Nguyên đơn là ông C trình bày: Ông C và bà N chung sống với nhau từ năm 1975 và có 1 con chung là chị A, sinh năm 1977. Ông C thường xuyên phải đi làm ăn xa nên rất ít khi ở nhà. Năm 1980, giữa ông C và bà N xảy ra mâu thuẫn nên ông C bỏ đi làm ăn, có vài lần về thăm con rồi lại đi ngay. Từ năm 1989 đến nay ông C chung sống với bà T và sinh được 2 con chung.
Quá trình chung sống, ông C và bà N có tạo dựng được tài sản chung là thửa đất diện tích 1.000m2 (300m2 đất ở và 700m2 đất vườn), 01 ngôi nhà cấp 4, công trình phụ, trị giá khoảng 5.000.000.000đ. Nguồn gốc đất do ông C và bà N khai hoang. Năm 1991 UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà N.
Nay xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, ông C khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho ông ly hôn với bà N; chia đôi tài sản chung nêu trên cho ông và bà N.
Bị đơn là bà N trình bày: Bà N và ông C có quan hệ tình cảm từ năm 1975, chung sống với nhau nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn, không cưới hỏi theo phong tục địa phương, có sinh được chị A là con chung. Thời gian chung sống với nhau rất ít, thi thoảng ông C về vài ngày rồi lại đi, sau đó bà có nghe nói ông C đã kết hôn với người khác. Bà N xác định giữa bà và ông C không phải là quan hệ vợ chồng. Nay ông C xin ly hôn bà không nhất trí, đề nghị Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bà và ông C.
Về tài sản: Thửa đất ông C yêu cầu phân chia là do bố mẹ bà tặng cho riêng bà. Năm 1991 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà N. Tài sản trên đất do bà N xây dựng, ông C không có công sức gì nên bà không đồng ý chia tài sản cho ông C.
Tòa án đã tiến hành thu thập tài liệu hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất nhưng không còn lưu trữ được. Xác minh với người dân sinh sống gần nơi bà N sinh sống thì đều cung cấp: Có thấy ông C và bà N sinh sống tại địa phương, không tổ chức cưới hỏi theo phong tục địa phương, ông C không sinh sống thường xuyên cùng bà N. Những năm gần đây thì không thấy ông C ở cùng bà N nữa; nguồn gốc thửa đất trên là do bố mẹ đẻ bà N tặng cho bà N.
Với nội dung vụ án nêu trên thì hiện nay có 2 quan điểm giải quyết khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất: Ông C và bà N chung sống với nhau như vợ chồng từ trước năm 1987, chưa đăng ký kết hôn. Căn cứ quy định tại điểm a, Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, ông C có yêu cầu xin ly hôn bà N thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.Về tài sản: Do không có tài liệu chứng minh về nguồn gốc hình thành diện tích đất và tài sản trên đất là của riêng bà N, nên cần xác định là tài sản chung vợ chồng và chia theo quy định.
Quan điểm thứ hai: Theo lời khai của các đương sự, xác minh tại địa phương xác định ông C và bà N có quan hệ tình cảm. Ông C không thường xuyên sinh sống cùng bà N. Ông C, bà N tuy có con chung nhưng không tổ chức cưới hỏi theo phong tục tập quán địa phương, không thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau cùng nhau xây dựng gia đìnhnên không có căn cứ xác định là hôn nhân thực tế. Do vậy, xác định giữa ông C và bà Nkhông có quan hệ hôn nhân. Ông C yêu cầu giải quyết ly hôn với bà N là không có căn cứ để chấp nhậncho ly hôn.Về tài sản: Ngoài lời khai, ông C không có căn cứ chứng minh thửa đất nêu trên là do ông C và bà N khai hoang mà có, không có căn cứ xác định việc ông C có công sức đóng góp hình thành khối tài sản chung. Qua xác minh một số người dân sinh sống lâu năm ở khu vực gần thửa đất trên thì nguồn gốc thửa đất là do bố mẹ đẻ bà N tặng cho bà N. Đồng thời ông C và bà N không có quan hệ hôn nhân, nên không có căn cứ xác định thửa đất và tài sản trên đất là tài sản chung của ông C và bà N. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của ông C.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai.
Do vấn đề đưa ra còn có quan điểm khác nhau nên tác giả nêu ra để các đồng nghiệp tham thảo và chia sẻ quan điểm giải quyết./.
Hà Thị Hải- Phòng 9 VKSND tỉnh Bắc Giang