.

Thứ hai, 22/07/2024 -18:23 PM

Xác định tình tiết " tái phạm", "tái phạm nguy hiểm " trong vụ án hình sự

 | 

Để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, với phương châm xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vấn đề áp dụng pháp luật trong công tác xét xử các vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt đối với bị cáo. Tác giả xin nêu 1 vụ án cụ thể về việc áp dụng pháp luật đối với bị cáo hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu và đưa ra quan điểm giải quyết vụ án đúng đắn, cụ thể như sau :

Sáng ngày 14/9/2011, Nguyễn Văn Lương và anh Nguyễn Văn Thuỷ - sinh năm 1966, đều trú quán : Thôn Thượng - xã Bích Sơn - huyện V - tỉnh T cùng ăn sáng tại quán ăn sáng của ông Đỗ Đăng Trúc- sinh năm 1959, trú quán : Xóm 2- thôn Yên Viên - xã Vân Hà - huyện V - tỉnh T, hiện đang mở cửa hàng bán đồ ăn sáng tại thôn Thượng - xã Bích Sơn - huyện V. Khoảng 9 giờ cùng ngày, sau khi ăn xong, anh Thuỷ rủ Lương đánh bạc ăn tiền, Lương nói với anh Thuỷ là không chơi. Sau đó giữa Lương và anh Thuỷ có lời qua tiếng lại với nhau, anh Thuỷ chửi Lương : "Đ.mẹ thằng bố mày". Bị anh Thuỷ chửi, Lương đứng dậy lấy chiếc điếu cày dựng ở cạnh bàn uống nước chạy ra định đánh anh Thuỷ nhưng ông Trúc đã can ngăn, giằng được điếu cày từ tay Lương cất đi. Lúc này anh Thuỷ đi ra ngoài cửa quán định lấy xe mô tô đi về, Lương tiếp tục lấy chiếc phích có đựng nước sôi đuổi theo anh Thuỷ, tay trái túm vào sau gáy dìm đầu anh Thủy xuống, tay phải cầm phích nước rồi đổ nước sôi vào cổ và lưng anh Thuỷ. Khi thấy có đánh nhau, ông Trúc và anh Nguyễn Mạnh Hải - sinh năm 1976, trú quán : Khu 2 - thị trấn Bích Động - huyện V vào can ngăn không cho Lương tiếp tục đánh anh Thuỷ, Lương cầm phích để vào chỗ cũ rồi đi về.

Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, Nguyễn Văn Lương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đầu thú và khai nhận về toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Anh Thuỷ bị thương được đưa đi cấp cứu và điều trị vết thương tại Bệnh viện đa khoa huyện V từ ngày 14/9/2011 đến ngày 20/9/2011, với thương tích “Bỏng nước sôi độ II vùng lưng, cổ, diện tích khoảng 10%”.

Tại kết quả giám định số 5189/11/GĐPY ngày 06/10/2011 của phòng Giám định pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh T kết luận : "Ông Nguyễn Văn Thuỷ được xác định tổn thương là 15% (mười lăm phần trăm). Thương tích không để lại cố tật”. 

Về nhân thân bị cáo: Nguyễn Văn Lương đã có 03 bản án về các tội xâm phạm sở hữu, cụ thể:

+ Ngày 12/12/2000, Toà án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” (Tài sản bị cáo chiếm đoạt là 2.000.000 đồng);

+ Ngày 06/12/2002, Toà án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, 09 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Tài sản bị cáo chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng).

+ Ngày 14/6/2005, Toà án nhân dân huyện V xử phạt 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội “Huỷ hoại tài sản”. Tổng hợp hình phạt của cả hai tội là 4 năm tù (Tài sản bị cáo chiếm đoạt và huỷ hoại dưới 2.000.000  đồng). Ngày 28/5/2008 ra trại về địa phương.

Tại Bản cáo trạng số 74/ KSĐT ngày 04/11/2011 của Viện kiểm sát nhân dân huyện V, xác định : Hành vi của Nguyễn Văn Lương đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự, với tình tiết định khung được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là "dùng hung khí nguy hiểm"

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 76/2011/HSST ngày 30/11/2011 của Toà án nhân dân huyện V đã nhận định với 2 tình tiết định khung : "Bị cáo dùng hung khí nguy hiểm và phạm tội lần này là tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm a và i khoản 1 Điều 104 BLHS và tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn Lương phạm tội "Cố ý gây thương tích".

áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Văn Lương 4 (bốn) năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày 14/9/2011. Ngoài ra án còn tuyên bồi thường dân sự và án phí.

Do không đồng ý với quan điểm áp dụng pháp luật của Toà án nên sau phiên toà Viện kiểm sát huyện V ban hành Quyết định kháng nghị số 01 ngày 12/12/2011 đề nghị Toà án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm theo hướng : 

 + Không áp dụng tình tiết định khung "Tái phạm nguy hiểm" theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, mà áp dụng tình tiết tặng nặng "Tái phạm" theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự để xét xử và xử giảm hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Lương.

Sau khi nghiên cứu nội dung vụ án sơ thẩm và kháng nghị của Viện kiểm sát  huyện V. Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về việc xác định bị cáo Lương phạm tội thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Mặc dù Nguyễn Văn Lương có 03 bản án về các tội xâm phạm sở hữu, nhưng chỉ có tiền án đầu tiên (Ngày 12/12/2000, Toà án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”), trị giá tài sản mà Lương đã chiếm đoạt là 2.000.000 đồng. Còn 2 tiền án sau, trị giá tài sản Lương chiếm đoạt và huỷ hoại đều dưới 2.000.000 đồng.

- Theo quy định tại Nghị quyết số 33/2009/ NQ- QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội, về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và khoản 2 Điều 48 Bộ luật hình sự  quy định: "Những tình tiết đã là yếu tố định tội ... thì không được coi là tình tiết tăng nặng" thìbản án thứ 2 và thứ 3 của Lương đã lấy tiền án thứ nhất làm yếu tố định tội rồi, do vậy không thể coi là tình tiết tăng nặng "Tái phạm" hoặc "Tái phạm nguy hiểm"được. Bản án hình sự sơ thẩm số 76/ 2011/ HSST ngày 30/11/2011 của Toà án nhân dân huyện V đã nhận định bị cáo Nguyễn Văn Lương phạm tội gây thương tích lần này là "Tái phạm nguy hiểm" theo quy định tại i khoản 1 Điều 104 BLHS là không chính xác, gây bất lợi cho bị cáo.Do đó việc kháng nghị của Viện kiểm sát V là có căn cứ.

Quan điểm thứ hai: Đồng tình với án sơ thẩm khi xác định Lương phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm”; Vì : Căn cứ hướng dẫn tại các điểm c, đ, e khoản 2 Nghị quyết 33/2009/QH12 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các bản án năm 2002, 2005 tuy tài sản bị Lương chiếm đoạt chưa đến 2.000.000 đồng nhưng lại thuộc trường hợp có yếu tố định tội khác (đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích – bản án của năm 2000). Do đó các lần bị kết án năm 2002, 2005 của Lương đều không được xoá án tích theo Nghị quyết 33/2009/QH12 của Quốc hội. Vì vậy trước khi bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” bị cáo Lương đã bị kết án ba lần (chưa được xoá án tích). Do đó việc án sơ thẩm xác định bị cáo Lương phạm tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 49 BLHS và Nghị quyết 33/2009/QH12 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo quan điểm của cá nhân tôi thấy việc áp dụng pháp luật và xử lý đối với bị cáo Lương theo quan điểm thứ nhất : không áp dụng tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm”  quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS, mà áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với bị cáo Nguyễn Văn Lương, và việc kháng nghị của VKSND huyện V là có căn cứ pháp luật.

Do còn có quan điểm nhận thức không thống nhất khi áp dụng Nghị quyết 33/2009/QH12 của Quốc hội vào các trường hợp cụ thể để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Vì vậy tôi xin nêu vấn đề để bạn đọc nghiên cứu và có quan điểm áp dụng pháp luật cho đúng để từ đó có đường lối giải quyết vụ án được đúng quy định của pháp luật./.

Đoàn Thị Tám

P3-VKSND tỉnh Bắc Giang

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,517,206
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.217.206.97

    Thư viện ảnh