Sau khi bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh – VKSND thành phố Bắc Giang được đăng tải, Ban Biên tập Trang tin nhận được 05 ý kiến trao đổi của các tác giả là cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát Bắc Giang. Ban Biên tập tổng hợp như sau:
>>> Vướng mắc trong áp dụng pháp luật đối với tội Cố ý gây thương tích
1. Có 04 ý kiến đồng tình với quan điểm thứ hai trong bài viết, xác định hành vi của A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, gồm các tác giả Ngô Thanh Lâm – VKSND huyện Yên Thế, Nguyễn Đức Chiến – VKSND huyện Lục Nam, Nguyễn Thuỳ Trang – Thanh tra, khiếu tố VKSND tỉnh, Dương Đại Lâm – VKSND huyện Yên Dũng.
Tác giả Ngô Thanh Lâm phân tích như sau: Sau thời điểm A cầm dao chém vào tay trái của B gây thương tích 8%, các bên vẫn đang cãi chửi nhau thì A lại tiếp tục dùng dao chém C gây thương tích 5, thể hiện tính liên tục về mặt thời gian trong việc A thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho B và C (cùng trong buổi tối ngày 11/4/2024 và sự ngắt quãng là không đáng kể). Cho nên không có căn cứ xác định việc A gây thương tích cho B và C là 02 lần phạm tội riêng biệt nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự A với tình tiết định khung hình phạt “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo tác giả Nguyễn Thuỳ Trang: Mặc dù A có hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho B và C là hai người khác nhau, thương tích của mỗi người đều đủ yếu cố cấu thành tội phạm “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, hành vi của A diễn ra cùng một thời điểm là tối ngày 20/10/2024, cùng một không gian, các hành vi diễn ra liên tiếp khi 03 người đang tranh cãi, xô xát với nhau, không phải hai thời điểm, hai sự việc độc lập. Do đó, chỉ xác định A thực hiện hành vi phạm tội một lần với hai bị hại khác nhau. Tỷ lệ thương tích của B, C đều dưới 11% nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS. Việc không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” với A cũng đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội.
Theo tác giả Nguyễn Đức Chiến, Dương Đại Lâm: Nguyễn Văn A đã sử dụng dao là hung khí nguy hiểm chém gây thương tích cho Nguyễn Văn B và Nguyễn Thị C một cách cố ý với tỷ lệ tổn thương cơ thể của B và C lần lượt là 08% và 05%, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS. Mặt khác, hành vi gây thương tích của A được thực hiện liên tiếp về mặt thời gian, cụ thể là trong cùng thời điểm là buổi tối ngày 11/4/2024 sau khi chém B xong các bên vẫn tiếp tục cãi nhau và A tiếp tục dùng dao chém C gây thương tích, không có sự gián đoạn về mặt thời gian. Do đó, việc A gây thương tích cho B và C chỉ tính là một lần phạm tội và căn cứ vào tỷ lệ thương tích của B và C đều dưới 11% thì hành vi của A phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS.
2. Riêng tác giả Bùi Việt Hùng – VKSND huyện Lạng Giang xác định hành vi của A đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “Phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự, với lý do: “Phạm tội 02 lần trở lên” được hiểu là có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Trong trường hợp này, A đã dùng hung khí gây thương tích 8% cho B, sau đó lại tiếp tục dùng hung khí gây thương tích 5% cho C. Nếu tách riêng từng lần thì mỗi hành vi của A đều cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS nên A phạm tội thuộc trường hợp “Phạm tội 02 lần trở lên” và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 134 BLHS.
3. Ý kiến của thành viên Ban Biên tập: Đồng tình với quan điểm của tác giả Nguyễn Mạnh và 04 ý kiến trao đổi nêu trên. Trong trường hợp cụ thể này, chỉ xử lý A theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS; việc A gây thương tích cho 2 người trong trường hợp này là căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi xem xét quyết định hình phạt đối với A.
Ban Biên tập tổng hợp để đồng nghiệp và độc giả nghiên cứu, tham khảo.
Ban biên tập