ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -04:38 AM

Tổng hợp ý kiến trao đổi bài viết “Khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh”

 | 

Sau khi bài viết của tác giả Vi Văn Cảnh – VKSND huyện Tân Yên được đăng tải, Ban Biên tập Trang tin điện tử nhận được 04 ý kiến trao đổi của các tác giả là cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát Bắc Giang. Ban Biên tập tổng hợp như sau:

>>> Khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh

Có 03 ý kiến đồng tình với quan điểm thứ tư trong bài viết (cùng với quan điểm của tác giả Vi Văn Cảnh), xác định hành vi của T cấu thành tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, gồm các tác giả Nguyễn Thị Hiền và

1. Các tác giả Lương Văn Tuấn – VKSND huyện Yên Dũng, Nguyễn Thị Tuyết Mai – VKSND huyện Lục Nam có chung quan điểm hành vi của T tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội “Cướp tài sản” nên được miễn trách nhiệm hình sự về tội danh này; T phải chịu trách nhiệm về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tác giả Lương Văn Tuấn phân tích:Sau khi biết K và M trộm cắp tài sản trong công ty, T tự nhận mình là cán bộ nhân viên của công ty đồng thời giơ ống tuýp sắt về phía K và M, có lời nói đe dọa yêu cầu K và M phải đưa cho T toàn bộ 12 chiếc điện thoại do K và M vừa trộm được, nếu không T sẽ báo Công ty. Lo sợ trước thái độ hung hãn của T nên K và M đồng ý. Hành vi này của T là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc yêu cầu K và M giao tài sản là 12 chiếc điện thoại có dấu hiệu của tội “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, sau đó T vứt ống tuýp sắt đi, T nói mình cũng chỉ là công nhân như K và M nên 3 đối tượng đã ngồi nói chuyện. Đây là việc T tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nên được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm theo quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự. Sau khi bàn bạc, K và M nói là sẽ chia cho T một phần trong số các điện thoại này còn bản thân T nói là T đi vay tiền để mua lại toàn bộ với giá rẻ hơn thị trường, trường hợp nếu không vay được tiền để mua lại thì 3 người sẽ chia nhau mỗi người 4 chiếc, thì được K và M đồng ý nên T đem toàn bộ 12 chiếc điện thoại này cất ở phòng của T. Do đó trường hợp giá trị tài sản trộm cắp từ 2.000.000đ trở lên thì hành vi của T phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” bởi lẽ: T không hứa hẹn trước với K và M về việc trộm cắp tài sản, bản thân T biết rõ việc K và M trộm cắp 12 chiếc điện thoại của công ty nhưng vẫn đồng ý mua lại toàn bộ 12 chiếc điện thoại trên với giá rẻ hơn giá thị trường, nếu không có tiền mua thì sẽ chia nhau với K và M mỗi người 4 chiếc điện thoại.

Theo tác giả Nguyễn Thị Tuyết Mai:Ban đầu T có hành vi dùng ống tuýp sắt để đe dọa, ép buộc K và M giao tài sản, sau đó K và M đã đồng ý giao tài sản cho T, nhưng T không lấy những chiếc điện thoại đó luôn mà chủ động vứt ống tuýp sắt đi, và ngồi nói chuyện với K và M. Hành vi của T đã cấu thành tội “Cướp tài sản” tuy nhiên sau đó T đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nên T được miễn trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản”. Phùng Quang T không hứa hẹn trước với K và M về việc tiêu thụ tài sản, không có hành vi khác giúp sức cho K và M nên hành vi của T không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.  Mặt khác T đã thỏa thuận được với M và K là sẽ vay tiền để mua lại số điện thoại này với giá rẻ và mang số điện thoại này về phòng mình cất, trường hợp không vay được tiền thì T sẽ được K và M chia cho 04 chiếc điện thoại, do vậy hành vi của T đã cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

2. Tác giả Nguyễn Thị Hiền – VKSND huyện Yên Dũng cho rằng hành vi của T cấu thành tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”, với lập luận: hành vi của T bao gồm một chuỗi hành vi, cụ thể: Hành vi dùng tuýp sắt đe doạ K và M để nhằm mục đích muốn có số tài sản mà K và M vừa trộm, sau đó, khi nhận được sự đồng thuận của K và M thì T đã vứt tuýp sắt đi rồi nói chuyện với K và M về mục đích của T là muốn mua lại số điện thoại trộm cắp trên. Như vậy, mục đích ban đầu của T chỉ là muốn được chia chác số tài sản mà K và M vừa trộm cắp được. Còn đối với K và M đã bị hành vi của T làm cho lo sợ nếu không chia cho T thì T sẽ tiết lộ việc K và M trộm cắp tài sản nên đã đồng ý cho T một phần tài sản bị trộm cắp. Mặc khác, T đã thú nhận mình là công nhân như K và M, T còn hứa hẹn sẽ vay tiền để mua lại số điện thoại trên để K và M tin tưởng giao điện thoại cho mình cất giữ. Do đó, hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự.

3.Tác giả Đặng Bá Hưng, đơn vị Thanh tra - khiếu tố VKSND tỉnh có quan điểm hành vi của T có dấu hiệu phạm 02 tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà”, cụ thể như sau:

Thứ nhất, T giơ tuýp sắt về phía K và M để đe doạ nếu không đưa toàn bộ số điện thoại K và M đã trộm cắp được của Công ty cho T thì T sẽ báo cho Công ty biết, đây là thủ đoạn uy hiếp tinh thần của T nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, do đó hành vi này của T có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự. Kết quả T đã chiếm đoạt được 4/12 chiếc điện thoại mà M và K trộm cắp được của Công ty hoặc chiếm đoạt được bằng cách thoả thuận ép M và K bán rẻ 12 chiếc điện thoại này cho T.

Thứ hai, sau khi uy hiếp tinh thần làm cho K và M phải thoả thuận chia sẻ 01 phần tài sản trong 12 chiếc điện thoại trộm cắp được theo 2 phương án, một là bán rẻ cho T cả 12 chiếc, hai là nếu T không vay được tiền để mua rẻ thì T sẽ lấy 4 chiếc, T tiếp tục có hành vi đem cả 12 chiếc điện thoại này về phòng trọ của T để cất giấu, như vậy T đã chứa chấp cả số điện thoại là phần mà K và M trộm cắp được và được hưởng theo thoả thuận chia nhau, hành vi này của T có dấu hiệu phạm tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự.

4. Ý kiến của thành viên Ban Biên tập: Hành vi của T có đầy đủ dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự. Cụ thể khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định: “1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù…”.  Ở tình huống bài viết, T có hành vi xưng danh mình là cán bộ nhân viên của Công ty Samsung đồng thời giơ ống tuýp sắt về phía K và M, có lời nói đe dọa yêu cầu K và M phải đưa cho T toàn bộ số điện thoại trộm cắp, nếu không T sẽ báo Công ty, đây vừa là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực vừa là hành vi dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần người khác được nêu trong điều luật (do hành vi đe dọa dùng vũ lực của T chưa đến mức quyết liệt, ngay tức khắc nên chưa cấu thành tội “Cướp tài sản”). Mục đích T thực hiện hành vi đe dọa là nhằm chiếm đoạt tài sản; như vậy, ở thời điểm này tội phạm “cưỡng đoạt tài sản” đã hoàn thành, vì tội danh này có cấu thành hình thức. Các hành vi tiếp theo của T là bỏ tuýp sắt xuống ngồi nói chuyện, mặc cả với K và M về việc chia tài sản, mua lại tài sản và mang số tài sản này về phòng ở của T cất giữ, đây vẫn là hành vi tiếp theo của hành vi cưỡng đoạt tài sản (tương tự như các trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản hay cướp tài sản thì mang tài sản đó đi tẩu tán, cất giấu, tiêu thụ…), cho nên không xử lý T thêm về một tội phạm độc lập khác.

Ban Biên tập trang tin tổng hợp để đồng nghiệp và bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi./.

Ban Biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,547,199
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.97.9.171

    Thư viện ảnh