ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Xác định căn cứ Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm

 | 

Ngày 15/11/2022, Hạt Kiểm lâm huyện L tiếp nhận đơn của tập thể nhân dân thôn X.M, xã S, huyện L, tỉnh B tố cáo ông C đã chặt phá rừng đầu nguồn khu X, thuộc thôn X.M, xã S, huyện L, tỉnh B. Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ chặt phá rừng xác định diện tích rừng bị chặt phá là 0,925ha, loại rừng: rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Kết luận định giá tài sản xác định số cây gỗ rừng bị chặt phá trị giá 161.016.800 đồng. Khi xác định trách nhiệm quản lý diện tích đất rừng có cây bị chặt phá, Công chức địa chính của UBND xã S cho biết thực hiện đề án giao đất rừng, Hạt Kiểm lâm huyện L làm chủ đầu tư (thuê đơn vị tư vấn), tiến hành xác định ngoại nghiệp tại thực địa để lên bản đồ hiện trạng giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên đối với lô đất rừng có cây bị chặt phá nêu trên đơn vị tư vấn không bàn giao cho UBND xã S, vì vậy UBND xã S không nắm được.

Ngày 22/11/2022, Hạt Kiểm lâm huyện L đã có công văn số 83/HKL-PC gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh B; Chi cục Kiểm lâm- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh B cho ý kiến về nguồn gốc đất lâm nghiệp diện tích 0,925ha rừng bị phát, phá nêu trên và cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan. Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2023, do đã hết thời hạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm tuy nhiên chưa có văn bản phúc đáp, nên Hạt Kiểm lâm huyện L cho rằng không có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự nên đã ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Vậy trong trường hợp trên, căn cứ tạm đình chỉ của Hạt kiểm lâm huyện L có đúng hay không? Hiện có 02 quan điểm như sau:

Quan điểm 1: Có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 148 BLTTHS 2015, trong tình huống trên, do chưa xác định được chủ thể có trách nhiệm quản lý diện tích đất rừng có cây bị chặt phá nên việc ra Quyết định tạm đình chỉ là đúng quy định pháp luật.

Quan điểm 2: Không có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Việc Hạt kiểm Lâm huyện L gửi Công văn xin ý kiến của Sở tài nguyên và môi trường và Chi cục kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh B là không cần thiết. Căn cứ Điều 23, Điều 102, Điều 7 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Khoản 2, Điều 8 Luật Đất đai năm 2013, trong tình huống trên thì do diện tích rừng tự nhiên bị phá hoại nói trên thuộc diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa được giao cho cá nhân, tổ chức nào nên trách nhiệm quản lý , bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê thuộc về UBND xã S.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ 2.

Rất mong nhận được quan điểm trao đổi từ các đồng nghiệp!

Dương Đại Lâm- Viện KSND huyện Lục Ngạn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:36,435,978
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.126.147