.

Chủ nhật, 19/05/2024 -14:03 PM

Góp ý sửa đổi hiến pháp 1992: Cần giao lại chức năng kiểm sát chung cho ngành Kiểm sát nhân dân theo hướng mới, nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước.

 | 

1 – Sơ lược về lịch sử hoạt động kiểm sát chung của ngành Kiểm sát nhân dân:

Ngành kiểm sát nhân dân được giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (gọi tắt là kiếm sát chung) bắt đầu từ Hiến pháp 1959 đến Hiến pháp 1980 và tiếp tục được khẳng định ở bản Hiến pháp 1992 (điều 137).

Năm 2001, Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1992 và xóa bỏ chức năng kiểm sát chung của ngành kiểm sát, thời điểm bắt đầu từ năm 2002.

Hoạt động kiểm sát chung gồm hai hoạt động chính là Kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước từ cấp Bộ trở xuống và Kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước (hay còn gọi là kiểm sát hành vi), trong việc xử lý vi phạm hành chính.

2 - Cần giao lại chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát nhân dân theo hướng mới, nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước:

2.1 Sự cần thiết của việc giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát trong giai đoạn hiện nay:

+ Thứ nhất, Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát là hoàn toàn phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, đồng thời phục vụ tốt cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

+Thứ hai,  Tại Điều 02 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đưa khái niệm mới đó là “Kiểm soát quyền lực”. Vấn đề cơ chế kiểm soát quyền lực như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng và có nhiều ý kiến tranh luận khoa học. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì hoạt động kiểm sát chung chính là một trong những thiết chế góp phần kiểm soát hữu hiệu quyền lực nhà nước. Có thêm chức năng kiểm sát chung thì Viện kiểm sát nhân dân mới thực sự là cơ quan giúp Quốc hội giám sát quyền lực nhà nước.

+ Thứ ba,  Qua hơn 40 năm thực hiện chức năng kiểm sát chung, mặc dù thực tiễn hoạt động kiểm sát chung theo nhiều ý kiến cho rằng nó “có vẻ trùng lặp và chồng chéo” với hoạt động thanh tra nhưng từ thực tiễn cho thấy hoạt động kiểm sát chung do ngành kiểm sát thực hiện đã có rất nhiều kết quả tích cực, phát hiện được rất nhiều sai phạm mà hoạt động thanh tra không phát hiện được. Mặt khác cũng chính thực tiễn 10 năm chức năng kiểm sát chung bị bỏ lửng đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực phát sinh mạnh mẽ, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước từ cấp Bộ trở xuống đã vi phạm về thẩm quyền, hình thức, nội dung trái hiến pháp, trái luật và thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, cá biệt một số văn bản pháp quy còn đi ngược với lợi ích của người dân, tạo thành cơ chế phục vụ lợi ích nhóm...

+Thứ tư, Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát là phù hợp hoàn toàn khoa học. Xuất phát từ lịch sử lập hiến của nước ta và một số nước tiến bộ khác, chức năng kiểm sát chung đã và đang được giao cho ngành kiểm sát thực hiện. Xuất phát từ điều kiện về cơ sở vật chất và nhất là yếu tố con người của ngành kiểm sát, cho đến nay vẫn còn đa số cán bộ, Kiểm sát viên của ngành được đào tạo và trải qua hoạt động thực tiễn công tác kiểm sát chung. Xuất phát từ địa vị pháp lý của ngành kiểm sát là một ngành độc lập, khác với thanh tra là một ngành vẫn bị coi là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, do đó hoạt động kiểm sát chung do ngành kiểm sát thực hiện sẽ mang tính khách quan cao hơn cả.

+ Thứ năm, Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát chính là giải pháp tốt nhất giúp cho công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả. Không có một cơ quan độc lập nào lại có thể gắn bó mật thiết với cơ quan điều tra như Viện kiểm sát. Thực hiện hoạt động kiểm sát chung nếu Viện kiểm sát phát hiện có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng thì đây chính là kênh tin báo tội phạm tham nhũng tốt nhất cho cơ quan điều tra vào cuộc. Thực tiễn cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì do nhiều nguyên nhân trong đó có việc xuất phát từ địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, kiểm tra mà việc xử lý sai phạm trong nhiều vụ việc chỉ trong phạm vi “nội bộ”, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không nắm được tin báo tố giác về tội phạm tham nhũng từ những cơ quan này để tiến hành điều tra. Mặt khác, các kiến nghị biện pháp phòng chống tham nhũng do Viện kiểm sát ban hành sẽ mang tính khách quan và có “sức mạnh” hơn.

2.2 Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát theo hướng mới gồm các quan điểm sau:

+ Thứ nhất, Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát đồng thời phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực này của Viện kiểm sát các cấp nhằm tránh việc lạm quyền kiểm sát có thể xảy ra.

+ Thứ hai, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện chính là những chủ thể “kiểm soát quyền lực” kiểm sát chung của ngành kiểm sát. Quy định này hoàn toàn phù hợp với cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đối với ngành kiểm sát nhân dân hiện nay. Viện trưởng Viện kiểm sát phải báo cáo kết quả công tác trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thì đồng thời Viện kiểm sát cũng phải chịu sự kiểm soát quyền lực của các cơ quan này. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về kiểm soát quyền lực tại Điều 02 của dự thảo Hiếp pháp.

+ Thứ ba, Cơ chế để Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện kiểm soát quyền kiểm sát chung của ngành kiểm sát cần được quy định cụ thể, chặt chẽ, khoa học và phải đảm bảo được các yêu cầu sau:

- Quốc hội kiểm soát quyền kiểm sát chung của Viện KSND tối cao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh kiểm soát quyền lực kiểm sát chung của Viện KSND cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp huyện kiểm soát quyền lực kiểm sát chung của Viện KSND cấp huyện;

- Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện “dùng” hoạt động kiểm sát chung là “công cụ” để kiểm soát việc sử dụng quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, đồng thời nó là kênh thông tin rất quan trọng, chính xác và kịp thời để giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện và cử tri nắm bắt được tình hình chấp hành pháp luật.

- Hoạt động kiểm sát chung phải được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nhằm giúp cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện sâu sát hơn nhiệm vụ giám sát quyền lực nhà nước.

- Hoạt động kiểm sát chung phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của từng địa phương, phục vụ cho lợi ích của người dân, đảm bảo không chồng chéo và trùng lặp với hoạt động thanh tra.

- Đảm bảo cho ngành kiểm sát chủ động trong việc tổ chức bộ máy, phân bổ nhân sự làm công tác kiểm sát chung cho từng cấp kiểm sát;

Tóm lại: Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp, khoa học, có căn cứ về lịch sử lập hiến, lập pháp, về lý luận và thực tiễn, là giải pháp tốt nhất để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng. Giao chức năng kiểm sát chung cho ngành kiểm sát cần thực hiện theo hướng mới, làm tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước.

Xuất phát từ những phân tích và những nhận định của mình, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị Ban soạn thảo sửa đổi hiến pháp xem xét, đưa vào dự thảo Hiến pháp để Quốc hội bàn bạc, quyết định giao lại chức năng kiểm sát chung cho ngành Kiểm sát nhân dân theo hướng mới như đã phân tích ở trên.

Thạc sĩ Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,933,159
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.8.216

    Thư viện ảnh