Sau khi bài viết “Xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp loạn thần do rượu?” của tác giả Lê Đình Duy- VKSND thành phố Bắc Giang, đăng trên Trang tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 07/12/2024, Ban Biên tập trang tin nhận được 03 ý kiến trao đổi như sau:
>>> Xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp loạn thần do rượu?
Tác giả Nguyễn Đức Tùng – Phòng 2 VKSND tỉnh đồng ý với quan điểm thứ nhất trong bài viết (phải xem xét trách nhiệm hình sự của Nguyễn Văn B), bởi lẽ: Nguyễn Văn B được cơ quan chuyên môn kết luận tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, B bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong trường hợp bị bệnh Rối loạn loạn thần do rượu - F10.5 (Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loạn tâm thần và hành vi). Tuy nhiên, B là đối tượng thường xuyên sử dụng rượu gây nên bệnh của mình, tức là tự đặt mình vào tình trạng bệnh. Quá trình điều traxác địnhtrước thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, B khai có uống nhiều rượu từ ngày 21/8/2024.Do vậy,vẫn phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với B theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, Điều 13 Bộ luật Hình sự hiện hành còn mang định tính chung chung, trên thực tiễnhiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau nên một số trường hợp, việcáp dụng thực hiện giữa các ngành tố tụng và giữa các địa phương còn chưathống nhất. Do vậy, liên ngành tố tụng Trung ương cần xem xét hướng dẫn để thực hiện thống nhất theo đúng tinh thần của Điều 13 Bộ luật Hình sự.
Tác giả Hà Thị Hiên – VKSND huyện Lạng Giang đồng tình với quan điểm thứ hai trong bài viết (Nguyễn Văn B không phải chịu trách nhiệm hình sự), bởi lẽ:
Kết luận Pháp y về tâm thần ngày 10/10/2024 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội ngày 22/8/2024, Nguyễn Văn B bị bệnh Rối loạn loạn thần do rượu, mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi.Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định : “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, Nguyễn Văn B thực hiện hành dùng dao chém anh Hoàng Văn A gây thương tích 12% , trong khi đang bị bệnh Rối loạn loạn thần do rượu, mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi. Do đó, B không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Theo tác giả Hoàng Văn Quý – Phòng 2 VKSND tỉnh: Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nếu do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 13, Điều 21 Bộ luật Hình sự). Các quy định này hiện nay chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể cho nên giữa các ngành, địa phương chưa có sự áp dụng thống nhất trong một số trường hợp cụ thể. Đối với tình huống tác giả Lê Đình Duy đưa ra, theo kết luận giám định đã kết luận tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội cố ý gây thương tích, Nguyễn Văn B bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong trường hợp bị bệnh Rối loạn loạn thần do rượu - F10.5, đây là một loại bệnh đã được Quốc tế công nhận, nguyên nhân của bệnh xuất phát từ việc sử dụng rượu kéo dài, cho nên trong trường hợp này không xử lý hình sự đối với B.
Trên đây là tổng hợp ý kiến trao đổi bài viết của tác giả Lê Đình Duy, Ban Biên tập tổng hợp để đồng nghiệp và bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi./.
Ban Biên tập