ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Hành vi của Hà Ngọc T có phạm tội hay không?

 | 

Ngày 12/3/2025, Hà Ngọc T (là người đủ 18 tuổi, đã có giấy phép lái xe mô tô) điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave A của mình để đi mua đồ ăn. Trên đường đi, T gặp Nguyễn Hữu N là người quen (đã đủ 18 tuổi, T biết N là người chưa có Giấy phép lái xe mô tô), đang đi xe đạp. Do trời nắng, N bảo với T cho đi nhờ nên T đồng ý. Sau khi đem xe đạp đi gửi xong, N đi bộ ra chỗ T đang dừng xe. Tại đây, N bảo T là ngồi lùi ra sau thì T ngồi lùi ra phía sau yên xe, còn N ngồi lên vị trí lái. Khi N chuẩn bị điều khiển xe kèm T đi thì T có người gọi điện nên T xuống xe và nghe điện thoại. N cũng rời khỏi xe và ngồi hút thuốc để chờ T. Do chờ T nghe điện thoại lâu quá nên N thúc giục đi thì T dừng nghe điện thoại và ra chỗ để xe. Lúc này, N là người chủ động ngồi lên xe và điều khiển xe kèm T đi. Trên đường đi, xe mô tô do N điều khiển va chạm gây tai nạn với 01 xe mô tô khác do Hoàng Anh S điều khiển đi ngược chiều, hậu quả làm S chết. Kết luận giám định xác định vị trí va chạm giữa hai xe mô tô là khu vực giữa đường (N và S đều có lỗi). Quá trình điều tra, T khai ban đầu thì T có ý thức giao xe cho N điều khiển, tuy nhiên kể từ thời điểm nghe điện thoại xong thì N là người chủ động lên xe và điều khiển xe đi, T không có ý định giao xe cho N điều khiển.

Với hành vi nêu trên, N đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đối với Hà Ngọc T, có quan điểm cho rằng T biết rõ N là người chưa có giấy phép lái xe. Ngay từ ban đầu, khi được N hỏi cho đi nhờ thì T đồng ý. Khi N chuẩn bị lên xe, N bảo T lùi ra phía sau thì T cũng ngồi lùi ra phía sau yên xe, ý thức của T là để cho N điều khiển xe. Sau khi nghe điện thoại xong, được N thúc giục thì T ra xe, lúc này mặc dù N là người tự điều khiển xe nhưng T là người đã ngồi phía sau, ý thức của T vẫn là giao xe cho N điều khiển. Xâu chuỗi hành vi của T thì thấy hành vi của T đã cấu thành tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên có quan điểm cho rằng ban đầu mặc dù T đồng ý cho N đi nhờ xe nhưng hành vi này chưa có ý nghĩa quyết định việc T giao xe cho N điều khiển ở thời điểm sau đó. Khi N chuẩn bị lên xe, mặc dù T ngồi lùi ra sau nhưng hành vi này xuất phát từ yêu cầu, lời nói của N. Mặt khác, giả sử T có đồng ý giao xe cho N thời điểm này đi chăng nữa thì hành vi này cũng đã kết thúc kể từ thời điểm T xuống xe nghe điện thoại và N ra khỏi xe ngồi hút thuốc. Sau khi các đối tượng hút thuốc, nghe điện xong, lúc này việc N điều khiển xe đi là do N tự thực hiện. Do vậy không đủ căn cứ để xử lý đối với T.

Tác giả bài viết cho rằng Hà Ngọc T mặc dù có hành vi cho N đi nhờ xenhưng hành vi này không có ý nghĩa quyết định việc T giao xe cho N điều khiển ở thời điểm sau đó. Khi N lên xe, T đã ngồi lùi ra phía sau, hành vi này của T có thể xác định T đã có ý thức là giao xe cho N điều khiển. Tuy nhiên hành vi này đã chấm dứt kể từ thời điểm các đối tượng xuống xe nghe điện thoại, hút thuốc. Sau khi nghe điện thoại xong, mặc dù T có hành vi ngồi phía sau xe sau đó N điều khiển xe đi nhưng việc N điều khiển xe kèm T là do N tự thực hiện. Do vậy chưa đủ căn cứ vững chắc để xử lý đối với T về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Rất mong ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Vi Văn Cảnh- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:36,215,629
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.216.95.250