Sau khi tác giả Hà Đăng Chương có bài viết “Giáp Văn T có phạm tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ hay không” đăng trên trang điện tử của ngành kiểm sát Bắc Giang. Ban biên tập nhận được 03 ý kiến phản hồi như sau:
- Tác giả Nguyễn Ngọc Thắng- VKSND huyện Hiệp Hòa có quan điểm là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Giáp Văn T về hành vi “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự. Vì T biết rõ Phạm Thị A, sinh năm 2003, không có giấy phép lái xe mô tô loại có dung tích 110cc mà vẫn giao xe mô tô cho A điều khiển tham gia giao thông gây hậu quả làm chính A bị chết; “người khác” theo tinh thần của Điều luật chỉ không phải là người giao xe (tức là T) vì điểm a, khoản 1 Điều 264 BLHS quy định “làm chết người” là đủ yếu tố cấu thành tội phạm này.
- Tác giả Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2, Trần Ngọc Nam- Thanh tra có quan điểm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Giáp Văn T về hành vi “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, bởi lẽ:
T có hành vi giao xe cho A điều khiển, biết rõ A không có giấy phép lái xe theo quy định nhưng hậu quả xảy ra là chính bản thân A (người điều khiển xe) tự gây tai nạn và chết.
Khoản 1 Điều 264 BLHS quy định “Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe ...điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây thiệt hại cho người khác...”. Điều luật quy định rõ “người đó” là người được giao xe (tức là A) nhưng khi tham gia giao thông phải gây thiệt hại cho “người khác” (không phải là người điều khiển phương tiện).
Bản thân A là người điều khiển xe biết rõ bản thân mình không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện tham gia giao thông nhưng vẫn điều khiển xe là vi phạm và phải chịu trách nhiệm nếu gây thiệt hại cho người khác.
Mặt khác, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS thì bắt buộc phải xác định hậu quả là gây thiệt hại cho người khác, không tính thiệt hại gây ra cho chính mình.
Ví dụ: A điều khiển xe gây tai nạn làm 01 người chết, 01 người bị thương 50%, bản thân A cũng bị thương 65%. Trường hợp này cũng chỉ xác định hậu quả để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A là 01 người chết, 01 người bị thương 50%./.
Ban biên tập