ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 07/04/2025 -08:52 AM

Tổng hợp ý kiến trao đổi bài viết: Cưỡng chế hay không cưỡng chế thi hành án?

 | 

Sau khi bài viết của tác giả Đặng Minh Hà- VKSND thành phố Bắc Giang được đăng tải trên Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 21/3/2025, Ban Biên tập Trang tin điện tử nhận được 02 ý kiến trao đổi của các tác giả: Nguyễn Đức Sơn- Phòng 8 VKSND tỉnh Bắc Giang; Hoàng Thế Hưng- VKSND huyện Tân Yên đều có chung quan điểm đồng tình với quan điểm thứ hai là không có căn cứ cưỡng chế thi hành án, đây cũng là quan điểm của tác giả Đặng Minh Hà.

>>> Cưỡng chế hay không cưỡng chế thi hành án?

Tác giả Hoàng Thế Hưng lập luận:Theo quyđịnh tại khoản 2 Điều 20 Luật THADS thì nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên là “thi hành đúng nội dung bản án, quyết định…”, trong trường hợp trên, bản án của Tòa án không tuyên di dời các công trình trên diện tích 5,6m2 đất bị chiếm để trả lại đất cho người được thi hành án. Trong trường hợp này, Chấp hành viên thực hiện việc thông báo cho các đương sự tự thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì khởi kiện bằng vụ việc dân sự khác. Ngoài ra, tại Điều 9 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTCngày 01/8/2016 quy định:1. Trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu có nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, sửa chữa lỗi chính tả hoặc số liệu nhầm lẫn. Tòa án có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.Việc giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, sửa chữa lỗi chính tả hoặc sai sót về số liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng và Điều 179 Luật Thi hành án dân sự.

2. Văn bản trả lời của Tòa án là căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án đã ban hành hoặc để tiếp tục tổ chức việc thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức việc thi hành án hoặc ban hành quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành, ban hành quyết định về thi hành án mới, trong đó có nội dung tiếp tục duy trì kết quả thi hành án nếu quá trình tổ chức thi hành án trước đó không có sai sót về trình tự, thủ tục thi hành án.”

Như vậy, trong tình huống này, Cơ quan thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích, làm rõ bản án đã tuyên, từ đó có căn cứ để ra các quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án và tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.

Tác giả Nguyễn Đức Sơn lập luận:Tại điểm b khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự quy định:“2. Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao thực hiện theo quy định sau đây: … b) Trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan THADS yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Trường hợp tác giả Đặng Minh Hà nêu, Chi cục thi hành án dân sự đã có văn bản kiến nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y theo thủ tục giám đốc thẩm và TAND cấp cao tại Hà Nội cũng đã có văn bản phúc đáp về việc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với lý do Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng vì bị đơn không hợp tác, cản trở, không đồng ý cho Hội đồng thẩm định vào xem xét nên đã không phát hiện tại vị trí đất tranh chấp có tường bao và trụ cổng… do đó phải chịu hậu quả đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng theo khoản 6 Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, Chi cục THADS có quyền tiến hành thực hiện việc cưỡng chế thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:“Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Trong vụ án nêu trên, ông Lương Văn A chỉ khởi kiện yêu cầu đòi lại ông Thân Văn B 5,6 m2 đất, không yêu cầu buộc ông B phải tháo dỡ tường bao và trụ cổng. Do vậy, việc Toà án sơ thẩm không xem xét, giải quyết về các tài sản này là đúng phạm vi khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng việc Toà án sơ thẩm không giải quyết về tường bao, trụ cổng trên đất là do lỗi của  ông B không cho Hội đồng thẩm định vào xem xét hiện trạng để thẩm định là không đúng, vì theo quy định nêu trên Toà án sơ thẩm không có trách nhiệm phải xem xét, thẩm định các tài sản đó. Do ông B không có lỗi nên không có căn cứ để Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.

Trong trường hợp này, Chấp hành viên cần hướng dẫn ông A tiếp tục khởi kiện ông B bằng 01 vụ kiện khác yêu cầu Toà án nhân dân huyện Y buộc ông B phải tháo dỡ công trình, tài sản trên diện tích đất 5,6 m2 đã được Toà án xác định là của ông A./.

Ban Biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:35,699,639
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.74.222

    Thư viện ảnh