ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 27/11/2024 -01:46 AM

Tổng hợp ý kiến trao đổi bài viết “Xác định tội danh của H và P”

 | 

Sau khi bài viết của tác giả Ngô Thị Vân Anh – VKSND thành phố Bắc Giang được đăng tải, Ban Biên tập Trang tin nhận được 03 ý kiến trao đổi của các tác giả là cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát Bắc Giang. Ban Biên tập tổng hợp như sau:

>>> Xác định tội danh của H và P

1. Có 02 ý kiến đồng tình với quan điểm thứ nhất, xác định H và P phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự, gồm tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung – VKSND thị xã Việt Yên, Trần Mạnh Sỹ - VKSND huyện Lạng Giang.

Tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung phân tích:Trong vụ án này, mặc dù mục đích ban đầu của H và P chỉ kiểm tra xem T có phải người quen hay không, sau khi phát hiện T không phải người quen thì H và P đánh T nhưng không nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, H thực hiện hành vi lấy điện thoại của T trong khi P đang thực hiện hành vi dùng vũ lực với T và việc lấy điện thoại này, T biết nhưng không thể phản ứng do đang bị H dùng tay ghì đầu. Sau đó, khi bị người dân phát hiện, H và P đã chiếm đoạt chiếc điện thoại của T và đem đi bán lấy tiền chi tiêu cá nhân hết. Do đó, hành vi của H và P phạm vào tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Theo tác giả Trần Mạnh Sỹ:Mặc dù, ban đầu P và H có hành vi đánh Nguyễn Văn T nhưng không nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau khi H, P đánh T làm điện thoại của T đang cầm trên tay bị rơi xuống đường thì H, P đã chiếm đoạt điện thoại của T đem bán lấy tiền và chia nhau chi tiêu hết. Quá trình H, P đánh và chiếm đoạt tài sản của T diễn ra liên tục, kế tiếp nhau về thời gian làm cho T lâm vào tình trạng không còn khả năng bảo vệ được tài sản của mình nên hành vi của Nguyễn Văn P và Phạm Văn H đã phạm vào tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.

2. Tác giả Dương Diễm Quỳnh – VKSND huyện Yên Dũng đồng tình với quan điểm thứ hai, xác định H và P phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự, với phân tích:

Trong trường hợp này mục đích ban đầu của H và P không phải là dùng vũ lực để chiếm đoạt chiếc điện thoại của T mà mục đích ban đầu của H và P là dùng vũ lực gây thương tích cho T, trong quá trình gây thương tích cho T thì H và P mới phát hiện tài sản của T là chiếc điện thoại di động bị rơi ra và có hành vi chiếm đoạt chiếc điện thoại này. Như vậy, hành vi của H và P đủ yếu tố cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

3. Thành viên Ban Biên tập: Đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ: Mặc dù ban đầu, H và P không có mục đích dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản của T, nhưng sau khi đánh T làm T rơi điện thoại, H và P đã chiếm đoạt chiếc điện thoại này trong khi cả H và P đều biết T đang trong tình trạng không có khả năng bảo vệ tài sản do bị H dùng tay ghì đầu. Do đó, xử lý H và P về tội “Cướp tài sản” là có căn cứ, phù hợp với hành vi khách quan và ý thức chủ quan của người phạm tội.

Ban Biên tập tổng hợp để đồng nghiệp và độc giả nghiên cứu, trao đổi.

Ban Biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,474,655
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.109.251

    Thư viện ảnh