ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 16/11/2024 -00:15 AM

Khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh

 | 

Phùng Quang T, Lò Quang M và Phạm Ngọc K đều là công  nhân của Công ty Samsung, trong đó M và K ở chung phòng còn T ở phòng bên cạnh, M, K với T không quen biết nhau. Ngày 23/02/2024, quá trình làm việc trong Công ty, lợi dụng sơ hở nên M và K cùng nhau trộm cắp được 12 chiếc điện thoại di động sau đó đó đem về phòng. Tại đây, quá trình K và M nói chuyện với nhau về việc ăn chia đối với 12 chiếc điện thoại này thì vô tình T ở phòng bên nghe được nên T cầm 01 đoạn ống tuýp sắt dài 72cm đi sang phòng của K và M. Khi sang phòng, T nói T là cán bộ nhân viên của Công ty đồng thời giơ ống tuýp sắt về phía K và M, có lời nói đe dọa yêu cầu K và M phải đưa cho T toàn bộ số điện thoại này, nếu không T sẽ báo Công ty.

Lo sợ trước thái độ hung hãn của T nên K và M đồng ý, T vứt ống tuýp sắt đi, T nói mình cũng chỉ là công nhân như  K và M nên 3 đối tượng đã ngồi nói chuyện. Sau khi bàn bạc, K và M nói là sẽ chia cho T một phần trong số các điện thoại này còn bản thân T nói là T đi vay tiền để mua lại toàn bộ với giá rẻ hơn thị trường, trường hợp nếu không vay được tiền để mua lại thì 3 người sẽ chia nhau mỗi người 4 chiếc, thì được K và M đồng ý nên T đem toàn bộ 12 chiếc điện thoại này cất ở phòng của T. Tuy nhiên hành vi của các đối tượng sau đó đã bị phía Công ty phát hiện và thu giữ lại toàn bộ số tài sản này. Hiện có 4 quan điểm như sau:

Quan điểm 1: Hành vi của T dùng ống tuýp sắt đe dọa, ép buộc làm K và M sợ hãi, miễn cưỡng giao tài sản ngay tức khắc nên hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”.

Quan điểm 2: Mặc dù ban đầu T có hành vi dùng vũ lực là giơ ống tuýp sắt đe dọa K và M, tuy nhiên sau đó T đã chủ động vứt ống tuýp sắt đi, ngồi nói chuyện, trao đổi, bàn bạc và thống nhất  sau đó  K và M mới giao tài sản cho T, tức là K và M còn có khoảng thời gian để lựa chọn trước khi giao tài sản, nên hành vi của T cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Quan điểm 3: Mặc dù T có hành vi dùng tuýp sắt đe dọa nhưng hành vi này đã chấm dứt, sau đó T ngồi lại nói chuyện, trao đổi, bàn bạc với K và M, mặt khác 3 đối tượng có thống nhất được một trong hai phương án là chia mỗi người 4 điện thoại, chính vì vậy hành vi của T cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.

Quan điểm 4: T biết rõ tài sản do K và M phạm tội mà có, mục đích của T là muốn mua lại toàn bộ số tài sản này với giá rẻ hơn thị trường, đã được K và M đồng ý. Do vậy hành vi của T cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tác giả bài viết cho rằng hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực của T hoàn toàn đã chấm dứt kể từ thời điểm T ngồi lại nói chuyện, trao đổi, bàn bạc; hành vi trộm cắp điện thoại của M và K cũng đã hoàn thành; mặt khác cuối cùng T đã thỏa thuận được với M và K là sẽ vay tiền để mua lại số điện thoại này với giá rẻ và mang số điện thoại này về phòng mình cất, do vậy hành vi của T đã cấu thành tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ”.

Rất mong ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Vi Văn Cảnh- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,333,550
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.12.136.218

    Thư viện ảnh