ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:32 AM

Trao đổi bài viết: "Vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"

 | 

Sau khi đọc bài viết “Vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” của tác giả Nguyễn Khắc Tú đăng trên Trang tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 28/7/2021, tôi xin có ý kiến trao đổi như sau:

>>> Vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất mà tác giả đưa ra, tức là không cần phải xác định giá trị tài sản được chứa chấp, tiêu thụ trong việc xác định cấu thành tội phạm của tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý; có nghĩa người phạm tội phải biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ. Trường hợp người chứa chấp hoặc tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có thì không phạm tội này.

Việc người phạm tội phải “Biết rõ” tài sản là do người khác phạm tội mà có” được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30 tháng 11 năm 2011 (sau đây gọi tắt là Thông tư 09), theo đó: “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”.

Ngoài ra, cũng theo Thông tư 09 xác định “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản buộc phải biết  rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ tài sản đó có giá trị thực tế như thế nào và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa; mà chỉ cần người đó có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có là đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 323 BLHS.

Nguyễn Tiến Đạt- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,809,867
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.134.195

    Thư viện ảnh