.

Thứ bảy, 27/04/2024 -00:48 AM

Trao đổi bài viết “Có tiếp tục cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng hay không”?

 | 

Sau khi đọc bài viết trao đổi “Có tiếp tục cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng hay không” của tác giả Đồng Thị Toàn- VKSND huyện Lạng Giang, cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai (đồng quan điểm với bài viết của tác giả Dương Thị Thúy- VKSND huyện Hiệp Hòa), bởi lý do sau:

>>> Có tiếp tục tiến hành cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng hay không?

Theo nội dung bài viết của tác giả Đồng Thị Toàn, Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 52/2019/HNGĐ-ST ngày 27/9/2019 của TAND huyện L và Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 01/2020/HNGĐ-PT ngày 15/01/2020 của TAND tỉnh B đều quyết định: Xử cho chị H được ly hôn với S; giao con chung là cháu Bùi Ngọc Quỳnh T cho chị H nuôi dưỡng; cả hai bản án về việc giao con chung cho chị H nuôi dưỡng đã có hiệu lực pháp luật. Quan điểm của tác giả cho rằng: Chấp hành viên đã tiến hành tất cả các biện pháp cưỡng chế và đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, Chi cục THADS huyện L không tiến hành cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng đối với Bùi Đức S nữa mà chỉ áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục S và gia đình S tự nguyện giao cháu T cho chị H nuôi dưỡng theo bản án của Tòa án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 106 Hiến pháp 2013: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự cũng quy định rõ những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:

“a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm…”.

Như vậy, với các quy định nêu trên thì Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.

Việc Bùi Đức S bị TAND huyện L xét xử hình sự, xử phạt S 04 tháng tù về tội “Không chấp hành án” theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự là xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành đối với bản án. Trên thực tế, Bản án phúc thẩm số 01/2020/HNGĐ-PT ngày 15/01/2020 của TAND tỉnh B xử giao con chung là cháu Bùi Ngọc Quỳnh T cho chị H nuôi dưỡng vẫn chưa được thi hành. Căn cứ các quy định của pháp luật như đã nêu trên, Bùi Đức S buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của bản án số 01/2020/HNGĐ-PT ngày 15/01/2020 của TAND tỉnh B là giao con chung cho chị H nuôi dưỡng. Do vậy, Chấp hành viên vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp tổ chức cưỡng chế giao con chung cho chị Nguyễn Thị H nhằm đảm bảo nguyên tắc bản án đã có hiệu lực của Tòa án phải được thi hành mà không phụ thuộc vào việc Chấp hành viên đã tiến hành hết các biện pháp cưỡng chế và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bùi Đức S.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./. 

Lê Đình Luyện- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,769,775
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.96.159

    Thư viện ảnh