Sau khi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh – VKSND huyện Lục Nam được đăng tải, Ban Biên tập Trang tin điện tử nhận được ý kiến trao đổi của tác giả Nguyễn Thị Hiền – VKSND huyện Yên Dũng.
>>> Vi Trung N phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự
Tác giả Nguyễn Thị Hiền đồng tình với quan điểm thứ nhất (cùng quan điểm với tác giả Nguyễn Thị Quỳnh), xác định hành vi của Vi Trung N phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự, với lập luận: Vi Trung N có hành vi đi không đúng phần đường, lấn sang phần đường ngược chiều, dẫn đến việc N để xe mô tô của mình va chạm với xe mô tô của anh Nguyễn Đình T khiến cho anh T tử vong. Khi đo nồng độ cồn trong máu của N thì kết quả đo được là 13.3mg/Dl. Bản thân N khai nhận là không hề sử dụng rượu bia, đối chiếu với quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 về các hành vi bị nghiêm cấm:
“8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”
Căn cứ kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở thì nồng độ của N là 13.3mg/Dl < 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức độ nồng độ quy định), nồng độ cồn của N nằm ở mức cho phép của Luật, không vượt quá mức quy định. Như vậy, N không vi phạm điều cấm về nồng độ cồn của Luật Giao thông đường bộ và cũng không vi phạm điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự về “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định…”
Ý kiến của thành viên Ban Biên tập:
Sau khi nghiên cứu nội dung tình huống trong bài viết của tác giả, đối chiếu với quy định của pháp luật, Thành viên Ban Biên tập đồng tình với quan điểm thứ hai trong bài viết, đó là hành vi của N phạm vào điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS, bởi lẽ:
Điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng: “b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lit khí thở”.
Tuy nhiên, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) như sau: “8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Hành vi phạm tội của N được thực hiện vào ngày 28/8/2024 là thời điểm Luật Giao thông đường bộ (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia) đang có hiệu lực cho nên việc N điều khiển xe mô tô trong máu có nồng độ cồn mức là 13.3mg/Dl là thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Việc N khai không hề sử dụng rượu bia, thuộc trách nhiệm chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ban Biên tập tổng hợp để đồng nghiệp và độc giả nghiên cứu, tham khảo.
Ban Biên tập