ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -13:24 PM

Trao đổi bài viết “Nguyễn Văn A có được xét miễn khoản tiền nộp ngân sách?”

 | 

Ngày 27/4/2016, tác giả Dương Đức Thanh có bài viết trao đổi nghiệp vụ tiêu đề “Nguyễn Văn A có được xét miễn khoản tiền nộp ngân sách?”,nội dung liên quan đến việc xét miễn giảm các khoản thu nộp Ngân sách nhà nước mà Nguyễn Văn A có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định thi hành án dân sự.

>>> Nguyễn Văn A có được xét miễn khoản tiền nộp ngân sách?

Tóm tắt nội dung vụ việc như sau:  Năm 2005, A bị Tòa án nhân dân tỉnh B xử phạt06 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, phạt tiền 5.000.000 đồng, án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng. Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh B đã ra quyết định thi hành án chủ động đối với A. Quá trình thi hành án, A đã thi hành được 700.000 đồng (trong đó có 200.000 đồng tiền án phí và 500.000 đồng tiền phạt), số tiền này thu giữ của A trong quá trình điều tra và được trả lại cho A nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Quá trình xác minh được biết A đang đi thụ hình không có mặt ở địa phương nên Cục THADS tỉnh B đã ra quyết định thu hồi toàn bộ quyết định thi hành án chủ động đối với A sau đó ủy thác thi hành án cho Chi cục THADS huyện T là nơi Nguyễn Văn A có hộ khẩu thường trú để thi hành khoản tiền phạt còn lại là 4.500.000 đồng đối với Nguyễn Văn A.

Tháng 5/2005, Chi cục THADS huyện T ra quyết định thi hành án chủ động đối với A. Qua xác minh điều kiện thi hành án đối với A tại các thời điểm tháng 5/2015, tháng 11/2015 xác định A chưa có điều kiện thi hành án.

Tháng 12/2015, Chi cục Thi hành án dân sự huyện T lập hồ sơ đề nghị miễn khoản tiền thu ngân sách nhà nước 4.500.000 đồng đối với Nguyễn Văn A.

Tác giả  đưa ra hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Chi cục Thi hành án dân sự huyện T căn cứ khoản 1 điểm b Điều 61 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 và Khoản 2 Điều 4 thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ tư pháp, Bộ tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc xét miễn, giảm  nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp Ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 12) thì Nguyễn Văn A đủ điều kiện miễn khoản tiền nộp ngân sách còn lại là 4.500.000 đồng.

Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A không được xét miễn khoản nộp ngân sách do Chi cục Thi hành án dân sự huyện T đề nghị. Do A chưa thỏa mãn điều kiện quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 12, đó là: “Đã tích cực thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Theo quan điểm của tôi: Trước hết phải xác định tuy quá trình xác minh điều kiện thi hành án của Chi cục THADS huyện T xác định A chưa có điều kiện thi hành án, nhưng chưa xác định được Chi cục THADS huyện đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với A hay chưa. Nếu chưa ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với A thì A không thuộc trường hợp được xem xét việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án (quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 12);

Trường hợp Chi cục THADS huyện T đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với A thì A thuộc trường hợp được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật thi hành án dân sự, do A có đủ các điều kiện:

-       Không có tài sản, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng chi đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án (điểm a Khoản 1 Điều 61 Luật THADS).

-       Hết thời hạn 05 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5000.000 đồng (điểm b Khoản 2 Điều 61).

-       Đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước (A đã thi hành được số tiền 700.000 đồng, trong tổng số tiền phải thi hành là 5.200.000 đồng), quy định tại Khoản 2 Điều 61 luật THADS và Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12.

Do vậy A được xem xét miễn số tiền thi hành án còn lại là 4.500.000 đồng.

Theo Điều 57 Luật Thi  hành án dân sự quy định:

“1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.

2. Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được trả lại quyết định ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác thi hành án, nội dung thi hành án.”

Theo tôi, Việc Cục THADS tỉnh B ra quyết định thu hồi toàn bộ quyết định thi hành án chủ động đối với A sau đó ủy thác thi hành án cho huyện T là nơi Nguyễn Văn A có hộ khẩu thường trú để thi hành khoản tiền phạt còn lại là 4.500.000 đồng đối với Nguyễn Văn A. Thực chất đó là việc tiếp tục thi hành phần nghĩa vụ còn lại trong tổng số tiền 5.200.000 đồng mà A có nghĩa vụ phải thi hành theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Trên đây là ý kiến của tôi đối với nội dung tình huống tác giả Dương Đức Thanh đã đưa ra, mong được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và đồng nghiệp./.

Lương Văn Tuấn-VKSND huyện Hiệp Hòa

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,813,240
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.254.103

    Thư viện ảnh