Sau khi bài viết của tác giả Lê Đình Duy – VKSND thành phố Bắc Giang được đăng tải, Ban Biên tập Trang tin điện tử nhận được ý kiến trao đổi của tác giả Hà Thị Hiên – VKSND huyện Lạng Giang đồng tình với quan điểm thứ hai (cùng ý kiến của tác giả Lê Đình Duy). Tác giả Hà Thị Hiên phân tích:
>>> Xác định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư số 03 ngày 28/12/2023 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự quy định:
“2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà hành vi của người phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ được xác định như sau:
a) Bí mật quân sự bao gồm bí mật của Quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng, bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và được quy định trong các văn bản của các cơ quan Nhà nước, tổ chức đảng có thẩm quyền;
b) Gây thiệt hại cho Quân đội bao gồm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội;
c) Phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
3. Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.
Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm hướng dẫn tại khoản 2 Điều này; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử”.
Như vậy, hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A được phát hiện vào ngày 20/3/2024, thời điểm này A đã xuất ngũ. Hành vi của A không liên quan đến bí mật quân sự và không gây thiệt hại cho Quân đội. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện X.
Thành viên Ban Biên tập có chung quan điểm với tác giả Lê Đình Duy và ý kiến trao đổi của tác giả Hà Thị Hiên. Trong trường hợp nêu trên, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài quân đội, cụ thể là các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện X với lý do như các tác giả đã phân tích.
Ban Biên tập tổng hợp để đồng nghiệp và độc giả nghiên cứu, tham khảo.
Ban Biên tập