ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 23/01/2025 -16:44 PM

Những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên

 | 

Hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên (KSV) trong những năm qua đã và đang đem lại những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động này còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót. Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã tổng kết: “Chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với nhu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp”. Nghị quyết cũng đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng công tố của KSV tại phiên tòa, bảo đảm tranh trụng với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác”.

Thực hành quyền công tố chính là việc sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Hay nói cách khác (theo nghĩa hẹp) thì hoạt động thực hành quyền công tố là hoạt động áp dụng páp luật của kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng công tố.

Hoạt động thực hành quyền công tố (áp dụng pháp luật) của KSV trong từng vụ án cụ thể luôn mang sắc thái riêng, phù hợp với từng hành vi, hoàn cảnh và đặc điểm nhân thân của mỗi con người cụ thể. Sự đa dạng và sinh động của thực tiễn áp dụng pháp luật không chỉ có ở từng vụ việc cụ thể, đối với những đối tượng cụ thể mà còn có cả ở mỗi KSV. Quy phạm pháp luật luôn mang tính khuôn mẫu chung và các tiêu chuẩn, quyền, trách nhiệm của KSV cũng là những quy định chung, thống nhất. Nhưng trình độ, năng lực kỹ năng thực hành quyền công tố ở mỗi KSV lại không giống nhau. Mỗi KSV đều có một hoàn cảnh sống, một trình độ nhận thức về chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội... ở các mức độ khác nhau. Cùng một trường hợp phạm tội cụ thể nhưng cách nhìn nhận, đánh giá về nhân thân của bị cáo, về tính chất và mức độ của hành vi phạm tội ở mỗi KSV có khác nhau nên việc đề nghị áp dụng mức hình phạt cụ thể trong khung luật định lại ít khi giống nhau. Do đó, có thể khẳng định hoạt động thực hành quyền công tố mang dấu ấn chủ quan của KSV khá sâu sắc.

Pháp luật đòi hỏi pháp áp dụng một cách thống nhất, khách quan, chính xác cho mọi trường hợp, là thước đo chung cho mọi trường hợp cụ thể và cá biệt. Hoạt động thực hành quyền công tố của KSV lại càng đòi hỏi sự khách quan, chính xác và thống nhất. Do đó, tìm hiều về những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thực hành quyền công tố của KSV có ý nghĩa rấ quan trọng, góp phần làm sáng tỏ những tác động đến việc ra quyết định áp dụng pháp luật của KSV. Đảng, Nhà nước và người dân đềumong muốn các quyết định áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát đều phải khách quan, nghiêm minh, thống nhất và đúng pháp luật. Những quyết định áp dụng pháp luật khách quan, công minh và chính xác của Viện kiểm sát trong thời gian qua đã góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hoạt động thực hành quyền công tố của KSV đã góp phần quan trọng để Viện kiểm sát thực hiện thành công nhiệm vụ theo quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 là: “Bảo vệ pháp chế xác hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm về mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật”.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít những quyết định áp dụng pháp luật của KSV được ban hành khôgn đúng pháp luật, bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, dẫn đến sự giảm sút lòng tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp nói chung và Viện kiểm sát nói riêng.

Vậy, những yếu tố nào ảnh hưởng đến hoạt động thực hành quyền công tố của KSV? 

1. Ý thức chính trị, đạo đức cách mạng và vốn sống thực tiễn của Kiểm sát viên

Trình độ nhận thức và ý thức giác ngộ chính trị của KSV có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành lý tưởng sống và lập trường tư tưởng của KSV. Trước tiên, việc thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp cho KSV có một thế giới quan khoa học, một nhân sinh quan cộng sản. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, có bản lĩnh, ý chí và tinh thần kiên quyết bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN, kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế XHCN, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, không để lọt tội phạm và làm oan người vô tội, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Lập trường tư tưởng chính trị vững vàng của KSV sẽ là tiền đề vững chắc bảo đảm cho hoạt động thực hành quyền côgn tố đúng với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vai trò ý thức chính trị của KSV đắc biệt phát huy khi phải áp dụng pháp luật trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay với những mặt trái của nó. Chính ý thức chính trị của mỗi KsV là nhân tố thường trực nhắc nhở khi tiến hành các hoạt động áp dụng pháp luật, KSV không rơi vào tình trạng “pháp luật đơn thuần”, máy móc, tách rời các quy phạm pháp luật với lợi ích chung của xã hội. Ý thức chính trị ở trình độ cao của KSV không chỉ là nhân tố để đảm bảo các quy phạm pháp luật được áp dụng đúng đắn và chính xác, mà còn giúp cho KSV có được những bản lĩnh để xử lý các tình huống trong thực tiễn một cách nhanh chống, kịp thời và sáng tạo. Chính vì vậy, một trong những tiêu chuẩn quan trọng trước tiên để xem xét bổ nhiện KSV theo Điều 5 Pháp lệnh KSV năm 2002 là: “Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực”. 

Đạo đức cách mạng là cơ sở quan trọng tạo lên nhân cách KSV và xác lập vị trí của KSV trong xã hội. Chủ tích Hồ Chí Minh đã từng xem đạo đức cách mạng là cái gốc của người cách mạng. Người viết: “Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì có tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức, phẩm chất của KSV bao gồm những đức tính: trung thực, thẳng thắn, long nhân ái, sự dũng cảm, tính công bằng, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thực hành quyền công tố.

Hoạt động thực hành quyển công tố là xem xét tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi, có tội hay không có tội... và các quyết định áp dụng pháp luật được ban hành luôn gắn liền với các quyền của con người, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước. Do đó, KSV đã thực hành quyền công tố không thể thiếu đạo đức. Mỗi con người bình thường sông trong xã hội phải có đạo đức, KSV lại càng phải sống có đức. KSV phải biết đau trước nỗi đau của người bị hại; phải biết căm thù đối với những hành vi phạm tội của bọn tội phạm; biết bình tĩnh khôn khéo đấu tranh làm rõ mọi thủ đoạn, âm mưu, mục đích của bọn tội phạm để có những quyết định hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật. Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại và cũng là điều đáng sợ nhất là tình trạng “thờ ơ”, “xơ cứng” cảm xúc của KSV nói riêng và cán bộ nhà nước nói chung trước nỗi đau của người khác, coi việc ra quyết định áp dụng pháp luật trong hoạt động thực hành quyền công tố giống như việc cho ra một sản phẩm những thao tác đơn giản theo một quy trình cứng nhắc, máy móc. Và còn tệ hại hơn nữa là việc sử dụng quy trình áp dụng pháp luật để phục vụ trong những mưu đồ cá nhân, tiêu cực, tham nhũng, hối lộ.

Việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng theo những phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” sẽ giúp cho KSV có cái tâm trong sáng, một bản lĩnh chính trị vững vàng khi hoạt động thực hành quyền công tố nhằm đưa ra những quyết định công tâm, thấu tình, đạt lý, thuyết phục lòng người.
Vốn sống, kinh nghiệm sống, sự am hiểu các mặt của đời sống xã hội cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thực hành quyền công tố của KSV. Sự trải nghiệm của KSV về đời sống xã hội càng cao sẽ là nhân tố giúp cho KSV đưa ra những quyết định áp dụng pháp luật càng nhanh nhay, linh hoạt, chính xác và hiệu quả. Chính vì vậy, pháp luật nước ta đòi hỏi người được bỏ nhiệm KSV ngoài những chuẩn chung sau khi tốt nghiệp cử nhân luật và một khóa đào tạo nghiệm vụ kiểm sát thì phải có một thời gian công tác pháp luật nhất định. Đối với KSV cấp huyện: phải có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên; đối với KSV cấp tỉnh: đã là KSV cấp huyện ít nhất năm năm; đối với KSV Viện kiểm sát nhân dân tối cao: đã là KSV cấp tỉnh ít nhất 5 năm (Điều 18, 19, 20 Pháp lệnh KSV Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).

Tất nhiên, tuổi đời của mỗi người không phải là điều kiện duy nhất là thước đo đánh giá vốn sống thực tiễn nhiều hay ít. Sự am hiểu đời sống xã hội là tổng hợp những kiến thức, những khẳ năng ứng xử phù hợp của con người trước thực tiễn sinh động của đời sống xã hội. Để đánh giá đúng, chính xã hoàn cảnh phạm tội, nhân thân người phạm tội, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội... KSV không thể thiếu kiến thức về xã hội, về cuộc sống thực tiễn. Các quyết định áp dụng pháp luật được ban hành một cách thấu tình, đạt lý, chính xác, đúng pháp luật chắc chắn phải là sản phẩm của những KSV giàu kinh nghiệm sống, am hiểu nhân tình thế thái, bên cạnh những yếu tố nghề nghiệp, đạo đức và ý thức chính trị.

2. Ý thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp cảu Kiểm sát viên

Như chúng ta đã biết, ý thức pháp luật là tổng hợp những học tuyết, quan điểm, tư tưởng, tình cảm của con người, thể hiện thái độ, sự đánh giá về tính công bằng hay không công bằng, đúng đắn hay không đúng đắn của pháp luật, về tính hợp lý hay không hợp lý trong hành vi xử sự của con người, trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các chủ thể khác. Hay nói cách khác, ý thức pháp luật là những hiểu biết, những quan niệm về pháp luật và việc áp dụng pháp luật. Khác với những người thông thường, KsV có những liên tục, thường xuyên tiếp xúc với pháp luật, có điều kiện học tập, nghiên cứu pháp luật và là chủ thể áp dụng pháp luật nên thường có ý thức pháp luật cao. Trong hoạt động thực hành quyền công tố, ý thức pháp luật của KSV là một yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết để áp dụng pháp luật một cách chính xác và đúng đắn.

Nếu ý thức pháp luật, nhận thức pháp luật của KSV ở mức độ thấp rất dẽ dẫn đến việc hiểu sai nội dung của quy phạm pháp luật; đánh giá, xem xét các tình tiết của vụ án một cách hời hợt, chủ quan, phiến diện và rất dễ dẫn đến oan, sai. Ý thức pháp luật, trình độ nhận thức pháp luật của KSV ở tầm cao thì quyết định áp dụng pháp luật được ban hành trên cơ sở khoa học và thực tiễn, khách quan và công minh. Những quyết định áp dụng pháp luật của KSV trong hoạt động thực hành quyền công tố là sản phẩm của cả một quá trình nghiên cứu, cân nhắc, trăn trở và lao động nghiêm túc. Chính ý thức pháp luật là nhân tố giúp KSV đánh giá các sự kiện, các tình tiết, các chứng cứ một cách khách quan, chính xác, không thiên vị, không bỏ qua bất kỳ tình tiết nào dù nhỏ nhất. Cũng chính ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của KSV tạo cho KSV bản lĩnh nghề nghiệp: cảm thông và chia sẻ trước đau thương và mất mát, nhưng lại không được phép yếu mền và thiên vị; lên án và căm thù những hành vi phạm tội tàn ác nhưng lại không được pháp định kiến, ghét bỏ những con người đã thực hiện những hành vi phi nhân tính đó. Ý thức pháp luật ở trình độ cao là nhân tố quan trọng giúp cho KSV tìm đúng quy phạm pháp luật cần tìm để áp dụng; hiểu đúng và chính xác nội dung chính trị, xã hội, pháp lý mà quy phạm đó muốn thể hiện. Chính ý thức pháp luật, bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiẹp mách bảo cho KSV biết đâu là vấn đề mấu chốt, đâu là những tình tiết có ý nghĩa quan trọng của một vụ án. Ý thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp của KSV góp phần tạo ra phong cách làm việc đĩnh đạc, tự tin, quyết đoán, chính xác và khoa hoạc khi thao tác quy trình áp dụng pháp luật để giải quyết từng vụ án cụ thể.

Có thể nói rằng, ý thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp cảu KSV có một vai trò cức kỳ quan trọng trong hoạt động thực hành quyền công tố. ý thức pháp luạt, kỹ nă3ng nghề nghiệp cùng với ý thức chính trị, đạo đức cách mạng tạo thành tư cách của người KSV, một vị thế riêng của người kiểm sát trong đời sống xã hội. Tư cách ấy, vị thế ấy không phải tự nhiên mà có, không phải mong muốn mà được. Nó được hình thành và phát triển qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện – đặc biệt là sự tự rèn luyện của mỗi người mới có được.

3. Tác động từ công luật và dư luận xã hội

Trong thời đại thông tin hiện nay, công luận và dư luận xã hội đã và đang phát huy vai trò quan trọng và to lớn của mình vào quá trình quản lý và phát triển đất nước. Các phương tiện truyền thông cùng với dư luận xã hội đã và đang trở thành một những lực lượng xung kích quan trọng phát hiện những cái mới, những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến và cả việc phát hiện, tấn công vào những tạn của đời sống xã hội, sự khen chê của công luận và dư luận xã hội có một sức mạnh không nhỏ tác động vào tâm tư, suy nghĩ, hành động của từng cá nhân, đối với hoạt động thực hành quyền công tố, việc áp dụng pháp luật của KSV lại càng được công luận và dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Bởi vì hoạt động thực hành quyền công tố (đặc biệt là việc tranh tụng của KSV tại phiên tòa) là diễn đàn sinh động thể hiện tính pháp chế và dân chủ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Mặt khác, hoạt đọng thực hành quyền công tố lại góp phần quan trọng vào việc giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phong, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Các phương tiện thông tin đại chúng là địa chỉ tin cậy để các đương sự, bị can, bị cáo và mọi công dân cung cấp thông tin và nhờ lên tiếng bảo vệ lợi ích của mình. Những bài báo, những loạt phóng sự điều tra... về những hành vi chạy tội, để lọt tội phạm hoặc truy cứu, xét xử không nghiêm minh của báo chí, công luật xã hội đã giúp ích rất nhiều cho các cơ quan, người tiến hành tố tụng thực hiện tốt việc điều tra, truy tố, xét xử.

Nếu công luận và dư luận xã hội phản ánh đúng đắn các tình tiết của vụ án, nhận định và bình luận một cách khách quan, không thiên vị để chờ phán quyết của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ là điều hết sức thuận lợi cho KSV cũng như thẩm phán trong quá trình tố tụng. Khi đó, tính giáo dục, thuyết phục của hoạt động tố tụng sẽ được nhân lên gấp nhiều lần trong đời sống xã hội. Trường hợp truy tố, xét xử không trên cơ sở pháp luật, thiên lệch không công bằng, không nghiêm minh thì công luật và dư luận xã hội lại là người trọng tài nghiêm khắc lên tiếng, phát hiện và đòi hỏi công lý phải được thực thi.

Nhưng nếu công luận và dư luận xã hội phản ánh cã tình tiết, sự việc một cách phiếm diện, hòi hợt và chủ quan bình luận, bàn tán, nhận định mootj cách quá đà (khen hoặc chê; lên án hoặc bảo vệ quá mức) thì khi thực hành quyền công tố, KSV phải chịu một áp lực không nhỏ từ công luận và dư luận xã hội. Trong trường hợp như vậy, KSV cũng như thẩm phán phải có bản lĩnh, không ra những quyết định, bản án chiều theo dư luận và công luận xã hội.

4. Tác động từ những tiêu cực xã hội

Hiện nay, những tiêu cực xã hội (đặc biệt là nạn hối lộ) đã và đang tấn công vào hệ thống cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng, gây ra những tác hại không nhỏ, giảm sút lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bọ. Đối với Viện kiểm sát, các đường dây chạy án, mối giới hối lộ, dẫn dắt vào con đường cờ bạc, rượu chè, mại dâm... đã và đang tấn công vào đội ngũ cán bộ của ngành trong đó có KSV. Khi KSV đã chấp nhận “bán linh hồn cho quỷ dữ”, tự nguyện làm nô lệ của các tiêu cực xã hội; coi hoạt động thực hành quyền công tố như là sự ban ơn cho đương sự để vòi vĩnh, ngã giá thì chắc chắn quyết định áp dụng pháp luật của KSV sẽ bị biến dạng, méo mó. Các quyết định được ban hành trong trường hợp này thực chất chỉ là hình thức, sáo rỗng để biện minh cho một nội dung đã được biết trước và đã bị làm sai lệch. Nếu tác hại của nạn hối lộ và tiêu cực trong xã hội đối với đời sống xã hội là rất nghiêm trọng thì tác hại của nó đối với hoạt động thực hành quyền công tố còn nghiêm trọng hơn rất nhiều, vì nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lương thiện, không chỉ làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan tư pháp, mà còn làm công lý không được thực thi; trật tự và công bằng xã hội bị đảo lộn. Một thực tế mà chúng ta phải thẳn thắn thừa nhận là bên cạnh một lực lượng đông đảo đội ngũ KSV liêm khiết, công tâm và có trách nhiệm trong khi thực thi nhiệm vụ, thì vẫn còn một số ít KSV đã bị sa ngã, bị cám dỗ, trở thành nạn nhân của tệ nạn hối lộ và tiêu cực xã hội. Điều này có thể thấy qua một số vụ án Năm Cam, và đồng bọn, vụ án đất đai ở Đồ Sơn, Hải phòng.....

Chúng ta có thể nhận thấy răng, để cho hoạt động thực hành quyền công tố được chính xác, hiệu quả, đúng căn cứ theo quy định của pháp luật, cần có các giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ KSV trong sạch, vững mạnh, liêm khiết, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

5. Sự tác động của người có chức vụ, quyền hạn và những người thân quen

KSV ngoài qun hệ công tác còn có các mối quan hệ xã hội bình thường như những người bình thường khác như các quan hệ gia đình, bạn bè, họ hàng, làng xóm... Tư tưởng nhừo vả vào người thân, hàng xóm láng giềng của mình quan tâm giải quyết những vụ án có lợi cho mình vẫn còn tồn tại khá phổ biến, đặc biệt là ở nông thông nước ta hiện nay. Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “nhất thân, nhì quen” đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, hành động của đá số người dân Việt Nam và đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động thực hành quyền công tố của KSV. Nếu KSV không vững vàng; không kiên quyết bảo vệ pháp luật và sự công bằng; không thực hiện được tư tưởng “công pháp bất vị thân” thì chắc chắn các quyết định áp dụng pháp luật của KSV khó đạt được các chuẩn mực cần thiết.
Ngoài những người thân, bạn bè, làng xóm ra thì KSV cũng khó tránh khỏi sự nhờ vả của những người có chức, có quyền. Đặc biệt với cơ chế bổ nhiệm KSV theo nhiệm kỳ hiện nay thì sự phụ thuộc của KSV vào những người có chức có quyền, thủ trưởng đơn vị là điều khó tránh khỏi. Do đó, cần phải có hình thức tuyển chọn bổ nhiệm KSV cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Trên đây là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động thực hành quyền công tố của KSV. Bên cạnh những yếu tố cơ bản nêu trên thì cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chế độ đãi ngộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của KSV. Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thực hành quyền công tố của KSV cho chúng ta hiểu rõ hơn những tác dộng đến hoạt động của KSV, để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố - một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tư pháp.

Trần Văn Quý

(Ths. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh )

)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,261,867
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.220.243

    Thư viện ảnh