ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -15:45 PM

Hiệu quả từ việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của VKSND tỉnh Bắc Giang

 | 

Thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, năm 2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là chất lượng thẩm vấn và tranh tụng của Kiểm sát viên. Trong chương trình kế  hoạch công tác năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét sử sơ thẩm các vụ án hình sự. Đồng thời giao cho Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm- giám đốc thẩm- tái thẩm án hình sự (Phòng 3) theo dõi tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện.

          

Ảnh: Một vụ xét xử lưu động rút kinh nghiệm tại Lạng Giang

          Phiên tòa lựa chọn để rút kinh nghiệm là phiên tòa xét xử những vụ án có sự tranh luận về chứng cứ, tội danh và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, về đường lối áp dụng pháp luật, đặc biệt là những vụ án có Luật sư tham gia bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo hoặc người bị hại.

          Các đơn vị có thể lựa chọn 4 hình  thức sau để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm:

          - Tổ chức phiên tòa mời lãnh đạo Viện tỉnh, đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên các phòng án hình sự và một số Viện kiểm sát cấp huyện dự rút kinh nghiệm.

          - Tổ chức phiên tòa mời lãnh đạo Viện tỉnh và Phòng 3 Viện kiểm sát tỉnh dự để rút kinh nghiệm.

          - Đơn vị tự tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với thành phần lãnh đạo và Kiểm sát viên trong đơn vị.

          - Lãnh đạo đơn vị kiểm tra đột xuất việc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên để tổ chức rút kinh nghiệm.

          Kết thúc phiên tòa tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm với thành phần có  Kiểm sát viên tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và Kiểm sát viên dự phiên tòa cùng cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tổ chức phiên tòa do Lãnh đạo viện chủ trì. Tại cuộc họp rút kinh nghiệm những đồng chí dự phiên tòa tham gia ý kiến đóng góp những ưu điểm, tồn tại của Kiểm sát viênthực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử như: Tư thế, tác phong, trang phục của Kiểm sát viên tại phiên tòa, việc xây dựng bản Cáo trạng, xây dựng Luận tội, đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, kỹ năng tranh tụng đối đáp với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác;  kiểm sát hoạt động việc tuân theo pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Hàng tháng, Phòng 3 Viện kiểm sát tỉnh đều tổng hợp những ưu điểm, tồn tại thiếu sót đối với từng phiên tòa rút kinh nghiệm để báo cáo lãnh đạo Viện tỉnh và thông báo đến các đơn vị trong toàn ngành rút kinh nghiệm chung.

          Tính đến thời điểm 30/10/2012, các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang đã tổ chức được 40 phiên tòa rút kinh nghiệm. Có thể nói việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều chuyển biến mới tích cực. Những mặt tồn tại hạn chế trước đây về chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa như: một số vụ án Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, chưa chủ động xét hỏi, xét hỏi chưa làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, một số bản luận tội chưa đảm bảo tính logic, lập luận thiếu sắc bén, không thuyết phục,chưa phản ứng linh hoạt khi tham gia tranh luận….Thái độ tranh luận đôi khi còn nóng nảy, thiếu bình tĩnh ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tranh tụng đến nay đã từng bước được khắc phục.

          Thực tế cho thấy qua tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là: tại hội nghị họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa, các ý kiến tham gia đóng góp đã giúp Kiểm sát viên trực tiếp xét xử  thấy được những ưu điểm, thiếu sót của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án. Từ đó nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa của Kiểm sát viên. Các Kiểm sát viên cũng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí rất quan trọng của mình tại phiên tòa. Từ khi tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đến nay qua kiểm tra theo dõi thấy: Kiểm sát viên đều chú trọng nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra vụ án, chất lượng bản Cáo trạng; 100% vụ án đều chuẩn bị bản Luận tội; tại phiên tòa Kiểm sát viên chủ động hơn trong việc xét hỏi làm rõ vụ án (số vụ án Kiểm sát viên tham gia xét hỏi chiếm 90%). 100% các vụ án có Luật sư tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đều chuẩn bị dự kiến tình huống tranh luận. Vì vậy, chất lượng xét xử, chất lượng tranh tụng từng bước được nâng lên rõ rệt.

          Sau phiên tòa, Kiểm sát viên đã đề cao trách nhiệm kiểm sát biên bản phiên tòa và  bản án của Tòa án, phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót đề xuất kiến nghị, kháng nghị theo quy định pháp luật.

          Cũng từ phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của Kiểm sát viên đơn vị mình để theo dõi, đánh giá cán bộ được chính xác, toàn diện, từ đó phân công cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp năng lực nghiệp vụ và có phương hướng đào tạo bồi dưỡng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém để Kiểm sát viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về địa vị pháp lý, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp. Đồng thời lãnh đạo các đơn vị cũng qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, giải quyết vụ án.

          Đối với Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi được phân công xét xử vụ án do Viện kiểm sát tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã chủ động nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, để tuyên bản án đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Luật sư tham gia phiên tòa khi xét hỏi và đưa ra ý kiến tranh luận cũng thận trọng dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và người bị hại.

          Hiện nay, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm mới chỉ triển khai thực hiện ở ngành Kiểm sát. Để phát huy nâng cao tác dụng và hiệu quả của phiên tòa rút kinh nghiệm hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp cần có sự phối hợp giữa hai ngành Kiểm sát và Tòa án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm chung trong cả hai ngành (đối với Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử). Qua đó, cùng khắc phục những tồn tại yếu kém trong quá trình tiến hành tố tụng nhằm nâng cao chất lượng phiên tòa, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.

Nguyễn Thị Kim Huyền

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,552,399
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.78.242

    Thư viện ảnh