.

Thứ bảy, 27/04/2024 -10:13 AM

Thực tiễn Thi hành Điều 104 Bộ luật hình sự - một số đề xuất kiến nghị

 | 

  

          Thời gian gần đây tình hình tội phạm cố ý gây thương tích đang có chiều hướng gia tăng với tính chất mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Điều đó phản ánh thực trạng xã hội đang trở nên phức tạp, các mâu thuẫn dường như đang được giải quyết bằng con đường bạo lực. Tuy vậy công tác đấu tranh và xử lý đối với loại tội phạm này còn thiếu tính kịp thời, thực tiễn giải quyết còn gặp nhiều khó khăn. Trong phạm vi bài viết này tôi xin trao đổi một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như sau:

Giám định thương tích

          - Tại khoản 1 điều 104 BLHS quy định: "người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

          Với quy định này việc xử lý các hành vi cố ý gây thương tích chỉ được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết khi có kết quả giám định tỷ lệ thương tật của người bị hại, vì vậy trên thực tế hiện nay việc giải  quyết đối với loại tội phạm này thường bị kéo dài, thậm chí có những vụ án trải qua 2 đến 3 năm mới được giải quyết, do sau khi sự việc xảy ra người bị hại đang còn lo tập trung điều trị, phục hồi sức khoẻ nên chưa thể tiến hành ngay được việc giám định. Mặt khác đối với trường hợp tỷ lệ thương tật qua giám định dưới 11% (thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự) thì khi người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố các cơ quan tiến hành tố tụng mới tiến hành giải quyết.

          Những quy định này vô hình chung đã phần nào hạn chế đến công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, bởi đây là loại tội phạm nguy hiểm xâm phạm trực tiếp đến sức khoẻ của người khác, nhưng việc giải quyết lại thiếu kịp thời, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bức xúc đối với gia đình người bị hại, và bất bình trong dư luận.

          - Khi có hành vi gây thương tích xảy ra cơ quan điều tra đã kịp thời tiến hành các bước điều tra ban đầu như lấy lời khai, thu thập vật chứng, tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể người bị hại... nhưng do tâm lý chủ quan (xuất phát từ việc vụ án chưa được thụ lý giải quyết ngay) nên việc thiết lập hồ sơ ban đầu còn nhiều hạn chế, thiếu sót, phần nào còn mang tính thủ tục. Chẳng hạn, việc thu thập và phản ánh dấu vết trên vật chứng còn sơ sài, chưa đầy đủ, việc xem xét vết thương không mô tả rõ cơ chế hình thành và tác động, ví dụ: vết thương đó sắc nhọn hay nham nhở, do vật gì gây nên, chiều hướng như thế nào... dẫn đến quá trình giải quyết vụ án về sau gặp rất nhiều khó khăn, một số vụ án CQĐT đã phải tiến hành trưng cầu giám định lại (giám định biện luận) nhưng do vết thương để quá lâu, hình thành sẹo nên không thể kết luận được cơ chế và hung khí tạo nên vết thương, do vậy không thể kết luận.

          - Đối với loại tội phạm cố ý gây thương tích, tính chất đồng phạm diễn ra phổ biến, do đó việc phân loại vai trò, vị trí của từng đối tượng từ đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc lượng hình. nhưng sau khi sự việc xảy ra do vụ án chưa được giải quyết, các biện pháp ngăn chặn chưa được áp dụng nên các đối tượng trong vụ án dễ dàng thông cung, thống nhất lời khai, dẫn đến nhiều vụ án bị làm sai lệch, phản ánh không khách quan nội dung vụ án. thậm chí một số đối tượng sau khi gây án đã bỏ trốn làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ....

          Do vậy, hiện nay các vụ án cố ý gây thương tích tình trạng khiếu nại, khiếu kiện ở các cấp đang xảy ra phổ biến và chiếm tỷ lệ cao.

          - Ngoài ra một nguyên nhân dẫn đến vụ án bị kéo dài nữa đó là sau khi sự việc xảy ra hầu hết các bên để lại giải quyết thoả thuận đền bù dân sự, chỉ sau khi không đạt được các thoả thuận lúc đó người bị hại mới có đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điều đó vô hình chung dẫn đến bỏ lọt tội phạm (nếu việc thoả thuận dân sự thành). Việc hướng dẫn thực hiện giải quyết đối với thương tích của người bị hại dưới 11% phải có đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đấu tranh, xử lý loại tội phạm này.

          Thực tế việc người bị hại bị mua chuộc không chịu đi giám định thương tích xảy ra khá nhiều, dẫn đến những người có điều kiện, coi thường pháp luật dễ dàng chối bỏ trách nhiệm hình sự, xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, tính nghiêm minh của pháp luật, làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân.

          Việc người bị hại không chịu đi giám định thương tích (không có lý do chính đáng) hiện cũng chưa có quy định pháp luật về chế tài hay hướng dẫn của liên ngành trung ương về trường hợp này, nên các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết vụ án vì không có kết quả giám định thì không thể giải quyết vụ án.

          Mặc dù Thông tư liên tịch số 12/TT-LB của Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội ngày 26/07/1995 đã nêu rõ tỷ lệ phần trăm thương tích đối với từng trường hợp cụ thể, nhưng trên thực tế việc áp dụng các quy định của Thông tư 12 để giải quyết hầu như không xảy ra, cho dù các thương tích đó qua đối chiếu được phản ánh chính xác tại Thông tư. Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tiến hành giải quyết khi bị hại có kết quả giám định.

          * Đề xuất và kiến nghị:

          Từ những quy định về mặt lý luận, khó khăn vướng mắc từ công tác thực tiễn, để góp phần giải quyết kịp thời loại tội phạm này, tôi đề xuất một số giải pháp sau:

          - Liên ngành tư pháp Trung ương cần kịp thời có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa để giải quyết đối với loại tội phạm này.

          - Hoạt động điều tra phải được tiến hành kịp thời, đầy đủ, chính xác đúng trình tự thủ tục. Trong một số trường hợp cần thiết phải có sự tham gia của Viện kiểm sát để đảm bảo tính khách quan, tính chân thực của vụ án.

          - Việc áp dụng Thông tư 12 thay thế cho kết quả giám định thương tích khi chưa có kết quả giám định phải được áp dụng thống nhất, đảm bảo việc xử lý tội phạm cố ý gây thương tích được kịp thời, tránh các biểu hiện bỏ trốn, thông cung.... bởi thực tiễn công tác thi hành pháp luật hiện nay cho thấy việc áp dụng Thông tư 12 để giải quyết vụ án gây thương tích hầu như không xảy ra.

          - Đối với các trường hợp người bị hại không tiến hành trưng cầu giám định, nếu không có lý do chính đáng, cần thiết phải tiến hành áp giải. Đảm bảo các hành vi nguy hiểm xâm phạm đến sức khoẻ của người khác phải được xử lý nghiêm minh, tránh việc bỏ lọt tội phạm thông qua các thoả thuận đền bù dân sự.

                                                                                          Nguyễn Thế Anh

 VKSND Huyện Lạng Giang - Tỉnh Bắc Giang

                                                                         

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,773,080
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.121.131

    Thư viện ảnh