Sau khi đọc bài viết “Nguyễn Văn A có được xét miễn khoản tiền nộp ngân sách” của tác giả Dương Đức Thanh - Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 27/4/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:
>>>Nguyễn Văn A có được xét miễn khoản tiền nộp ngân sách?
Trong bài viết tác giả Dương Đức Thanh có nêu quan điểm: Cục thi hành án tỉnh B đã có quyết định thu hồi toàn bộ quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn A thì được hiểu mọi quan hệ pháp luật về thi hành án đối với Nguyễn Văn A đã được chấm dứt. Quyết định ủy thác cho huyện T để thi hành và Chi cục Thi hành án huyện T nhận quyết định ủy thác sau đó ra quyết định lần đầu để Thi hành án là từ tháng 5/2005 đối với Nguyễn Văn A. Như vậy, điều kiện cần để xét miễn đối với A về số tiền còn lại 4.500.000 đồng tạiđiểm b Khoản 1 Điều 61 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định “Kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng”. Nhưng điều kiện đủ thì phải căn cứ vào điểm a Khoản 2 Điều 4 của thông tư 12 đó là: “Đã tích cực thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách Nhà nước”. Như vậy, kể từ khi Chi cục thi hành án dân sự huyện T ra quyết định thi hành án về thời gian để xét miễn thì đủ nhưng việc thực hiện nghĩa vụ của Nguyễn Văn A chưa được thực hiện. Do vậy, Nguyễn Văn A không được xét miễn khoản nộp ngân sách do Chi cục Thi hành án dân sự huyện T đề nghị.
Cá nhân tôi có quan điểm:
Theo nội dung vụ việc của tác giả đã nêu thì Cục thi hành án dân sự tỉnh B đã ra quyết định thi hành án chủ động để thi hành đối với Nguyễn Văn A, với tổng số tiền phải thi hành là 5.200.000đ. Quá trình tổ chức thi hành án, Cục thi hành án đã xử lý số tiền 700.000đ tuyên trả lại cho Nguyễn Văn A nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án xác định Nguyễn Văn A đang đi thụ hình, không có mặt tại địa phương nên Cục thi hành án đã ra quyết định thu hồi toàn bộ quyết định thi hành án chủ động đối với A sau đó ủy thác thi hành án cho huyện T để thi hành khoản tiền phạt còn lại là 4.500.000đ.
Cục thi hành án dân sự tỉnh B ra quyết định thu hồi toàn bộ quyết định thi hành án chủ động đối với A là chưa chính xác mà phải ra quyết định thu hồi một phần quyết định thi hành án chủ động đối với A theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 vì trong trường hợp này xác định Nguyễn Văn A đã thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành án (số tiền 700.000đ); Tháng 5 năm 2005 Chi cục thi hành án dân sự huyện T ra quyết định thi hành án chủ động là để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với Nguyễn Văn A.
Trong trường hợp nếu xác định Chi cục thi hành án huyện T ra Quyết định thi hành án dân sự lần đầu để thi hành án thì vẫn xác định Nguyễn Văn A đã thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành án vì theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT - BTP - BTC - TANDTC - VKSNDTC, ngày 15/9/2015 quy định : “Thi hành được một phần khoản thu, nộp ngân sách nhà nước …. là đã thi hành được ít nhất bằng một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên”.
Từ những phân tích trên, Nguyễn Văn A đủ điều kiện được xét miễn khoản tiền 4.500.000 đồng vì Nguyễn Văn A đã đáp ứng đủ các điều kiện xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT - BTP - BTC - TANDTC - VKSNDTC, ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Khoản 1 Điều 61 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không có tài sản ….hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
b) …hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000đ đến dưới 5.000.000 đồng.”
Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT - BTP - BTC - TANDTC - VKSNDTC, ngày 15/9/2015 quy định:
“ 1. Điều kiện xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự.
Thi hành được một phần khoản thu, nộp ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 hoặc một phần án phí quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật thi hành án dân sự là đã thi hành được ít nhất bằng một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án.
2. Việc miễn phần án phí, tiền phạt còn lại quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật thi hành án dân sự được thực hiện khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện sau:
a) Đã tích cực thi hành được một phần án phí quy định tại Khoản 1 Điều này;…….
b) Lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn…”
Điều 61 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 còn quy định:
“Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án”.
Tuy nhiên khi kiểm sát hồ sơ đề nghị xét miễn thi hành án cần xem xét cụ thể về thủ tục đề nghị và xét miễn, giảm thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự huyện T đã tiến hành đúng theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT - BTP - BTC - TANDTC - VKSNDTC, ngày 15/9/2015 không.
Tôi xin được trao đổi và rất mong nhận được ý kiến tham gia của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Thủy- Phòng 11, VKSND tỉnh Bắc Giang