.

Thứ ba, 21/05/2024 -07:15 AM

Hoàn thiện các quy định pháp lí về nhân thân bị can

 | 

Những thông tin về đặc điểm nhân thân của bị can có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ công tác giải quyết vụ án hình sự nói chung, điều tra vụ án nói riêng. Những thông tin này là căn cứ không thể thiếu của phần lớn các hành vi tố tụng và quyết định tố tụng. Trong khi ấy, những quy định pháp luật liên quan đến việc nghiên cứu và sử dụng các đặc điểm nhân thân của bị can trong hoạt động điều tra hình sự lại chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Đó là thực tế khó chấp nhận và tác động tiêu cực đến hiệu quả của công tác điều tra hình sự trong thực tế. Để hoàn thiện cơ sở pháp lí của lĩnh vực hoạt động quan trọng này của công tác điều tra hình sự, theo chúng tôi, cần kịp thời hoàn thiện những quy định liên quan đã có đồng thời bổ sung một số quy định mới nhằm sớm đưa hoạt động này vào nền nếp, hiệu quả theo các hướng sau đây:

Trướchết, phải hoàn thiện một số quy định của Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) có liên quan đến vấn đề đang được xem xét. Cụ thể, nên bổ sung cụm từ “người có nhân thân tốt, người chưa thành niên phạm tội" vào cuối đoạn 3 khoản 2 Điều 3 BLHS - điều luật quy định về “nguyên tắc xử lí" tội phạm. Theo quy định của đoạn 3 khoản 2 Điều 3 BLHS hiện hành thì nguyên tắc cơ bản được áp dụng khi xử lí tội phạm là Nhà nước khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. Trong khi ấy, theo tinh thần của các Điều 25, 46, 47, 69 BLHS (các điều luật quy định về miễn trách nhiệm hình sự, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật, nguyên tắc xử lí đối với người chưa thành niên phạm tội) thì những người phạm tội có nhân thân tốt, người chưa thành niên phạm tội là những đối tượng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật khi phạm tội. Tư tưởng nêu trên cần được xác định một cách rõ ràng, trong nguyên tắc xử lí tội phạm là khoa học và cần thiết. Khi ấy, đoạn 3 Điều 3 BLHS sẽ có nội dung như sau: “Khoan hồng đối với người có nhân thân tốt, người chưa thành niên phạm tội". Việc quy định như vậy không chỉ phù hợp với quan điểm xử lí tội phạm của Đảng và Nhà nước ta mà còn giúp điều tra viên nâng cao hơn nữa trách nhiệm thu thập đầy đủ các thông tin cụ thể về đặc điểm nhân thân của bị can cũng như công tác đấu tranh với bị can, nhất là áp dụng thủ thuật giáo dục thuyết phục khi hỏi cung bị can trong thực tiễn.

Trong BLTTHS, theo chúng tôi, có nhiều quy định liên quan đến vấn đề được thảo luận cần có sự hoàn thiện, bổ sung. Trước hết, liên quan đến đối tượng chứng minh trong các vụ án hình sự được quy định tại Điều 47 BLTTHS hiện hành. Chúng tôi cho rằng kết cấu đang có của điều luật là không khoa học, có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất của các chủ thể tiến hành tố tụng. Theo tinh thần của khoản 2, khoản 3 điều luật này thì khi tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải thu thập chứng cứ để làm rõ ai là người đã thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích hoặc động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo và những đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo. Các quy định có tính liệt kê như trên là vừa thiếu lại vừa thừa. Xét dưới góc độ lí luận của khoa học luật hình sự thì toàn bộ nội dung khoản 2 Điều 47 BLTTHS liên quan đến hai trong số bốn yếu tố cấu thành tội phạm là chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm nhưng còn thiếu tình tiết quan trọng là độ tuổi của bị can, bị cáo. Nếu xét dưới góc độ của tội phạm học và khoa học điều tra hình sự thì nội dung đó là những đặc điểm cơ bản của nhân thân người phạm tội và nhân thân bị can. Vì vậy, khoản 2 Điều 47 BLTTHS có thể quy định lại như sau: “2. Những đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo có ý nghĩa đối với việc xử lí vụ án". Đối với khoản 3 Điều 47 của BLTTHS, do cụm từ “những đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo" đã được nói tới tại khoản 2 của Điều luật nên không cần thiết phải nhắc lại. Khi ấy, khoản 3 Điều 47 sẽ có nội dung như sau: “3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bịcáo".(1)

Khoản 5 Điều 44 BLTTHS hiện hành quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự khi cần xác định 3 vấn đề sau đây thì các cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải trưng cầu giám định, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của họ: "a. Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; b. Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; c. Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án.". Việc quy định như trên là hợp lí. Nhưng trong thực tế điều tra vụ án hình sự nói riêng, giải quyết vụ án hình sự nói chung còn gặp trường hợp khác liên quan đến vấn đề đang được trình bày ở mức độ khá phổ biến là việc xác định độ tuổi chính xác của người đã thực hiện hành vi phạm tội khi không thể xác định được bằng các cách thông thường khác (không có giấy khai sinh; không ai nhớ chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo; các giấy tờ tài liệu liên quan khác không có hoặc không đáng tin cậy...). Theo quy định của Điều 12 Bộ luật hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ đạt đến độ tuổi nhất định. Nếu họ chưa đạt đến độ tuổi đó thì chỉ có thể xử lí họ bằng biện pháp hành chính, không được khởi tố về hình sự và nếu đã khởi tố thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra (khoản 3 Điều 89, khoản 1 Điều 139 BLTTHS). Vì vậy, trong quá trình điều tra, nếu gặp trường hợp này, cơ quan điều tra dù muốn hay không cũng buộc phải trưng cầu giám định pháp y để xác định tuổi chính xác của bị can, bị cáo. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần quy định đây cũng là một trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định trong BLTTHS. Khoản 5 Điều 44 BLTTHS sẽ được bổ sung điểm d với nội dung như sau: "Tuổi của bị can, bị cáo khi có nghi ngờ về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của họ."

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong nhiều trường hợp được coi là cần thiết, có tác dụng tích cực đối với công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Nhưng đây là vấn đề khá nhạy cảm nên khi các biện pháp đó được áp dụng một cách không có căn cứ sẽ gây tác hại không nhỏ đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thậm chí cả công tác đối nội, đối ngoại của đất nước. Cho nên, việc xác định một cách đầy đủ, chính xác những căn cứ pháp lí để áp dụng các biện pháp này có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay, các căn cứ chung để áp dụng các biện pháp ngăn chặn được xác định dựa vào tinh thần của Điều 61 BLTTHS bao gồm: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm; có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội; để bảo đảm thi hành án. Ngoài ra, trong thực tế khi việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cụ thể đối với bị can, bị cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải dựa vào các đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo như giới tính, nghề nghiệp, độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của họ cũng như mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà họ đã thực hiện. Thực tế nêu trên cần được thể chế hoá thành nguyên tắc trong BLTTHS tại điều luật quy định về căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Đó có thể là Điều 61a với nội dung cụ thể như sau: “Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án cần dựa trên các căn cứ quy định tại Điều 61 BLTTHS, mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà bị can, bị cáo đã thực hiện và những đặc đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo".(2) Quy định như vậy vừa phù hợp với các điều luật khác của Chương V BLTTHS - các biện pháp ngăn chặn, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của điều tra viên khi quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn cụ thể đối với bị can, hạn chế vi phạm pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nghiêm khắc này ở giai đoạn điều tra.

Khi quy định về căn cứ khởi tố bị can, khoản 1 Điều 103 BLTTHS xác định: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người thực hiện hành vi pham tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Quy định như trên là đúng nhưng chưa đủ bởi lẽ không phải đối với bất kì người phạm tội nào cũng đều có thể khởi tố bị can làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Theo quy định của Điều 12 BLHS thì chỉ những người đạt độ tuổi nhất định do Bộ luật này quy định thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người phạm tội nhưng chưa đạt độ tuổi đó thì có thể xử lí bằng biện pháp hành chính. Cho nên, khi quy định về “những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự", Điều 89 BLTTHS ghi nhận 7 căn cứ, trong đó căn cứ thứ 3 là: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự". Vì vậy, theo chúng tôi, khoản 1 Điều 103 BLTTHS cần sửa lại như sau: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người có đủ dấu hiệu quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can". Quy định như trên sẽ tránh cho cơ quan điều tra khởi tố cả những trường hợp không cần và không thể xử lí về hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 138 BLTTHS quy định về việc đề nghị truy tố: “Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến của hành vi tội phạm, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lí do và căn cứ”. Bản kết luận điều tra không chỉ là văn bản tố tụng phản ánh kết quả của toàn bộ công tác điều tra do cơ quan điều tra tiến hành, quan điểm xử lí của cơ quan này mà còn là văn bản chứa đựng những thông tin quan trọng nhất về hành vi tội phạm mà bị can đã thực hiện cũng như những đặc điểm nhân thân của bị can, làm cơ sở cho việc đề xuất hướng giải quyết vụ án nói chung, xử lí đối với bị can nói riêng. Vì vậy, trong thực tế, khi làm bản kết luận điều tra ở phần nội dung của văn bản, ngoài những tình tiết được quy định tại Điều 138 BLTTHS, cơ quan điều tra thường phải trình bày cụ thể các tình tiết về nhân thân bị can. Đó là điều hợp lí, bảo đảm tính có căn cứ cho những đề xuất của mình đối với việc giải quyết vụ án, nhất là hình thức, mức độ của các biện pháp xử lí bị can sau này. Nhưng hiện nay, theo Điều 138 BLTTHS, những thông tin về nhân thân bị can chưa được pháp luật quy định là những thông tin bắt buộc phải trình bày trong bản kết luận điều tra. Để đảm bảo tính khoa học của văn bản tố tụng quan trọng nêu trên cũng như tính có căn cứ của các kết luận, đề xuất của cơ quan điều tra nêu trong văn bản đó, chúng tôi đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 138 BLTTHS theo hướng sau:“... Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những đặc điểm nhân thân cần chú ý của bị can, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lí do và căn cứ".

Để hoạt động nghiên cứu và sử dụng những đặc điểm nhân thân của bị can trong công tác điều tra hình sự đạt hiệu quả mong muốn, cùng với việc sớm bổ sung trong BLHS, BLTTHS một số đề xuất với nội dung cụ thể như đã trình bày, trong thời gian tới, Bộ công an cần chủ động giải quyết tốt một số công việc liên quan thuộc trách nhiệm, quyền hạn, quản lí của ngành. Đó là hướng thứ hai nhằm hoàn thiện các quy định pháp lí về nghiên cứu và sử dụng những đặc điểm nhân thân của bị can trong hoạt động điều tra hình sự. Cụ thể:

- Bộ cần ban hành văn bản quy định về trách nhiệm của điều tra viên phải nghiên cứu cụ thể, đầy đủ, sử dụng một cách có cơ sở khoa học các đặc điểm nhân thân của bị can trong toàn bộ công tác điều tra hình sự (trong các hoạt động nhận tin báo, tố giác, khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể, truy nã bị can, hoàn thành các văn bản khi kết thúc điều tra, nhất là khi làm bản kết luận điều tra);

- Đối với việc tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc hành vi tố tụng có tính phức tap và tính hệ trọng cao như hỏi cung bị can, bắt, khám xét, truy nã bị can, Bộ đã xây dựng được các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Nhưng các văn bản đó chưa xác định trách nhiệm của các điều tra viên hoặc cán bộ trinh sát trong việc thu thập nghiên cứu, sử dụng một cách đầy đủ, nghiêm túc các đặc điểm nhân thân của bị can để phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động này. Trong khi đó, vấn đề nêu trên, như đã được lí luận khẳng định và thực tiễn kiểm nghiệm, có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến hiệu quả của các hoạt động này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sẽ là hợp lí hơn khi bổ sung tinh thần đã nêu vào trong các văn bản ấy nhằm định hướng cho nhận thức và hoạt động trong thực tiễn của điều tra viên, cán bộ trinh sát khi tiến hành các hoạt động phức tạp và hệ trọng đó.

- Cần phối hợp với Bộ tư pháp soạn thảo và ban hành thông tư liên tịch quy định về mối quan hệ phối hợp của hai ngành trong lĩnh vực thu thập, xây dựng và khai thác thông tin về các công dân khi cần thiết phục vụ công tác điều tra, nhất là các hoạt động khai sinh, khai tử, quản lí hộ tịch, lập lí lịch tư pháp.

Như đã khẳng định, đối tượng đấu tranh chủ yếu của công tác điều tra hình sự là bị can. Do đó, việc nắm vững đầy đủ và khai thác triệt để, khoa học mọi thông tin về các đặc điểm nhân thân của đối tượng này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động điều tra đạt hiệu quả cao trong thực tế. Xây dựng được chế độ pháp lí chặt chẽ, hợp lí điều chỉnh lĩnh vực phức tạp nêu trên không chỉ giúp hoạt động đó được diễn ra thuận lợi, tác động tích cực đến hiệu quả công tác điều tra mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, tôn trọng một số quyền cơ bản của công dân có liên quan do Hiến pháp và pháp luật quy định./.

ThS. Bùi Kiên Điện

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,945,207
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.199.122

    Thư viện ảnh