ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:30 AM

Vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

 | 

Bộ luật hình sự năm 2015 đã giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn trên thực tế so với các quy định trước đây. Tuy nhiên cũng còn vướng mắc mà cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Điển hình là các quy định về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Ngày 03/4/2019, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 64/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính. Tại phần 8, mục I của Công văn có giải đáp vướng mắc trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?.

Nội dung Công văn có căn cứ quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, xác định rằng trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Mặt khác, tại Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 12/4/2016 của Tòa án nhân dân tối cao; Công văn số 1620/VKSTC-V2 ngày 05/5/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Công văn số 1531/C45(P8) ngày 19/5/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đều thống nhất về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015 mà không buộc các đối tượng phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa?.

Các văn bản đã dẫn chứng ở trên chỉ đề cập đến trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không đủ tuổi hoặc không xác định được người thực hiện hành vi phạm tội trước là ai, nhưng không đề cập đến trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không phải tội phạm do không đủ định lượng nói riêng, không cấu thành tội phạm nói chung, thì xử lý như thế nào?. 

Ví dụ: A sau khi trộm cắp được tài sản thì gọi điện thoại thông báo cho B biết và bảo B đem đi tiêu thụ, số tài sản mà A trộm cắp được có giá trị tại thời điểm bị chiếm đoạt là 1.300.000 đồng. Cả A và B đều không có tiền án, tiền sự. Do không đủ định lượng nên hành vi của A không cấu thành tội phạm. Vậy trong trường hợp này hành vi của B có bị xử lý hình sự hay không?.

Hiện nay có 02 quan điểm giải quyết khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Không cần phải xác định giá trị tài sản được chứa chấp, tiêu thụ bởi lẽ theo cấu thành tội phạm của tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản buộc phải biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ tài sản đó có giá trị thực tế như thế nào và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Chỉ cần người đó có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có là đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 323 BLHS. Do đó cần xử lý hình sự đối với B.

Quan điểm thứ hai: Do tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” không có định lượng giá trị tài sản, nên hành vi của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có phạm tội hay không phụ thuộc vào hành vi của người thực hiện hành vi phạm tội trước, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không? Nếu như A phạm tội thì B cũng phạm tội và ngược lại. Do đó không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với B.

Trên đây là vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đối với ví dụ nêu trên, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.

Nguyễn Khắc Tú- VKSND huyện Lục Ngạn

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,809,842
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.137.219.213

    Thư viện ảnh