Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy và việc áp dụng Thông tư số 17 nêu trên, thấy có một số vướng mắc, bất cập như sau:
1. Về việc giám định hàm lượng chất ma tuý:
Tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17 qui định “trong mọi trường hợp đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma tuý”. Đây là một yêu cầu khách quan, cần thiết trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án ma tuý vì định lượng chất ma tuý là một trong những căn cứ để xác định yếu tố định tội, định khung hình phạt và làm căn cứ xác định mức án khi xét xử.
Tuy nhiên, trên thực tế khi giải quyết các vụ án về ma tuý việc xác định hàm lượng, trọng lượng các loại ma tuý không phải trường hợp nào cũng giám định được. Trước hết về điều kiện khách quan, hiện nay duy nhất chỉ có Viện khoa học hình sự- Bộ Công an mới giám định được hàm lượng các loại ma tuý, còn các Phòng giám định tư pháp ở địa phương (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh) chưa có đủ điều kiện giám định được hàm lượng các loại ma tuý mà chỉ giám định xác định được một số loại ma tuý thông thường (ví dụ như hêrôin, Methamphetamine, thuốc phiện), còn một số loại ma tuý khác mới được phát hiện và bị bắt giữ (ví dụ như Côcain) vẫn chưa giám định được. Trong khi đó số lượng yêu cầu giám định đối với các vụ án ma tuý trong toàn tỉnh là rất lớn và không thể trường hợp nào trưng cầu giám định tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an cũng được trả lời ngay kết quả giám định để làm căn cứ cho việc giam, giữ, khởi tố điều tra…Từ những bất cập đó dẫn đến vẫn còn có nhận thức và quan điểm xử lý khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án ma túy. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Việc xác định về định lượng chất ma tuý làm căn cứ định tội, định khung hình phạt:
Đối với vụ án thu được vật chứng là các chất ma tuý thì đương nhiên việc xác định chất ma tuý, trọng lượng chất ma tuý là rõ ràng nhưng đối với những trường hợp vụ án truy xét không thu được vật chứng (chất ma tuý) thì Thông tư liên tịch số 17 chưa có hướng dẫn xác định trọng lượng ma tuý trong trường hợp này căn cứ vào đâu? Đối với số lượng ma tuý mà các bị can, bị cáo khai là phân, chỉ, cây thì có thể căn cứ vào Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15/8/2007 của Chính phủ để xác định, còn các bị can, bị cáo khai mua bán bánh Hêrôin …thì xác định trọng lượng ma tuý là bao nhiêu? Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
3. Về qui định tại điểm b tiểu mục 3.5 mục 3 phần I và qui định tại điểm e, điểm g tiểu mục 3.3 mục 3 phần II:
Điểm b tiểu mục 3.5 mục 3 phần I qui định: “Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo qui định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS mà các hành vi đó liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng và chỉ phải chịu một hình phạt”. Việc Thông tư liên tịch số 17 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đầy đủ gây ra sự không thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn khi điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma tuý ở địa phương đã xẩy ra nhiều trường hợp Cơ quan điều tra, VKS khởi tố, điều tra, truy tố theo tội danh đầy đủ nhưng Toà án khi xét xử lại chỉ tuyên phạt bị cáo về một hành vi phạm tội (ví dụ: Bị cáo bị truy tố đầy đủ về các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, nhưng Tòa án chỉ tuyên phạt bị cáo phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý với lý lẽ bị cáo không thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển vì thực tế bị cáo có hành vi tàng trữ, vận chuyển nhưng nhằm mục đích mua bán nên về lý luận thì đó là hành vi mua bán…). Ngược lại. có trường hợp VKS chỉ truy tố tội mua bán trái phép chất ma tuý nhưng Toà án lại xét xử tuyên phạt bị cáo với tội danh đầy đủ.
Ngoài ra khi khởi tố, điều tra, truy tố theo tội danh đầy đủ sẽ xảy ra nhiều bất cập. Ví dụ: Một vụ án đồng phạm, bị can chính bị khởi tố về tội danh đầy đủ còn người đồng phạm tham gia với vai trò giúp sức vận chuyển ma tuý cho bị can chính. Khi khởi tố bị can có quan điểm phải khởi tố với tội danh đầy đủ (như bị can chính trong vụ án) nhưng cũng có quan điểm bị cáo chỉ thực hiện hành vi vận chuyển nên chỉ khởi tố về tội vận chuyển. Nếu khởi tố với tội danh đầy đủ thì khi truy tố và xét xử bị cáo thắc mắc tại sao lại bị truy tố về tội danh "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý" trong khi bị cáo chỉ vận chuyển ma tuý theo sự phân công của người cầm đầu trong tổ chứctội phạm về ma tuý.
Vì vậy, theo chúng tôi không nên hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ mà chỉ nên hướng dẫn theo văn bản trước đây (Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT- TANDTC- VKSNDTC, BNV) truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng tội danh độc lập tương ứng tại Điều 194 BLHS. Còn về đường lối xử lý áp dụng mức hình phạt khi đưa ra xét xử thì căn cứ vào hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma tuý của từng bị can trong vụ án đã thực hiện các hành vi cụ thể: tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma tuý hay đầy đủ các hành vi để xem xét quyết định mức hình phạt. Thông thường các bị can thực hiện đầy đủ các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma tuý có tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng hơn đối với những bị can chỉ thực hiện một hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc mua bán ma tuý.
Điểm e, điểm g tiểu mục 3.3 mục 3 phần II lại qui định mua bán trái phép chất ma tuý là một trong các hành vi sau đây: tàng trữ trái phép chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác và vận chuyển trái phép chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác. Qui định như trên là không rõ ràng và không cần thiết vì điều luật đã qui định tội ghép gồm 3 hành vi độc lập, do đó hành vi cấu thành tội nào thì truy cứu trách nhiệm về tội đó.
4. Về qui định tại điểm c tiểu mục 3.7 mục 3 phần II:
Điểm c tiểu mục 3.7 mục 3 phần II qui định: “Người nào biết người khác đi mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma tuý để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma tuý đã nhờ mua hộ”. Vậy, trong trường hợp người đi mua chất ma tuý không tách rời số lượng chất ma tuý của người gửi mua thì sẽ căn cứ vào đâu để tính số lượng chất ma tuý của người gửi mua. Có thể chia giá trị phần trăm bằng tiền để xác định trọng lượng ma tuý làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự của người gửi mua ma tuý hay không?
5. Về khái niệm “người nghiện ma tuý” qui định tại điểm a tiểu mục 6.2 mục 6 và điểm b tiểu mục 7.3 mục 7 phần II:
Hiện nay việc xác định một người là “nghiện ma tuý” hay không phải là “nghiện ma tuý” vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có tiêu chí để xác định, có nhiều cách hiểu khác nhau, do đó khi xử lý các tội phạm về ma tuý qui định ở Điều 197, Điều 198 BLHS sẽ gặp nhiều khó khăn thậm chí có thể gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm bởi lẽ: có thể người nào đó là đối tượng nghiện ma tuý và có trong danh sách những người nghiện ma tuý do chính quyền địa phương quản lý, tuy nhiên ở thời điểm thực hiện hành vi phạm tội họ đã tự cai nghiện nhưng chưa được chính quyền địa phương công nhận và đưa ra khỏi danh sách người nghiện ma tuý hoặc ngược lại có thể người nào đó là đối tượng nghiện ma tuý nhưng không có trong danh sách người nghiện do chính quyền địa phương quản lý.
Trên đây là một số vướng mắc, bất cập qua thực tiễn áp dụng Thông tư liên tịch số 17/ TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp để giải quyết các vụ án về ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Nguyễn Thị Hồng