ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -18:43 PM

Bàn về tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự sơ thẩm

 | 

Tranh luận tại phiên toà, khái niệm, bản chất

Trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình tố tụng khác nhau, mỗi mô hình tố tụng phụ thuộc vào truyền thống pháp luật của mỗi quốc gia. Một số học giả cho rằng cần phân chia mô hình tố tụng theo ba truyền thống pháp luật: án lệ, Luật châu Âu lục địa và Luật xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự phân chia trên đây chỉ mang tính tương đối, xét về cách thức tiến hành tố tụng phổ biến trên thế giới hiện nay thì nhiều người thường tiếp cận trong việc phân chia mô hình tố tụng theo các kiểu tố tụng: Kiểu tố tụng tranh tụng, kiểu tố tụng thẩm vấn và kiểu tố tụng thẩm vấn có đan xen một số yếu tố của tranh tụng. 

Phiên tòa mẫu

Tố tụng tranh tụng là kiểu tố tụng có sự phân định rạch ròi giữa ba chức năng, chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Kiểu tố tụng này được áp dụng tại các nước như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia… Quá trình tranh tụng giữa các đại diện thực hiện ba chức năng này là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự bình đẳng giữa các bị can, bị cáo, người bào chữa với Điều tra viên, Công tố viên với tính cách là những người buộc tội thường đối lập với quyền bào chữa. Kiểu tố tụng tranh tụng này có đặc điểm là Luật sư có quyền thu thập chứng cứ về vụ án để phục vụ cho việc bào chữa ngay từ đầu, được có mặt từ khi người tình nghi bị bắt giữ; người bị bắt giữ có quyền im lặng khi không có Luật sư của họ. Toà án không biết trước về chứng cứ vụ án mà chỉ biết trước bản cáo trạng của cơ quan truy tố và bản bào chữa của Luật sư chuyển đến. Tại phiên toà, Công tố viên trình bày cáo trạng, đưa ra lời buộc tội đối với bị cáo; đối đáp, tranh luận với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng về chứng cứ buộc tội, gỡ tội cũng như việc áp dụng pháp luật. Toà án không xét hỏi mà chỉ nghe các bên tranh tụng và đóng vai trò như trọng tài ra phán quyết về bị cáo có tội hay vô tội, nếu có tội thì tội gì và áp dụng hình phạt như thế nào. Quy trình buộc tội và gỡ tội đối kháng như vậy nên kiểu tố tụng tranh tụng này có tác dụng chống oan, sai hiệu quả. Bởi vậy, không ít người đã ca tụng rằng đây là kiểu tố tụng vì lợi ích cá nhân người phạm tội hơn là lợi ích xã hội. Những người ủng hộ kiểu tố tụng tranh tụng - Toà án bồi thẩm - cho rằng đây là một thành quả lớn lao của dân chủ và văn minh bảo đảm quyền được xét xử một cách minh bạch và công bằng. Toà án bồi thẩm thể hiện tính độc lập của các đại diện nhân dân khi tham gia xét xử đậm nét hơn, tính tranh tụng của phiên toà cao hơn, các bên buộc tội và bào chữa hoạt động tích cực hơn. 

ở nhà nước Hy Lạp cổ đại, Toà án nhân dân được hình thành từ các Thẩm phán do nhân dân bầu ra. Theo sử liệu, vụ án xét xử Socrates về tội bất kính với Chúa có sự tham gia của 501 Thẩm phán nhân dân và 60% trong số đó đã biểu quyết kết án ông.

Về sau đã xuất hiện Toà án bồi thẩm. Đây là một hình thức tổ chức Toà án với hai thành phần tách biệt: Đoàn bồi thẩm bao gồm các bồi thẩm là đại diện của nhân dân và Thẩm phán chuyên nghiệp, đại diện cho Nhà nước. Đoàn bồi thẩm chỉ giải quyết những vấn đề về sự kiện của vụ án, về việc bị cáo có phạm tội hay không. Thẩm phán sẽ giải quyết những vấn đề khác của vụ án như quyết định về hình phạt, đình chỉ hay không đình chỉ vụ án, chứng cứ có hợp pháp hay không… Toà án bồi thẩm đã tồn tại ở La Mã từ thế kỷ II đến thế kỷ I trước Công nguyên. Đến thời trung cổ, hình thức Toà án bồi thẩm bị lãng quên và đến thế kỷ XIII nó được khôi phục ở nước Anh. Đến thế kỷ XVIII - XIX, một số nước châu Âu đã áp dụng hình thức này.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện kiểu tố tụng tranh tụng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Quá trình tố tụng tại phiên toà, nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, thời gian tiến hành phiên toà thường diễn ra rất dài, do việc tranh tụng về chứng cứ buộc tội, gỡ tội và căn cứ áp dụng pháp luật giữa các bên buộc tội và bên bào chữa. Có những phiên toà kéo dài vài ba năm chưa kết thúc, thậm chí hàng chục năm, có người làm chứng, người bị hại, ngay cả bị cáo cũng đã chết nhưng vụ án chưa kết thúc.

Ví dụ 1: Ngày 15/9/2006, Toà án tối cao Nhật Bản đã bác bỏ đơn kháng cáo của các Luật sư bảo vệ thân chủ Axahara, thủ lĩnh giáo phái AUM SÔCÔ có hành vi tấn công bằng khí độc xain ở hệ thống tàu điện ngầm Tôkyô năm 1995, làm 12 người chết. Phán quyết này đã kết thúc phiên toà kéo dài 11 năm (Báo tin tức ra ngày 16/9/2006).

Kiểu tố tụng này không phục vụ kịp thời tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, kiểu tố tụng tranh tụng phụ thuộc rất lớn vào ý chí của bồi thẩm đoàn. ở một số nước châu Âu như Pháp, Đức sau một thời gian áp dụng hình thức tố tụng tranh tụng thấy không phù hợp nên đã chuyển sang hình thức thẩm vấn mà Hội đồng xét xử gồm các Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán chuyên nghiệp.

ở nước Nga, hình thức Toà án bồi thẩm đã được tồn tại trước năm 1917. Sau Cách mạng Tháng Mười thì hình thức này không được chấp nhận. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở nước Nga có xu hướng quay lại áp dụng hình thức Toà án bồi thẩm. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2002 của nước Nga đã chính thức ghi nhận Toà án bồi thẩm song song tồn tại bên cạnh Toà án chỉ gồm một Thẩm phán. Như vậy, ở Nga không còn Toà án có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân nữa.

Ví dụ 2: Vụ án sát hại sinh viên Việt Nam Vũ Anh Tuấn hồi tháng 4 năm 2004. Ngày 17.10.2006, Hội đồng bồi thẩm Toà án St. Petersburg, Nga kết luận 12 bị cáo không phạm tội giết hại Vũ Anh Tuấn. Bà R.vedenina đại diện Viện kiểm sát thành phố St.petersburg giữ quyền công tố nhà nước đã khẳng định quá trình điều tra vụ án được thực hiện chặt chẽ, khách quan, đúng luật. Tuy nhiên, sau khi kết thúc tranh luận, Hội đồng bồi thẩm kết luận Viện kiểm sát không chứng minh được tội trạng của các bị cáo. Theo thông tấn xã Nga RIA-Novóti ngày 18/10/2006, đây không phải lần đầu tiên Hội đồng bồi thẩm xoá án cho những bị cáo trong các vụ án giết người nước ngoài. Chỉ riêng tại St.Petersburg, họ đã xoá án cho các bị cáo trong hai vụ án giết hại sinh viên Congo và Tatgikixtan. Có lẽ không đáng ngạc nhiên khi Hội đồng bồi thẩm, hoặc gọi là "Toà án đường phố" - theo định nghĩa của luật gia Nga, Anatôli Côia - thường thể hiện lập trường của "đa số đường phố". Hội đồng bồi thẩm trong vụ án này gồm 12 thành viên là người dân bình thường, miễn là không có tiền án, tiền sự, có thể là thợ uốn tóc, công nhân, thầy giáo… do một người làm nghề lái xe điện đứng đầu. Theo nhà báo Nga, Anđrây Côlenicốp thì vấn đề đặt ra là liệu thiết chế bồi thẩm đoàn ra đời vào thời kỳ cải cách tự do có thích hợp với xã hội Nga lúc này không. Tác giả viết: Những đánh giá không có chuyên môn của "Toà án đường phố" đã cản trở Toà án đưa ra được phán quyết xác đáng về pháp lý. Tuy nhiên, ngày 01/3/2007, Toà án tối cao Liên bang Nga đã quyết định giữ nguyên phán quyết của Toà án thành phố St.Petersburg xử trắng án cho toàn bộ 17 bị cáo. Từ vụ án cụ thể này cho chúng ta thấy kiểu tố tụng tranh tụng không phúc đáp được yêu cầu đấu tranh đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm xã hội đen. Ngày 23/7/2006, nhân vụ án này, tạp chí Tin tức Quốc tế cho rằng nếu như các vụ sát hại nhà báo, doanh nhân, chủ ngân hàng hay người nước ngoài chỉ là một phần nhỏ của tình hình tội phạm ở Nga thì sự bất lực của pháp luật trong các vụ việc này là rất rõ ràng. Dư luận báo chí Nga cho rằng việc tuyên bố trắng án những kẻ đã giết hại Vũ Anh Tuấn cho thấy mức độ tội phạm ngày càng tăng và số vụ phán quyết kỳ lạ và khoan hồng đến kỳ lạ chỉ làm tăng thêm tình cảm bất công trong lòng xã hội Nga. Ngoài ra, kiểu tranh tụng này còn gây bất lợi cho bị can, bị cáo vì họ phải trả tiền để thuê Luật sư, còn người nghèo thì không có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay có một số học giả phương tây thường ca tụng kiểu tố tụng này, trong đó có ý kiến cho rằng kiểu tranh tụng này là mẫu mực và không xảy ra oan, sai. Thực ra, kiểu tranh tụng không những kéo dài thời gian giải quyết vụ án mà còn đang gây nhiều bất công, trước hết cho người dân lao động.

Với những lý do đó, nhiều nước đã không coi kiểu tranh tụng là chìa khoá vạn năng, thậm chí có nước như Italia vốn theo truyền thống tố tụng tranh tụng nhưng đã lâm vào tình trạng bất lực trước tình hình xã hội đen mafia phạm tội, nay đã chuyển sang kiểu tố tụng thẩm vấn kết hợp với các yếu tố tranh tụng để đảm bảo yêu cầu xử lý tội phạm được nhanh chóng, kịp thời và bảo vệ các quyền cá nhân có hiệu quả.

Kiểu tố tụng thẩm vấn là kiểu tố tụng mà trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, cơ quan Công tố và Toà án (đây là các cơ quan tiến hành tố tụng), bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Ưu điểm của kiểu tố tụng này là việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, khắc phục sự chậm trễ của tố tụng tranh tụng. Theo đó, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Toà án có trách nhiệm nghiên cứu trước hồ sơ chứng cứ; nếu không đủ chứng cứ thì Toà án trả hồ sơ cho cơ quan Công tố để điều tra bổ sung, nếu đủ căn cứ thì quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử vẫn là người xét hỏi chính, Công tố viên và Luật sư chỉ hỏi những điểm còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn. Nhược điểm của kiểu tố tụng này là không phân định rành mạch giữa các chức năng: Chức năng buộc tội, chức năng xét xử và chức năng bào chữa. Vì thế không ít người đã cho rằng đây là kiểu tố tụng truy kích tội phạm đến cùng và quá trình tố tụng diễn ra khép kín, không bảo đảm dân chủ, bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, dễ dẫn đến oan sai.

Nhằm khắc phục những nhược điểm của kiểu tố tụng tranh tụng và kiểu tố tụng thẩm vấn, nhiều quốc gia hiện nay đã áp dụng kiểu tố tụng thẩm vấn đan xen một số yếu tố tranh tụng mà điển hình như Cộng hoà Pháp, Liên bang Đức và một số nước có mô hình chuyển đổi như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba, Triều Tiên… Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm vẫn thuộc về các cơ quan điều tra, công tố, xét xử, nhưng vai trò của Luật sư được coi trọng hơn trong các giai đoạn tố tụng. Toà án vẫn có trách nhiệm tìm ra sự thật và coi phiên toà xét xử là giai đoạn điều tra công khai mà Thẩm phán giữ vai trò chủ đạo. Vị trí của Công tố viên không hẳn chỉ là người giữ vai trò buộc tội mà còn có trách nhiệm đưa ra những chứng cứ gỡ tội cho bị cáo, do đó Công tố viên không chỉ là một bên "đối tụng, đối kháng" với bị cáo, với người bào chữa. Việc tranh tụng tại phiên toà giữa bên buộc tội và bên gỡ tội như đưa ra chứng cứ, tranh luận, đối đáp về chứng cứ, tội danh và áp dụng pháp luật được diễn ra một cách dân chủ.

Đưa ra các kiểu tố tụng phổ biến hiện nay ở trên thế giới để cho chúng ta nhận định rằng không nên tuyệt đối hoá một kiểu tố tụng nào. Trên thực tế cũng chưa có công trình khoa học nào khẳng định mô hình tố tụng nào có ưu thế vượt trội. Mỗi kiểu tố tụng, bên cạnh những ưu điểm cũng có những tồn tại, bất cập. Hiệu quả của từng mô hình tố tụng còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức pháp luật và truyền thống pháp luật của từng quốc gia. Thực tiễn đời sống pháp luật trên thế giới cho thấy nhiều quốc gia có những điểm tương đồng về văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội… nhưng cách thức tổ chức và sử dụng mô hình tố tụng không đồng nhất. Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia đang tiến dần đến việc có một bản Hiến pháp chung, thống nhất nhưng mỗi quốc gia của châu lục này lại áp dụng những mô hình tố tụng khác nhau. Nếu như nước Anh áp dụng kiểu tố tụng tranh tụng thì nước Pháp lại áp dụng kiểu tố tụng truyền thống đó là thẩm vấn kết hợp tranh tụng… Các quốc gia thuộc châu Mỹ, châu á, châu Phi đều có những mô hình tố tụng khác nhau. Tại các nước ASEAN, việc áp dụng mô hình tố tụng cũng khác nhau. Điều đáng lưu ý là, các nước có mô hình chuyển đổi như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cu Ba, tuy đã có nhiều cải cách mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội nhưng mô hình tố tụng vẫn giống nhau. Trong đó Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa, có nền văn hoá, chính trị, kinh tế và xã hội rất phù hợp nhau. Hoạt động tố tụng nói chung và tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát Trung Quốc nói riêng đang phát huy tốt chức năng của mình trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng. Kết quả đấu tranh chống tội phạm trong những năm vừa qua của các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung Quốc nói chung và Viện kiểm sát nói riêng là biểu tượng đáng tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Đây là những kinh nghiệm cần được nghiên cứu, vận dụng trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp Việt Nam.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tranh luận trong tố tụng hình sự

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, công bằng và nghiêm minh. Theo đó, xu hướng lợi ích cá nhân được đề cao hơn, tư tưởng chống làm oan người vô tội được chú trọng. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có lần nhấn mạnh "một người bị tội oan, chẳng những người ấy đau khổ mà gia đình con cái họ càng đau khổ hơn. Làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng ta là những người cộng sản" (Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.59).

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp nêu rõ "nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà, đảm bảo việc tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác". Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ghi rõ "nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp".

Tư tưởng chỉ đạo về tranh tụng được nêu trong các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp hoàn toàn không phải để thay đổi mô hình tố tụng ở nước ta từ thẩm vấn sang mô hình tranh tụng như các nước theo truyền thống án lệ. Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ đề cập đến tranh tụng tại phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá trong cải cách tư pháp nhằm bảo đảm bảo cho phán quyết của Toà án khách quan, chính xác đúng với sự thật của vụ án hình sự, vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa không để xảy ra các trường hợp oan, sai.

Bên cạnh những thành tựu là cơ bản, hoạt động tố tụng cũng còn nhiều thiếu sót tồn tại. Tuy nhiên, không nên có cách nhìn phiến diện để từ đó có tư tưởng chụp mũ cho rằng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam lạc hậu xa so với một số quốc gia trên thế giới và thổi phồng những thiếu sót của các cơ quan bảo vệ pháp luật để từ đó kiến nghị phải chuyển ngay mô hình kiểu tố tụng thẩm vấn hiện nay sang mô hình kiểu tố tụng tranh tụng. Theo lý thuyết, muốn cho hoạt động tranh tụng có hiệu quả, điều kiện trước hết đó là sự hoạt động tích cực của hai chủ thể quan trọng: Đội ngũ các Công tố viên và Luật sư bào chữa. Theo đó, hai chủ thể này phải có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong hai chủ thể nòng cốt của tố tụng tranh tụng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là đội ngũ Luật sư. Thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng trong đào tạo, bồi dưỡng nhưng đội ngũ Luật sư nhìn chung còn hạn chế về nhiều mặt, còn thiếu và yếu về chất lượng và số lượng. Hiện nay cả nước có khoảng gần 3.900 Luật sư, trong đó gần 500 Luật sư tập sự. Như vậy, ở Việt Nam bình quân 22.000 dân mới có một Luật sư. Với số lượng Luật sư khiêm tốn như hiện nay nên gần 60% vụ án hình sự hiện nay chưa có Luật sư tham gia bào chữa. Trong lúc đó tại Mỹ, bình quân 2000 dân có một Luật sư. Tại Cộng hoà Liên bang Đức bình quân 585 người có một Luật sư. Tại Thủ đô Washington D.C cứ 32 người dân có một Luật sư. Trong vài năm tới, dù cố gắng đến mấy thì nước ta cũng chưa thể có được đội ngũ Luật sư như các nước đã áp dụng truyền thống tố tụng tranh tụng hàng trăm năm nay. Đây là một thực tế mà chúng ta phải tính đến khi đề cập đến việc xây dựng mô hình tố tụng Việt Nam trong điều kiện cải cách tư pháp sao cho phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Nghị quyết số 49-NQ/TW chỉ rõ: "Cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi vững chắc".  

Theo quan điểm của Đảng ta, cùng với việc nâng cao trình độ chính trị, pháp luật và chuyên môn cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cần chú trọng phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng và có chất lượng để đảm bảo thực hiện tốt việc tranh luận tại phiên toà. Các quy định của pháp luật phải tạo điều kiện cho Luật sư tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố bị can; người bào chữa có quyền áp dụng mọi biện pháp để thu thập chứng cứ. Như vậy, chủ trương về cải cách tư pháp của Đảng hiện nay hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế cải cách hành chính, kinh tế đang diễn ra sôi động và nhanh chóng hiện nay. Tuy nhiên, để cho việc xây dựng thể chế về cải cách tư pháp ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu thì hệ thống thể chế đó vừa phải vận dụng, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đồng thời cũng phải căn cứ vào truyền thống xây dựng và áp dụng pháp luật ở Việt Nam. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định quan điểm mang tính nguyên tắc: "Cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai".

Các quy định của pháp luật về tranh luận và trách nhiệm thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại các phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Nhằm thể chế các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã được Quốc hội ban hành. Hàng loạt các nguyên tắc được xác định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự đã thể hiện rõ những yếu tố tranh tụng trong tố tụng hình sự như các nguyên tắc: bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa (Điều 3); tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 4); bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật (Điều 5); nguyên tắc không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 9); trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội (Điều 10); bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo (Điều 11)…

Đặc biệt, tuy không ghi tranh tụng là một nguyên tắc của tố tụng hình sự nhưng Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có nhiều quy định về sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc đưa ra các chứng cứ, trách nhiệm tranh luận và đối đáp dân chủ. Hội đồng xét xử không phải là một bên trong tranh tụng nhưng có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ tranh tụng. Điều 19 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Ngay trong giai đoạn điều tra, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có nhiều quy định cụ thể để người bị tạm giữ, bị can và những người tham gia tố tụng khác thực hiện quyền bào chữa của mình. Các Điều 49, 50, 51, 52, 53, 54, 58 và Điều 59 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự còn quy định người bào chữa có quyền tham gia bào chữa ngay từ khi có quyết định tạm giữ và sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Đặc biệt luật còn quy định cho người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị cáo, bị can, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác. Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định mở rộng diện người bào chữa, người bào chữa không chỉ là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giam, bị can, bị cáo, mà còn là bào chữa viên nhân dân.

Phần thứ ba về xét xử sơ thẩm từ Chương XVI đến Chương XXII của Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có nhiều quy định nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng về tranh tụng trong tố tụng hình sự. Luật không quy định cụ thể về "tranh tụng" nhưng nội hàm các quy định đều toát lên tinh thần tranh tụng kết hợp với thẩm vấn. Theo đó, việc xét hỏi chủ yếu do Hội đồng xét xử, trách nhiệm của Kiểm sát viên được quy định chặt chẽ hơn và quyền bào chữa được mở rộng và cụ thể hơn: Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của bị cáo trong vụ án. Khi xét hỏi từng người, Chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự (Điều 207); bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình (Điều 217); bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra lập luận của mình đối với từng ý kiến, người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác; Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận (Điều 218); nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận (Điều 219)…

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng để thực hiện việc tranh tụng thì tại phiên toà Kiểm sát viên với tư cách là người buộc tội có nhiệm vụ xét hỏi và tranh luận là chủ yếu để bảo vệ cáo trạng, Hội đồng xét xử không tiến hành xét hỏi, chỉ điều khiển việc xét hỏi và nghe các bên tham gia phiên toà tranh luận, rồi nhân danh công lý để ra phán quyết về vụ án. Quan điểm tuyệt đối hoá tranh tụng để từ đó coi Hội đồng xét xử chỉ có vai trò trọng tài là chưa thấy hết bản chất ưu việt của kiểu tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng. Việc thẩm vấn tại phiên toà do Hội đồng xét xử tiến hành là để thẩm tra các tài liệu chứng cứ được thu thập trong giai đoạn điều tra và thể hiện trong bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Thông qua đó Hội đồng xét xử, kiểm tra, xác định tính khách quan, chân thực của các tài liệu chứng cứ đã được dùng vào việc buộc tội bị cáo. Trong quá trình thẩm vấn, Hội đồng xét xử có trách nhiệm hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án, nghe các ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên, người báo chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng để xác định sự thật của vụ án, nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện của quá trình xét xử.

Khác với việc xét hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên hỏi bị cáo, nhân chứng và những người tham gia tố tụng khác nhằm mục đích củng cố chứng cứ, làm rõ thêm các tình tiết buộc tội hoặc gỡ tội, bảo vệ cáo trạng chứ không phải là thẩm tra chứng cứ như việc xét hỏi của Hội đồng xét xử. Việc hỏi của Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nhằm vào làm rõ các tình tiết liên quan đến việc bào chữa, gỡ tội cho bị cáo. Tranh luận giữa Kiểm sát viên với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác là để xác định các tình tiết của vụ án được rõ ràng, khách quan và minh bạch. Trên cơ sở thẩm tra tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và nghe các bên tranh luận, đối đáp, Hội đồng xét xử ra phán quyết về vụ án một cách chính xác, khách quan, nhanh gọn, không rườm rà mất nhiều thời gian như phiên toà kiểu tranh tụng thuần tuý.

Tuy nhiên, trong thực tiễn việc tranh luận trong nhiều phiên toà còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều vụ án không có Luật sư tham gia. Trách nhiệm và năng lực của Kiểm sát viên, người bào chữa còn nhiều bất cập. Có phiên toà chưa thật sự dân chủ, quyền bào chữa của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng chưa được tôn trọng. Số án sơ thẩm bị huỷ, bị cải sửa ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hằng năm vẫn còn xảy ra nhiều.

Nguyên nhân của tình hình trên đây có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa được quy định một cách chặt chẽ, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Bên cạnh đó có nguyên nhân về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tranh luận cho các chức danh tư pháp như: Kiểm sát viên, Thẩm phán, Luật sư chưa đáp ứng tình hình.

Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW được đặt ra như vấn đề ưu tiên trong tiến trình cải cách tư pháp. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng tranh luận tại phiên toà cho các chức danh tư pháp, trong đó đặc biệt là các Kiểm sát viên về kỹ năng tranh luận, đối đáp nhằm đáp ứng các yêu cầu của cải cách tư pháp đang diễn ra sôi động hiện nay./.

Tiến sỹ Dương Thanh Biểu

(Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC - nguồn: TCKS số 13/2007)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,406,866
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.227.108

    Thư viện ảnh