Sau khi tác giả Nguyễn Văn Hưng-VKSND huyện Sơn Động có bài viết Nguyễn Văn K phạm tội gì đăng trên trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 19/10/2018. Ban biên tập nhận được 02 ý kiến phản hồi của các đồng chí Nhữ Đức Dũng- Phòng TKTP&CNTT và Trần Ngọc Nam- Thanh tra VKSND tỉnh Bắc Giang có quan điểm như sau:
- Đồng chí Nhữ Đức Dũng có quan điểm:
Hành vi của Nguyễn Văn K chưa đủ yếu tố cấu thành tội không chấp hành bản án cũng như tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi bởi lẽ:
Điều 380 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Hành vi của Nguyễn Văn K tự ý đón con về nuôi dưỡng được hiểu là không tự nguyện chấp hành thi hành án nên có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 120 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 hoặc bị xử phạt hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha,mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Sau khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc bị xử phạt hành chính thì K mới có thể bị xem xét về “Tội không chấp hành bản án”.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự thì người thực hiện hành vi này phải có các hành động như dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em để thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm nhằm mục đích đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ. Trường hợp Nguyễn Văn K tự ý đón con đẻ về nuôi dưỡng không thỏa mãn điều kiện nêu trên.
- Đồng chí Trần Ngọc Nam có quan điểm:
Anh K tự ý đón cháu M về nhà nuôi, không giao cháu M cho chị B nuôi dưỡng là không chấp hành quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này trước hết phải giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự; chị B phải có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền để yêu cầu thi hành án theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; nếu anh K không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án căn cứ các Điều 9, 45, 46 và Điều 120 luật thi hành án dân sự tổ chức cưỡng chế buộc anh K giao con cho chị B nuôidưỡng.
Điều 120 luật thi hành án dân sự quy định: “Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định
1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.”
Căn cứ vào quy định tại Điều 120 luật thi hành án dân sự nêu trên, trong trường hợp anh K không tự nguyện thi hành án và chấp hành viên đã thực hiện các thao tác quy định khoản 1, 2 Điều 120 nêu trên nhưng anh K vẫn không tự nguyện thi hành và việc cưỡng chế anh K không thực hiện được thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý K về “Tội không chấp hành bản án” theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự 2015.
Ban biên tập