.

Thứ sáu, 17/05/2024 -18:53 PM

Cần quy định rõ hơn về thời gian thử thách của án treo trong bản án và quyết định thi hành án hình sự

 | 

Thông qua công tác kiểm sát trực tiếp tại Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong việc giám sát, giáo dục người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo chúng tôi thấy nổi lên một vấn đề tưởng như hết sức đơn giản về mặt lý luận nhưng lại rất bất cập về mặt thực tiễn. Cụ thể như sau:

Về mặt lý luận: Theo quy định tại điều 60 Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn về cách tính thời gian thử thách của án treo như Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì hiện nay Tòa án ấn định thời gian thử thách của án treo từ 1 năm đến 5 năm và thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là “kể từ ngày tuyên án”. Ví dụ: Ngày 30 tháng 3 năm 2013, Tòa án nhân dân huyện H tuyên phạt Nguyễn Văn An 09 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 15 tháng 12 ngày kể từ ngày tuyên án (bị cáo bị tạm giam 1 tháng 9 ngày). Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân thị trấn Đ giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Như vậy thời gian thử thách đã được tuyên rõ ràng với một khoảng thời gian là 15 tháng 12 ngày và với mốc thời gian bắt đầu tính là kể từ ngày tuyên án 30 tháng 3 năm 2013, từ đó qua tính toán ta có thể xác định được ngày cuối cùng của thời gian thử thách là ngày 12 tháng 6 năm 2014.

Về mặt thực tiễn: Do nhiều nguyên nhân mà Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn lại hiểu không chính xác về cách tuyên thời gian thử thách của Tòa án !. Tất cả đều không xác định được chính xác ngày hết thời gian thử thách của bị án và trong đó, đa số đều làm theo cách họ cộng thời gian phạt tù và thời gian thử  thách với nhau để xác định đó là khoảng thời gian bị án phải chịu sự giám sát, giáo dục. Và thực tế dẫn tới hậu quả là có nhiều bị án đã hết thời gian thử thách từ rất lâu rồi nhưng vẫn bị Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện việc giám sát, giáo dục các bị án đó. Như vậy là Ủy ban nhân dân xã, thị trấn đó đã vi phạm pháp luật, thực hiện sai bản án, quyết định thi hành án của Tòa án. Chẳng hạn ở ví dụ trên, Ủy ban nhân dân thị trấn Đ đã lấy 9 tháng cộng với 15 tháng 12 ngày  thành 24 tháng 12 ngày và thực hiện việc giám sát, giáo dục bị án Nguyễn Văn An trong khoảng thời gian 24 tháng 12 ngày.

 Chúng tôi đánh giá có các nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất: Về mặt chủ quan là do các đồng chí Trưởng Công an các xã, thị trấn chưa chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan đến chế định án treo và chưa nghiên cứu rõ bản án và quyết định thi hành án của Tòa án dẫn đến việc hiểu sai về khoảng thời gian thử thách của án treo .

Thứ hai: Do các vấn đề khách quan, đặc thù ở cấp xã như khối lượng công việc ở địa phương nhiều, trình độ nhận thức của cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế, do việc thay đổi nhân sự, do việc không được đào tạo, tập huấn…nên họ không có thời gian, điều kiện và khả năng để tìm hiểu, tính toán để xác định chính xác ngày cuối cùng của thời gian thử thách của từng bị án.

Thứ ba: Do Bản án của Tòa án và Quyết định thi hành án của Tòa án không ghi rõ ngày nào là ngày hết thời gian thử thách của án treo nên đã buộc người được hưởng án treo và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục phải tự tính toán ra ngày cuối cùng của thời gian thử thách.

Theo quan điểm của chúng tôi: Để khắc phục được tình trạng bất cập trên thực tiễn nói trên và nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, giáo dục các bị án bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn được thực hiện đúng pháp luật thì chúng ta chỉ cần khắc phục nguyên nhân thứ ba là đủ, tức là Tòa án cần xác định rõ ngày nào là ngày cuối cùng của thời gian thử thách và ghi rõ trong bản án và cả quyết định thi hành án. Theo ví dụ nêu trên, Tòa án nhân dân huyện H cần tuyên thời gian thử thách 15 tháng 12 ngày kể từ ngày tuyên án 30 tháng 3 năm 2013 đến hết ngày 12 tháng 6 năm 2014. Trong quyết định thi hành án đối với bị án Nguyễn Văn An cũng ghi rõ ngày cuối cùng của thời gian thử thách là ngày 12 tháng 6 năm 2014. Như vậy, Ủy ban nhân dân thị trấn Đ sẽ xác định chính xác được ngay ngày 12 tháng 6 năm 2014 là ngày bị án Nguyễn Văn An hết thời gian thử thách mà không cần phải mất công sức, thời gian để tính toán. Mặt khác thì chính bị án Nguyễn Văn An cũng biết được ngày nào là ngày mình hết thời gian thử thách không phải chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ nữa.

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn Viện kiểm sát nhân dân cấp trên nghiên cứu và có biện pháp phù hợp để trao đổi, đề nghị ngành Tòa án nhân dân ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất trên toàn quốc về việc ghi rõ trong bản án và quyết định thi hành án thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày nào đến hết ngày nào theo hướng phân tích trên.

Thạc sĩ Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,922,129
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.143.111.233

    Thư viện ảnh