.

Thứ tư, 24/04/2024 -08:19 AM

Tòa án cấp sơ thẩm chấp thuận cách tính lãi xuất theo phương thức " lãi mẹ đẻ lãi con" là trái quy định của pháp luật

 | 

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận cách tính lãi xuất theo phương thức “lãi mẹ đẻ lãi con” của nguyên đơn làm thiệt hại đến quyền lợi của bị đơn. Do vậy, kháng nghị bản án là cần thiết.

Năm 2008, ông Đ có vay của vợ chồng bà N, ông T số tiền là 550.000.000đ có lúc lên tới 700.000.000đ với lãi suất từ 1.300đ/triệu/ngày đến 1.500đ/triệu/ngày. Cũng trong năm 2008, ông Đ đã trả tiền lãi, gốc cho vợ chồng bà N khoảng 500.000.000đ. Đến ngày 16/01/2009, ông Đ và vợ chồng bà N, ông T đã chốt lại số tiền gốc và lãi ông Đ còn nợ vợ chồng bà N số tiền là 530.000.000đ (có viết giấy biên nhận vay), thoả thuận miệng lãi suất 1.500đ/triệu/ngày. Do việc làm ăn kinh doanh bị thua lỗ nên ông Đ không trả được tiền gốc và lãi cho vợ chồng bà N. Vợ chồng bà N tính tổng số tiền gốc và lãi ông Đ còn nợ vợ chồng bà N là 952.579.000đ (gồm 530.000.000đ tiền gốc và 422.579.000đ tiền lãi) vàyêu cầu ông Đ viết giấy nhận vay 950.000.000đ.

Do không trả được nợ nên ông Đ đã thực hiện yêu cầu của vợ chồng bà N là viết giấy nhận vay của vợ chồng bà N 950.000.000đ vào ngày 16/02/2010 nhưng không ghi thời hạn vay.

Nay, vợ chồng bà N đã đòi tiền ông Đ nhiều lần nhưng ông Đ không trả được số nợ trên nên vợ chông bà N đã khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông Đ phải trả 950.000.000 đ và lãi suất theo qui định.

Từ nội dung vụ án trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử: Buộc vợ chồng ông Đ phải  trả nợ cho vợ chồng bà N tiền gốc vay là 950.000.000đ và 100.268.700đ tiền lãi. Tổng cộng là 1.050.268.700đ.

Thấy có vấn đề trong nội dung giải quyết vụ án, Viện kiểm sát huyện Sơn Động đã rút hồ sơ vụ án để nghiên cứu và phát hiện bản án có vi phạm thủ tục tố tụng và nội dung giải quyết nên đã kháng nghị bản án theo hướng sửa án sơ thẩm. Bởi lẽ:

Thời hạn vay ghi trong giấy vay tiền ngày 16/02/2010 là do vợ chồng bà N ghi thêm, thực tế không có khoản vay nào vào ngày này. Nên ông Đ không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà N mà chỉ đồng ý trả vợ chồng bà N số tiền gốc 530.000.000đ theo giấy vay tiền ghi ngày 16/01/2009 và tiền lãi theo lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước quy định từ ngày 16/1/2009 đến nay. Ông Đ có giao nộp chứng cứ là: Giấy biên nhận vay tiền ghi ngày 16/01/2009 (bút lục số 25), bảng kê tính số tiền gốc và lãi từ ngày 16/01/2009 đến 16/2.

Cũng theo đơn khởi kiện, bản tự khai của vợ chồng bà N, ông T và giấy vay tiền ghi ngày 16/02/2010: Ngày 16/2/2010 vợ chồng bà N cho ông Đ vay số tiền là 950.000.000đ, lãi suất hai bên thoả thuận miệng, thời hạn vay 3 tháng từ ngày 16/2/2010 đến ngày 16/5/2010 phải trả đủ cả gốc và lãi. Đến thời hạn trả ông Đ không trả được nợ nên vợ chồng bà N đề nghị Toà án giải quyết buộc vợ chồng ông Đ phải trả cho vợ chồng bà N số tiền 950.000.000đ và tiền lãi theo lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước quy định kể từ khi vay đến khi cơ quan Toà án giải quyết vụ án. Bản thân bà N thừa nhận đã cho anh Đ vay tiền 2 đến 3 lần. Tại phiên toà sơ thẩm bà N thừa nhận bảng kê tính lãi do bà N tính với lãi suất 1.500đ/ triệu/ngày và số tiền 950.000.000đ gồm cả tiền gốc và lãi cộng gộp. 

Từ lời khai của hai bên đương sự và các tài liệu chứng cứ trên thấy rằng: Mặc dù ngày 16/2/2010 ông Đ có ký giấy vay của vợ chồng bà N số tiền 950.000.000đ nhưng thực tế giữa hai bên không có việc giao nhận  tiền. Số tiền 950.000.000đ được tính từ 530.000.000đ tiền gốc (theo giấy vay tiền ghi ngày 16/01/2009) và 420.000.000đ tiền lãi. Tiền lãi được tính từ ngày 16/1/2009 đến ngày 16/2/2010 với lãi suất 1/500đ/triệu/ngày(tương đương 4,5%/tháng), tiền lãi được nhập vào gốc để tính tiền lãi của tháng tiếp theo (lãi mẹ đẻ lãi con). Do vậy, xác định ông Đ chỉ vay của vợ chồng bà N 530.000.000đ tiền gốc từ ngày 16/01/2009. Bản án sơ thẩm xác định số tiền gốc ông Đ vay của vợ chồng bà N là 950.000.000đ và xử buộc vợ chồng ông Đ phải trả cho vợ chồng bà N 950.000.000đ tiền gốc và 100.268.700đ tiền lãi là giải quyết không đúng các quy định của pháp luật bởi lẽ: Theo quyết định số 134/QĐ-NHNN ngày 25/01/2010 của Thống đốc ngân hàng nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản là 8%/năm. Điều 476 Bộ luật dân sự quy định lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Điểm a mục 4 phần I thông tư số 01/TTLN ngày 19/6/1997 của liên ngành Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ tài chính, Bộ tư pháp hướng dẫn về việc xét xử và thi hành án về tài sản có quy định: Toà án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần đối với loại vay có kỳ hạn giữa các bên tại thời điểm đến hạn trả nợ mà người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, việc vợ chồng bà N tính tiền lãi với lãi suất 1.500đ/triệu/ngày(4,5%/tháng), tiền lãi hàng tháng được nhập vào gốc để tính tiền lãi của tháng tiếp theo (lãi mẹ đẻ lãi con) và được Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận là không đảm bảo quyền lợi cho ông Đ.

Ngoài ra quá trình giải quyết vụ án Toà án cấp sơ thẩm còn có những vi phạm sau: Vềgiải quyết tiền tạm ứng án phí: Ngày 12/5/2011 bà N nộp 11.000.000đ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm tại Chi cục thi hành án dân sự nhưng bản án sơ thẩm quyết định hoàn trả bà N 11.600.000đ là không đúng.

Lời khai hai bên đương sự có sự mâu thuẫn nhưng Toà án không tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau là vi phạm khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự.

Khi bà N giao nộp giấy vay tiền ghi ngày 16/02/2010 Toà án không lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ là vi phạm khoản 2 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự

Giấy vay tiền ghi ngày 16/02/2010 do bà N giao nộp không phải là bản chính được Thẩm phán ghi vào phần cuối “Đối chiếu so sánh với bản gốc (giấy vay tiền) hoàn toàn chính xác”. Giấy vay tiền; bảng kê tính tiền lãi đều là bản sao.  Quá trình giải quyết vụ án, Toà án đã không yêu cầu đương sự giao nộp bản chính mà sử dụng những tài liệu này làm chứng cứ để giải quyết vụ án, trong khi theo qui định tại Điều 1; mục 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì những tài liệu do bà N giao nộp cho Tòa án không thuộc trường hợp được chứng thực sao từ bản chính và theo qui định tại Điều 5 của Nghị định thì Cơ quan Tòa án không có thẩm quyền chứng thực và xác nhận vào tài liệu này. Việc làm trên của Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm Khoản 1 Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu thể hiện việc Toà án đã giao thông báo về việc thụ lý vụ án, thông báo về phiên hoà giải cho các đương sự (không có biên bản giao nhận) là vi phạm Điều 151 Bộ luật tố tụng dân sự.

Bởi những lẽ nêu trên,Toà án cấp phúc thẩm đã xét xử vụ án chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát: Sửa bản án dân sự sơ thẩm về phần thanh toán tiền gốc và lãi giữa bà N và anh Đ. Đồng thời yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm nghiêm túc về những vi phạm trên./.

Nguyễn Thị Huệ Anh

P5-VKSND tỉnh

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,749,258
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.134.104.173

    Thư viện ảnh