229 xã, phường, thị trấn và 6 cơ quan doanh nghiệp ; 70% số người nghiện ma tuý ở độ tuổi từ 16 đến 35 tuổi.Từ năm 2001 đến năm 2005 chúng ta đã tổ chức cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng, gia đình cho 1754 lượt người, song nhiều trường hợp sau khi cai lại tái nghiện. Đáng lưu ý là số người nghiện mới vẫn tiếp tục phát sinh và địa bàn có người nghiện ma tuý không chỉ tập trung ở phường, xã, thị trấn mà đã phát triển ở nhiều xã vùng nông thôn, miền núi.

- Về số người có HIV/AIDS: Tính từ khi phát hiện người có HIV đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang  (năm 1996) đến nay toàn tỉnh có 1687 người có HIV, ở 120/229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó có 707 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là do tiêm chích ma tuý và đến nay đã có 158 người chết do bệnh AIDS.

- Về tội phạm ma tuý: Năm 2001 có 272 đối tượng; năm 2002 có 358 đối tượng; năm 2003 có 422 đối tượng; năm 2004 có 412 đối tượng; năm 2005 có 470 đối tượng (tăng 58 đối tượng so với 2004). Qua điều tra khám phá các vụ tội phạm về ma tuý thời gian qua cho thấy phương thức, thủ đoạn của tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quệt; tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ hình thành đường dây vận chuyển, mua bán ma tuý liên tỉnh có đông người tham gia, với số lượng ma tuý lớn, hoạt động trắng trợn, liều lĩnh. Địa bàn có nhiều đối tượng phạm tội ma tuý là : thành phố Bắc Giang , huyện Tân Yên, huyện Hiệp Hoà … có nhiều tụ điểm phức tạp về ma tuý, trong đó các xã: Ngọc Vân, Song Vân (Tân Yên); Lương Phong, Hoàng thanh, thị trấn Thắng (Hiệp Hoà) ; khu vực Châu Xuyên, phường Lê Lợi và Chi Ly phường Trần Phú (thành phố Bắc Giang); thị trấn Chũ  (Lục Ngạn); thị trấn Kép (Lạng Giang)… là những tụ điểm rất nhức nhối. Mặc dù đã được tập trung đấu tranh quyết liệt, hàng trăm đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý,nhiều đối tượng đã bị xử  tử hình.Song kết quả đạt được chưa cơ bản, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục hoạt động phạm tội.

Qua thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý cho thấy tội phạm ma tuý chưa giảm, chúng không chỉ hoạt động ở thành phố, thị trấn mà đã phát triển  ở cả một  số khu vực địa bàn nông thôn, miền núi… với những phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sảo quyệt; tính chất của tội phạm ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng mua bán ma tuý lớn, chuyên nghiệp hoạt động theo đường dây ổ nhóm có tổ chức, chủ yếu mua và vận chuyển ma tuý ở các tỉnh tây bắc như : Sơn La, Lai châu, Hoà Bình… đưa về Bắc Giang và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh,Thái Nguyên,Bắc Ninh… tiêu thụ; có những vụ chúng mua bán tới hàng trăm bánh hê rôin. Các đối tượng đầu lậu, mua bán ma tuý lớn thường không trực tiếp mua bán mà chi đóng vai trò chỉ huy, điều hành  việc mua bán, vận chuyển ma tuý. Nhiều vụ chúng sử dụng người thân trong gia đình (anh em ruột thịt) để tổ chức thành một đường dây khép kín và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, phương tiện vận chuyển… gây khó khăn cho việc phát hiện , bắt giữ của các cơ quan chức năng.

Đối với các đối tượng mua bán nhỏ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý  phần lớn là các đối tượng nghiện, không có việc làm, kinh tế khó khăn… hoạt động mua bán , giao hàng và nhận tiền rất tinh vi, sảo quyệt. Chúng thường để hàng ở một nơi và nhận tiền ở một nơi, sau khi nhận tiền thì chỉ chỗ cất giấu hàng cho người mua tự đến lấy nên rất khó phát hiện bắt giữ. Đáng lưu ý là hoạt động của tội phạm ma tuý ngày càng liều lĩnh táo tợn; một số vụ chúng đã sử dụng cả vũ khí nóng  (súng , lựu đạn) chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

Tình hình tệ nạn và tội phạm ma tuý nêu trên đang là mối quan tâm lo ngại của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đòi hỏi phải có các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả làm giảm thiểu tệ nạn và tội phạm ma tuý, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.Vì vậy chúng  tôi đã báo cáo và được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao cho nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học : "Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp, nhằm ngăn ngừa, hạn chế tệ nạn và tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang". Với mục tiêucủa đề tài là : Đánh giá thực trạng về tệ nạn và tội phạm ma tuý; đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đối với công tác phòng chống, ngăn ngừa  tệ nạn và tội phạm ma tuý; đánh giá về công tác phối kết hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, các tổ chức đoàn thể xã hội trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa tệ nạn và tội phạm ma tuý; đánh giá về vấn đề giáo dục, cải tạo các đối tượng buôn bán, nghiện hút ma tuý dưới các hình thức cải tạo tập trung, giáo dục tại cộng đồng; đánh giá về vấn đề giáo dục, phòng ngừa tệ nạn ma tuý trong học đường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2001 - 2005. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế có hiệu quả tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

2. Nhận xét đánh giá chung về kết quả  công tác phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma tuý giai đoạn 2001 - 2005.

* ưu điểm: 5 năm qua, Ban chỉ đạo (BCĐ)phòng chống AIDS  và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm  đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp , các ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ các đề án về phòng, chống ma tuý, tập trung vào 3 nội dung trọng tâm là: Tuyên truyền phát động toàn dân tham gia phòng chống ma tuý; tổ chức đấu tranh chống các loại tội phạm về ma tuý; tổ chức cai nghiện và quản lý các đối tượng sau cai nghiện. Việc triển khai thực hiện các đề án  với các nội dung trọng tâm nêu trên đã đạt được nhiều kết quả tốt. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCMT đã được các cấp, các ngành thực hiện tích cực với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, có tác dụng tốt trong việc nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý và trách nhiệm của cộng đồng đối với việc phòng, chống ma tuý. Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma tuý đã được các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả; đã bắt giữ, xử lý trên 1000 vụ (gần 2000 đối tượng) mua bán, vận chuyển ,tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó có 1 số vụ mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, có đông người tham gia, tạo thành một đường dây buôn bán ma tuý từ các tỉnh Tây Bắc về Bắc Giang… góp phần tích cực vào việc kiềm chế tội phạm và tệ nạn ma tuý, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Công tác cai nghiện đã thu được một số kết quả, ngành lao động thương binh xã hội đã khắc phục khó khăn, tổ chức tốt việc cai nghiện tập trung tại trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội của tỉnh. Một số địa phương cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện bố trí, xắp xếp công ăn việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện để họ tái hoà nhập với cộng đồng và gia đình.

* Tồn tại: Tuy niên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma tuý thời gian qua còn có những tồn tại hạn chế:

- Công tác tuyên truyền giáo dục về PCMT chưa được triển khai thực hiện mạnh mẽ ở các thôn, bản, tổ dân phố, địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… và các đối tượng có nguy cơ nghiện ma tuý cao.

- Chưa huy động được đông đảo các lực lượng tham gia vào việc phát hiện, bắt giữ, xử lý đối với các loại tội phạm về ma tuý. Nhiều nơi chính quyền cơ sở và người dân chưa tích cực chủ động phối hợp với lực lượng  công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma tuý, thâm chí còn ngại va chạm không giám tố giác các hành vi phạm tội ma tuý với cơ quan Công an.

- Việc đầu tư kinh phí phục vụ cho công tác PCMT chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc đầu tư cho công tác cai nghiện và triển khai thực hiện các dự án.

Chưa có các dự án về lao động, việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện.Vì vậy hầu hết các đối tượng sau cai nghiện vẫn không có công ăn việc làm, không có điều kiện để tái hoà nhận với cộng đồng.

- Tình hình tệ nạn ma tuý và tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tái nghiện cao, số người nghiện mới vẫn phát sinh. Một số địa phương vẫn còn những tụ điểm phức tạp về ma tuý gây nhức nhối trong nhân dân.

* Nguyên nhân của những thiếu sót, tồn tại:

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do tính chất phức tạp của tệ nạn và tội phạm ma tuý, do tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường… song về chủ quan có các nguyên nhân sau: Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương và một số ban chỉ đạo phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (nhất là ở cấp cơ sở) chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng chống ma tuý; chưa có các biện pháp tích cực để huy động các lực lượng, các đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia phòng chống ma tuý.

Một số cơ quan chức năng được giao chủ trì thực hiện các đề án về phòng chống ma tuý chưa có các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề tài. Việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống ma tuý chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Lực lượng chuyên trách trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý còn mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều các phương tiện, điều kiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý còn nhiều khó khăn.

3. Dự báo tình hình về tệ nạn ma tuý và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc giang  thời gian tới

Từ thực tiễn nghiên cứu về tệ nạn ma tuý, tội phạm ma tuý và các nguyên nhân , điều kiện làm phát sinh tệ nạn và tội phạm ma tuý trong thời gian qua, có thể dự báo về tình hình tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới như sau:

- Tệ nạn và tội phạm về ma tuý sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Vì: Muốn kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn ma tuý thì phải khắc phục, hạn chế được các nguyên nhân, điều kiện phát sinh ra nó. Trong khi đó cuộc chiến chống ma tuý là cuộc chiến lâu dài, gay go, quyết liệt, trong thời gian tới chúng ta không thể một sớm, một chiều khắc phục ngay được các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tệ nạn và tội phạm ma tuý.

Thực tế hiện nay số người nghiện ma tuý còn nhiều, tỷ lệ tái nghiện còn cao, thậm chí số người nghiện mới vẫn phát sinh; các tụ điểm, ổ nhóm buôn bán ma tuý nhỏ lẻ và đường dây buôn bán ma tuý lớn vẫn chưa được phát hiện và triệt phá tận gốc. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng ma tuý của người nghiện còn lớn, lợi nhuận đem lại từ việc buôn bán ma tuý ngày càng cao nên các loại tội phạm về ma tuý chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

- Tệ nạn và tội phạm ma tuý vẫn phát triển ở cả thành phố, các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó địa bàn trọng điểm vẫn là Tân Yên, Hiệp Hoà, thành phố Bắc Giang, Lục Ngạn, Lạng Giang và Việt Yên.

- Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý sẽ ngày càng tinh vi hơn, với tính chất nghiêm trọng và phức tạp hơn.Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý sẽ khó khăn,phức tạp và gay go, quyết liệt hơn.

Vì vậy đòi hỏi phải có các giải pháp  tích cực, đồng bộ để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn và tội phạm ma tuý, nhằm kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma tuý, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

4. Các giải pháp phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma tuý trong thời gian tới.

Để ngăn chặn, kiềm chế , tiến tới đẩy lùi tệ nạn và tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống AIDS , ma tuý, mại dâm của  tỉnh  một số giải pháp chủ yếu sau:

4.1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, chính quyềnđịa phương đối với công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý.

Công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Vì vậy phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương (từ tỉnh đến cơ sở) đối với công tác này. Trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể… thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân dề cao trách nhiệm đối với công tác phòng, chống ma tuý; đồng thời phải cụ thể hoá nhiệm vụ phòng, chống ma tuý đối với các cấp , các ngành và huy động các lực lượng toàn dân tham gia phòng, chống ma tuý; định kỳ nghe báo cáo của các cấp, các ngành và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về công tác phòng, chống ma tuý, kiểm soát ma tuý ở địa phương. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các đề án về phòng chống ma tuý  đã đề ra trong chương trình hành động phòng chống ma tuý của tỉnh.

4.2- Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ma tuý.

Tuyên truyền giáo dục về phòng , chống ma tuý là một trong các nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống ma tuý. Vì vậy cần triển khai đồng bộ các loại hình thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma  tuý với nhiều hình thức và nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Tập trung tuyên truyền sâu rộng ở các địa bàn trọng điểm, các thôn , bản, tổ dân phố, đơn vị, doanh nghiệp, trường học…; các đối tượng là thanh thiếu niên, học  sinh, sinh viên, người có nguy cơ nghiện cao để tạo ra phong trào toàn dân lên án, phát hiện tố giác tệ nạn, tội phạm ma tuý và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống ma tuý.

Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS , ma tuý, mại dâm các cấp cần đi sâu nghiên cứu, chỉ đạo việc biên soạn, phát hành đến cơ sở các tài liệu về phòng , chống ma tuý; tác hại của ma tuý; kinh nghiệm, biện pháp phòng, chống ma tuý, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tiêm chích ma tuý để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý.

Phải đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc , các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể khác trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma tuý gắn với cuộc vận động "toàn dận đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "xây dựng gia đình, địa phương không có người nghiện và tội phạm ma tuý" và các cuộc vận động khác ở địa phương. Đưa công tác phòng, chống  ma tuý vào nội dung, chương trình giảng dạy trong các trường Cao đẳng, Trung học chuyên ghiệp, Trung học phổ thông… và lấy kết quả công tác phòng chống ma tuý  làm tiêu chí để đánh giá kết quả.

4.3. Kiện toàn bộ máy và nâng cao vai trò trách nhiệm của bộ máy  phòng, chống ma tuý.

Tập trung xây dựng lực lượng và ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý, nòng cốt là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý của Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố; đảm bảo cho lực lượng này đủ sức điều tra phát hiện, triệt phá, bắt giữ, xử lý các loại tội phạm về ma tuý. Đồng thời phải củng cố kiện toàn các ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống ma tuý, mại dâm từ tỉnh đến cơ sở (đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn); xem xét bổ sung, sửa đổi qui chế hoạt động của các Ban chỉ đạo cho phù hợp với tình hình và đặc điểm của từng cấp, từng ngành,  từng địa phương , đơn vị. Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao vai trò trách nhiệm của các Ban chỉ đạo, các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma tuý; định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ma tuý ở từng địa phương, đơn vị.

4.4. Tăng cường đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma tuý.

Huy động các lực lượng và thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn ma tuý và tội phạm ma tuý ở tất cả các địa phương trong tỉnh (nòng cốt là lực lượng Công an). Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma tuý với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cấp, các ngành và nhân dân (nhất là với chính quyền và các tổ chức,đoàn thể ở cơ sở) trong việc quản lý, giáo dục đối với những người nghiện ma tuý và phát hiện, bắt giữ, xử lý các tội phạm về ma tuý.

Hàng năm tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma tuý và thực hiện các biện pháp để giải quyết, xoá các tụ điểm phức tạp về mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

Thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma tuý trong lĩnh vực  y tế, không để tình trạng lợi dụng cung cấp các loại thuốc này cho các đối tượng nghiện ma tuý.

Chủ động phối hợp với lực lượng phòng chống ma tuý của các tỉnh bạn, nhất là với lực lượng công an các tỉnh khu vực tây bắc để phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán ma tuý lớn từ các tỉnh đưa về địa bàn Bắc Giang tiêu thụ. Kiên quyết phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm về ma tuý.

4.5- Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, làm giảm số người nghiện mới. 

Thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình số người nghiện ma tuý trên địa bàn để có hình thức và biện pháp tổ chức cai nghiện phù hợp; đồng thời đi sâu nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện phát sinh người nghiện mới để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa làm giảm số người nghiện mới. Đẩy mạnh đồng bộ các biện pháp cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; thực hiện xã hội hoá việc cai nghiện ma tuý trên địa bàn. Quan tâm đầu tư mở rộng quy mô; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế làm công tác cai nghiện cho Trung tâm cai nghiện của tỉnh để mỗi năm có thể tổ chức cai nghiện tập trung cho từ 350 đến 500 người nghiện.

Thực hiện tốt việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc y học dân tộc và các biện pháp y học khác để cai nghiện, phục hồi sức khoẻ cho người nghiện ma tuý. Có những quy định cụ thể về cơ chế chính sách để phát huy trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và gia đình trong việc tổ chức cai nghiện và quản lý các đối tượng sau cai nghiện. Các đối tượng sau khi đã được cai nghiện, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm, theo dõi, quản lý, giáo dục và tạo điều kiện bố trí, sắp xếp công ăn việc làm cho họ để họ tái hoà nhập với cộng đồng, không đi vào con đường tái nghiện.

5. Kết luận và đề nghị

5.1 Kết luận

Sau một thời gian nghiên cứu, thực hiện đề tài, chúng tôi đã thực hiện được những nhiệm vụ khoa học sau đây:

- Đã điều tra trực tiếp đối với 3000 người bao gồm: 214 người là cán bộ, chiến sỹ công an trực tiếp thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tệ nạn và tội phạm ma tuý ; 238 người là cán bộ chính quyền - đoàn thể cấp xã phường thôn bản, 285 người là giáo viên làm công tác quản lý giáo dục và giảng dạy ở 6 trường THPT và trường Cao đẳng sư phạm Ngô Gia Tự; 1454 người là học sinh, sinh viên THPT và Cao đẳng, 160 người là cán bộ Quản giáo trại giam Ngọc Lý , Trại tạm giam Kế và cán bộ Trung tâm giáo dục lao động xã hội; 649 người là phạm nhân đang cải tạo tại Trại Ngọc Lý, Trại giam Kế và những người đang thực hiện biện pháp bắt buộc  chữa bệnh tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh Bắc Giang. Sau khi điều tra đã phân tích, tổng hợp 3000 phiếu điều tra để làm cơ sở xây dựng chuyên đề và viết báo cáo đề tài.

- Tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học bao gồm 1 cuộc ở cấp tỉnh, 2 cuộc ở cấp huyện.

- Xây dựng 6 chuyên đề khoa học. Cả 6 chuyên đề đều được các chuyên gia thẩm định đánh giá là đạt kết quả tốt.

- Chụp 30 kiểu ảnh tư liệu phản ánh công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống tệ nạn và tội phạm ma tuý.

- Hoàn thành báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học.

5.2. Tính mới của đề tài

Ngoài việc đã đánh giá được toàn diện thực trạng của tệ nạn và tội phạm ma tuý cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001 - 2005; đề tài còn dự báo về tình hình tệ nạn và  tội phạm ma tuý và đưa ra một số giải pháp có tính đồng bộ và khả thi về đấu tranh phòng chống ma tuý trong thời gian tới.

5.3. ý nghĩa khoa học và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn trong thời gian tới

Đề tài được xây dựng trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát thực tế và kết quả nghiên cứu thông qua hội thảo xây dựng chuyên đề khoa học… đã đánh giá đúng, đủ và toàn diện thực trạng, nguyên nhân của kết quả đạt được cũng như tồn tại trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh, đưa ra dự báo và giải pháp về đấu tranh phòng chống ma tuý  trong thời gian tới. Kết quả này có ý nghĩa to lớn đóng góp thêm những vấn đề  thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống ma tuý và góp phần tích cực vào việc đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

5.2. Đề nghị

Để các kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi được nghiệm thu đưa vào áp dụng có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống  ma tuý trên địa bàn toàn tỉnh chúng tôi đề nghị:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, xem xét các giải pháp của đề tài trên cơ sở đó có văn bản chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm các cấp; các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, Ban, Ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai ứng dụng ở các địa phương trong toàn tỉnh.

- Sở khoa học và Công nghệ xem xét, đánh giá những kết quả khoa học mà đề tài đạt được để tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh áp dụng.

Trên đây là báo cáo về đề tài nghiên cứu khoa học " Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm ngăn ngừa hạn chế tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".Với chức năng của ngành KSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, VKSND tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng  hình sự và các cơ quan chức năng khác trong việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài vào thực tiễn để ngăn ngừa hạn chế tệ nạn và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đây là một đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng, lại là lần đầu tiên đơn vị được giao thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh; đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện đề tài chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học … nên chắc chắn không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, rất mong được sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và cán bộ liên quan đến việc thực hiện đề tài.

Những người thực hiện đề tài xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn về nghiệp vụ nghiên cứu của Sở khoa học - Công nghệ; sự phối hợp của Sở Công an, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội- Sở lao động thương binh và xã hội,Sở giáo dục đào tạo; Tỉnh đoàn thanh niên và các cơ quan, đơn vị… đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài.

Chủ nhiệm đề tài

Nguyễn Việt Hùng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,759,887
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.226.177.223

    Thư viện ảnh