.

Chủ nhật, 19/05/2024 -14:02 PM

Công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy giữa Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan cảnh sát điều tra các vụ án ma túy ở Bắc Giang

 | 

Bắc Giang được xác định là điểm nóng về tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy của cả nước. Đối tượng tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy chủ yếu ở 2 xã Ngọc Vân (huyện Tân Yên ) và xã Lương Phong (huyện Hiệp Hòa). Trong 2 năm, 2011 và 2012 Cơ quan điều tra 2 cấp đã bắt giữ và khởi tố tổng số 577 vụ/726 bị can về tội phạm ma túy. Thu giữ 63.859,219 gam Hêrôin; 1.209,630 gam methamphetamine, 67,283 gam cần xa, 6.537.614.500 VNĐ, 39.815 USD, 2 khẩu súng và nhiều phương tiện, công cụ dùng vào việc phạm tội. Các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ, quản lý 3.573 người nghiện ma túy. Điều đó cho thấy ma túy và tội phạm ma túy là một trong những vấn nạn, nhức nhối nhất trong cuộc chiến chống tệ nạn xã hội của các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua.

Lễ ra quân tuyên truyền phòng chống ma túy ở huyện Tân Yên ( Ảnh STTTT)

Với đặc thù là tỉnh miền núi, tiếp giáp với các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội.... Là nơi có tụ điểm buôn bán ma tuý tồn tại thời Pháp thuộc đó là Ngọc Vân (Tân Yên), do vậy Bắc Giang trở thành điểm trung chuyển của các đường dây buôn bán ma túy lớn từ Tây Bắc đi các tỉnh trong khu vực và nước ngoài. Sau khi hội nhập toàn cầu hoá, thực hiện cơ chế thị trường, tình hình tội phạm buôn bán, sử dụng ma túy trên địa bàn ngày càng phức tạp, tinh vi. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tham gia phòng chống ma túy. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo hai ngành Công an và Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy. Lãnh đạo hai ngành đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra và kiểm sát điều tra. Tham mưu, đề xuất, kiến nghị, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương nhằm huy động sức mạnh của toàn dân, của hệ thống chính trị vào phòng chống tội phạm ma tuý, nhưng lấy công tác tuyên truyền phòng chống ma túy là chủ đạo xuyên suốt quá trình giải quyết các vụ án, được thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, tuyên truyền để nhân dân biết được hậu quả của người sử dụng ma túy, tính nguy hiểm của tội phạm ma túy, để nhân dân chủ động phòng chống các tệ nạn và tội phạm ma túy, tố giác các vi phạm và tội phạm về ma túy; ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc bắt, khám xét các đối tượng tội phạm về ma túy... Kết quả trong 2 năm qua, cơ quan điều tra 2 cấp đã nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm về ma túy trong đó có 47 tin đã được chuyển hóa thành chứng cứ để phá án thành công. 100% các vụ bắt, khám xét của cơ quan điều tra đều được quần chúng nhân dân ở địa phương đồng tình ủng hộ hoặc tạo điều kiện cho việc bắt, khám xét đạt kết quả.

Thứ hai, tuyên truyền vận động bị can phạm tội về ma túy thấy được hành vi sai trái, tội lỗi của mình để hợp tác với cơ quan điều tra khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình và đồng bọn... Qua thực tiễn cho thấy đây là việc làm khó vì hầu hết các đối tượng phạm tội về ma túy hầu hết đều có tiền án, tiền sự. Chúng đã thành lập đường dây, cấu kết chặt chẽ với nhau, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện tội phạm và vì lợi ích, lợi nhuận chúng bất chấp tất cả thậm chí cả tính mạng của mình để che dấu hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Chính vì lẽ đó, đối với kiểm sát viên, điều tra viên làm công tác này không những đòi hỏi phải là cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức về xã hội và nghiệp vụ sâu sắc mà còn đòi hỏi phải có tích kỷ luật, tính kiên trì và tư duy linh hoạt để ứng phó với những tình huống cụ thể để vận động, tuyên truyền để cho bị can thấy ân hận hay day dứt về những hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra nhận thức được chính sách pháp luật, chế độ khoan hồng của nhà nước để thành khẩn khai báo hành vi phạm tội một cách khách quan.

Với trách nhiệm của Viện kiểm sát là kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo tội phạm, việc bắt, khám xét của cơ quan điều tra và nâng cao chất lượng các quyết định phê chuẩn bắt khẩn cấp, phê chuẩn khởi tố bị can, lệnh tạm giam... đảm bảo các trường hợp bắt, khởi tố điều tra đều đúng người đúng tội, đúng pháp luật nên chúng tôi đã phân công kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với điều tra viên để phân loại, xử lý chính xác các tin báo, tố giác tội phạm về ma túy. Ở cấp tỉnh chúng tôi đã đề ra chỉ tiêu kiểm sát viên tham gia lấy lời khai, hỏi cung bị can 100% các trường hợp bắt khẩn cấp hoặc truy xét trước khi phê chuẩn quyết định bắt khẩn cấp hoặc phê chuẩn khởi tố bị can, đặc biệt là đối với các bị can không nhận tội để phối hợp với điều tra viên có biện  pháp đấu tranh. Và cũng như trên đã trình bày, trong đấu tranh với tội phạm ma túy chúng tôi lấy phương châm giáo dục, tuyên truyền là chính, chống dụ cung, mớm cung hoặc nhục hình. Kết quả trong 2 năm qua (2011-2012) Phòng 2- Viện kiểm sát tỉnh phối hợp với Phòng PC 47- Công an tỉnh Bắc Giang tuyên truyền giác ngộ được 10 bị can trong đó chủ yếu là các bị can phạm tội có mức án phải xử phạt cao, kể cả tử hình đã hợp tác với cơ quan điều tra tự thú về hành vi phạm tội của mình, khai báo ra đường dây, đồng bọn cùng phạm tội hoặc tích cực giúp cơ quan điều tra giải quyết vụ án... Ví dụ các bị can: Tạ Văn Ưu- Sinh năm 1962 trú tại Khánh Giàng, Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; Vũ Văn Trường- Sinh năm 1965, trú quán: Tân Định, Hoàng Lương, Hiệp Hoà; Lưu Văn Vọng- Sinh năm 1963, trú quán: Đồng Công, Sơn Quả, Hiệp Hoà, Bắc Giang (đầu thú); Dương Thị Xuyên- Sinh năm 1970, trú tại Cầu Trại, Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang (khai ra đường dây và đồng bọn mua bán ma tuý); Nguyễn Thị Hường- Sinh năm 1972, trú tại Thanh Vân, Hiệp Hoà, Bắc Giang; Thân Nhân Tuyên- Sinh năm 1976, trú tại Song Vân, Tân Yên, Bắc Giang (tích cực giúp cơ quan điều tra giải quyết án)... Số các bị can trên hầu hết đã được đưa ra xét xử, trong đó có 2 bị can có mức án tử hình.

Trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra các vụ án ma túy cho thấy ngoài  những nội dung tuyên truyền nêu trên cần lưu ý đến 2 nội dung đó là tuyên truyền chống tự sát và chống tái phạm, tự giác thành khẩn khai báo tố giác tội phạm. Trong số các bị can phạm tội về ma túy có nhiều bị can biết chắc mình bị xét xử ở mức tử hình nên có dấu hiệu tâm lý rất phức tạp thường biểu hiện bằng nhiều hành vi tiêu cực như bất hợp tác với cơ quan điều tra, hoặc có ý định tự sát. Trong những trường hợp này chúng tôi đã phối hợp với điều tra viên để vận động, tuyên truyền cho bị can thấy được ý nghĩa của của cuộc sống, thấy được trách nhiệm của bản thân mình với gia đình, vợ con... để từ bỏ những suy nghĩ và việc làm tiêu cực. Trong năm 2012, chúng tôi đã giác ngộ được 2 đối tượng từ bỏ ý định tự sát là:

1. Nguyễn Duy Biên- Sinh năm 1984, trú tại Số 20C, tổ 35, cụm 5 A, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội vận chuyển trái phép 58 bánh Hêrôin.

2. Nguyễn Tiến Dũng- Sinh năm 1952, trú quán: Cầu Ca, Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép 161 bánh Hêrôin.

Đến nay cả 2 bị can này đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án.

Đối với công tác tuyên truyền chống tái phạm đây là công việc lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội nhưng với trách nhiệm của mình, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra cũng cần phải thấy được trách nhiệm của mình nhằm tuyên truyền cho các bị can để tránh tái phạm sau khi mãn hạn tù.

Công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy giữa Viện kiểm sát nhân dân với cơ quan điều tra trong điều tra các vụ án ma túy ở Bắc Giang trong 2 năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:

Đối với công tác lãnh đạo vấn đề tuyên truyền phòng chống ma túy trong điều tra các vụ án ma túy đã được quan tâm nhưng chưa được sâu sát mà thường quan tâm đến tỷ lệ và chất lượng giải quyết án là chủ yếu.

Đối với điều tra viên, kiểm sát viên có vụ, có việc phối hợp chưa chặt chẽ, chưa có phương án hoặc đề cương cụ thể để tuyên truyền mà thường chỉ phối hợp trên thực tế (khi ghi lời khai hoặc hỏi cung bị can) để tuyên truyền vận động nên hiệu quả chưa cao.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống ma túy nói chung và công tác phối hợp tuyên truyền phòng chống ma túy giữa Viện kiểm sát nhân dân với cơ quan điều tra trong điều tra các vụ án nói riêng chúng tôi đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như sau:

Các địa phương phải chú trọng phát triển kinh tế, xã hội nhằm cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống ma rúy sâu rộng đến quần chúng nhân dân, gắn với cuộc vận động “xây dựng xã, phường văn hóa, không có tệ nạn ma túy: Nâng cao nhận thức của nhân dân, của cán bộ, đảng viên về hậu quả, tác hại của ma túy đến mỗi người, tự nguyện tích cực tham gia vào tự phòng chống ma túy tạo thành phong trào hành động phòng chống ma túy rộng khắp.

Tăng cường vai tò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền phường xã cùng với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội với công tác đấu tráng phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn. Chú trọng công tác quản lý hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện, mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là việc xây dựng những chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện và mãn hạn tù có việc làm, chống tái nghiện, tái phạm. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống ma tuý. Trọng điểm là các tụ điểm ma tuý.

Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống ma túy, sửa đổi 01 số điều luật quy định về tội phạm ma túy không còn phù hợp với thực tế, nhất là Thông tư liên ngành hướng dẫn xử lý các tội phạm về ma túy có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cụ thể cần sửa đổi Điều 192, 196 Bộ luật hình sự và Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định về việc xử lý các hành vi phạm tội về ma tuý trong một điều luật.

Chính phủ cần nghiên cứu tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống ma túy, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với lực lượng làm công tác này để kịp thời động viên họ yên tâm công tác./.

Giáp  Văn Thơ

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,933,151
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.8.216

    Thư viện ảnh