Sau khi tác giả Dương Thị Hồng Tiếncó bài viết “Tái phạm hay tái phạm nguy hiểm” đăng trên Trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 22/5/2017. Ban biên tập nhận được 2 ý kiến trao đổi, phản hồi, cụ thể như sau:
>>> Tái phạm hay tái phạm nguy hiểm ?
Tác giả Nguyễn Văn Dũng- Phòng 8 VKSND tỉnh Bắc Giangđồng tình với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ:
Trước khi Nguyễn Đức C thực hiện hành vi phạm tội cố ý gây thương tích thì đã 2 lần bị Tòa án xét xử. Cụ thể, Bản án hình sự sơ thẩm số 42/HSST ngày 11/6/2013 của Tòa án nhân dân huyện N xử phạt 15 tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 229/HSPT ngày 26/9/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh B tuyên y án sơ thẩm. Ngày 11/9/2013,Nguyễn Đức C phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.Bản án hình sự sơ thẩm số 114/HSST ngày 18/12/2013 của Tòa án nhân dân huyện N xử phạt Nguyễn Đức C 12 tháng tù. Tổng hợp hình phạt với bản án hình sự phúc thẩm số 229 ngày 26/9/2013, buộc C phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án là 27 tháng tù. Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự quy định hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của Nguyễn Đức C sẽ là tái phạm nguy hiểm.
Tác giả Nguyễn Văn Tuyển- Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giangđồng tình với quan điểm thứ 2 với những lập luận như sau:
Điều 49 Bộ luật hình sự quy định:
“ 1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”
Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự, thuật ngữ “đã bị kết án” gắn liền với thuật ngữ “chưa được xóa án tích”. Cho nên, chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật thì việc xóa án tích mới đặt ra. Vì vậy, việc bản án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa là căn cứ để xác định người phạm tội mới thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm theo quy định Điều 49 BLHS
Trong trường hợp bài viết nêu, khi xét xử Nguyễn Đức C về hành vi phạm tội lần thứ hai (ngày 11/9/2013) về tội “Chống người thi hành công vụ” thì Bản án sơ thẩm số 42/HSST ngày 11/6/2013 của Tòa án nhân dân huyện M xét xử đối với Nguyễn Đức C về tội “Hủy hoại tài sản” chưa có hiệu lực pháp luật do có kháng cáo nên C không phải chịu tình tiết tăng nặng là “tái phạm”.
Vì vậy, hành vi của Nguyễn Đức C cần truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo các điểm a, i khoản 1 Điều 104 BLHS và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tái phạm” theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS khi xét xử.
Ban biên tập mong tiếp tục nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của bạn đọc.
Ban biên tập