Nội dung vụ việc: Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân dân huyện Y giải quyết “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Lương Văn A với bị đơn là ông Thân Văn B đã quyết định: Buộc ông B phải trả cho ông A diện tích 5,6m2 đất (có sơ đồ cụ thể) nằm trong tổng diện tích đất đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Lương Văn A. Bị đơn có kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng vắng mặt 02 lần tại phiên tòa không có lý do chính đáng nên Tòa án nhân dân tỉnh B đã ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Lương Văn A có đơn yêu cầu thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) tiến hành xác minh hiện trạng diện tích 5,6m2 đất nêu trên thấy trên đất tường bao là tường gạch xây nối với trụ cổng nhà ông B có chiều rộng 40cm, chiều cao 1,7m; các đương sự đều xác nhận là của ông B xây dựng trước khi xảy ra tranh chấp; ông B không đồng ý cho tháo dỡ tường bao và trụ cổng để trả đất cho ông A. Do bản án không tuyên xử lý đối với tường bao và trụ cổng nêu trên nên Chi cục THADS không có căn cứ để xử lý. Vì vậy, Chi cục thi hành án đã có văn bản kiến nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản phúc đáp về việc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì: Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng vì bị đơn không hợp tác, không đồng ý cho Hội đồng vào vị trí đất tranh chấp nên không phát hiện tại vị trí đất tranh chấp có tường bao và trụ cổng. Như vậy, bị đơn đã có hành vi cản trở không cho Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ nên phải chịu hậu quả đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng theo khoản 6 Điều 489 Bộ luật Tố tụngdân sự. Mặt khác, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn 5,6m2 đất lấn chiếm, bị đơn có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Mặc dù đã được Tòa án phúc thẩm triệu tập 02 lần hợp lệ nhưng bị đơn vẫn vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng nên Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị đơn từ bỏ quyền kháng cáo và ra quyết định đình chỉ xử phúc thẩm vụ án. Vì vậy, trong trường hợp này, bị đơn không chủ động di rời các công trình trên diện tích 5,6m2 lấn chiếm để trả lại đất cho nguyên đơn thì chi cục THADS sẽ tiến hành thực hiện việc cưỡng chế thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự.
Hiện có quan điểm khác nhau về việc cưỡng chế thi hành án hay không cưỡng chế thi hành án đối với tài sản nêu trên, cụ thể như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Căn cứ thông báo nêu trên của TAND cấp cao tại Hà Nội, Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế di dời các công trình trên diện tích 5,6m2 lấn chiếm để trả lại đất cho người được thi hành án.
- Quan điểm thứ hai: Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật THADS thì nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên là thi hành đúng nội dung bản án... Do bản án không tuyên di dời các công trình trên diện tích 5,6m2 chiếm để trả lại đất cho người được thi hành án nên Chấp hành viên không có căn cứ để tổ chức cưỡng chế. Trong trường hợp này, Chấp hành viên thực hiện việc thông báo cho các đương sự tự thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì khởi kiện bằng vụ việc dân sự khác.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong được sự trao đổi của các đồng nghiệp./.
Đặng Minh Hà- VKSND thành phố Bắc Giang