ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -15:45 PM

Vướng mắc trong việc xác định yêu cầu của bị đơn trong vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình

 | 

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, chúng tôi thấy có một vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình phát sinh nhiều ý kiến tranh luận trong việc xác định yêu cầu của bị đơn trong vụ án là yêu cầu gì. Vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2005, anh Nguyễn Văn A kết hôn với chị Nguyễn Thị B (có đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán của địa phương). Ngay sau khi kết hôn chị B về gia đình nhà anh A sinh sống và được gia đình nhà chồng cho hai vợ chồng ra ở riêng. Đầu năm 2012, hai vợ chồng anh chị phát sinh nhiều mâu thuẫn, chị B bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống và kể từ đó hai vợ chồng sống ly thân. Đến tháng 10 năm 2012, xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, đời sống chung không duy trì được nên anh A đã làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho hai vợ chồng ly hôn và đề nghị Tòa án giải quyết việc nuôi con chung. Về tài sản chung và công nợ của hai vợ chồng thì anh A không đề nghị Tòa án giải quyết. Sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, bị đơn là chị B đã làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của hai vợ chồng. Tòa án đã ra thông báo yêu cầu chị B nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện và chị B đã nộp đầy đủ số tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu của Tòa án. Tòa án đã tiến hành giải quyết việc ly hôn, giải quyết việc nuôi con chung theo yêu cầu của anh A và yêu cầu chia tài sản chung của chị B trong cùng một vụ án vì cho rằng yêu cầu chia tài sản chung của chị B là yêu cầu phản tố của bị đơn.

Vấn đề xác định yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn là chị B trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình nói trên là yêu cầu gì đã nảy sinh một số ý kiến tranh luận sau:

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng việc Tòa án xác định yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn là chị B là yêu cầu phản tố là hoàn toàn chính xác và thuộc trường hợp quy định tại điểm C, khoản 2, điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự. Tức là thuộc trường hợp “Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan đến nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác hơn và nhanh hơn” (Điểm C khoản 2 điều 176 BLTTDS).

Quan điểm thứ hai: Cho rằng yêu cầu của bị đơn là chị B trong vụ án này không phải là yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập vì theo quy định tại điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự thì quyền yêu cầu độc lập chỉ dành cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Những người theo quan điểm cho rằng yêu cầu chia tài sản chung của chị B chỉ là một “yêu cầu bình thường” trong vụ án và Tòa án tiến hành giải quyết trong cùng một vụ án yêu cầu giải quyết việc ly hôn và việc nuôi con chung của nguyên đơn là anh Nguyễn Văn A là hoàn toàn đúng luật.

Quan điểm thứ ba: Những người theo quan điểm thứ ba nhất trí với những người theo quan điểm thứ hai về việc xác định yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn là chị B không phải là yêu cầu phản tố, không phải là yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, họ không đồng ý với quan điểm thứ hai trong việc xác định yêu cầu của chị B là “yêu cầu bình thường”, được giải quyết trong cùng một vụ án. Họ cho rằng, Tòa án cần thụ lý giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của chị B thành một vụ án độc lập chứ không thể giải quyết chung một vụ án.

* Quan điểm của chúng tôi:

- Quan điểm thứ nhất là hoàn toàn không có căn cứ, bởi lẽ nguyên đơn là anh A chỉ yêu cầu giải quyết việc ly hôn và việc nuôi con chung chứ không yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung, nay nếu giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn là chị B cùng trong một vụ án này thì sẽ làm vụ án khó khăn, phức tạp hơn chứ không thỏa mãn quy định tại điểm C khoản 2 điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự đó là “nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”. Do đó, yêu cầu của chị B trong trường hợp này không phải là yêu cầu phản tố.

- Quan điểm thứ hai xác định yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn là chị B là “yêu cầu bình thường” và được giải quyết trong cùng một vụ án cũng không đúng bởi lẽ trong Bộ luật tố tụng dân sự chưa hề quy định về dạng yêu cầu này. Mặt khác, theo quy định tại điều 130 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí thì chỉ có nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn mới phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho nên nếu yêu cầu của bị đơn là chị B không phải là yêu cầu phản tố thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Do đó, việc Tòa án yêu cầu chị B phải nộp tiền tạm ứng án phí và giải quyết trong cùng một vụ án là không có căn cứ.

Từ những phân tích trên, chúng tôi tán thành quan điểm thứ ba đó là Tòa án cần thụ lý giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của chị B thành một vụ án độc lập, trong đó chị B là nguyên đơn còn anh A là bị đơn. Việc Tòa án giải quyết chung trong cùng một vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nếu Tòa án vẫn tiến hành đưa vụ ản ra xét xử thì Viện kiểm sát cần ban hành kháng nghị phúc thẩm.

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn quý vị độc giả và đồng nghiệp quan tâm nghiên cứu và trao đổi ý kiến.

Thạc sĩ Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,552,400
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.78.242

    Thư viện ảnh