.

Chủ nhật, 19/05/2024 -18:44 PM

Một số vấn đề về áp dụng tình tiết “ phạm tội nhiều lần” trong Luật hình sự.

 | 

Tình tiết "Phạm tội nhiều lần" trong Bộ luật hình sự là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hình phạt được quy định tại một số điều luật cụ thể. Nếu điều luật không quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt thì tình tiết "Phạm tội nhiều lần" là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

Nghiên cứu các quy định của Luật hình sự chúng tôi thấy hiện nay chưa có khái niệm nào về tình tiết “ phạm tội nhiều lần”. Thực tiễn truy tố, xét xử các cơ quan tư pháp dựa trên một số hướng dẫn sau:

Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của Bộ nội vụ, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần quy định tại khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134a...(đối với một số tội phạm có tính chất tham nhũng và tội phạm liên quan đến tình dục) được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội đó trở lên (hai lần phạm tội tham ô trở lên, hai lần phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN trở lên...) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ công an, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII  "Các tội phạm về ma tuý" thì, tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì, “Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự”.

Tóm lại, tình tiết "Phạm tội nhiều lần" bao gồm năm nội dung sau:

1. Phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau

2. Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.

3. Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS, có thể cùng một khoản, có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.

4. Các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

Tuy nhiên, thực tiễn truy tố, xét xử ở một số địa phương còn có những tranh cãi sung quanh vấn đề này. Dưới đây xin nêu một ví dụ về vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết “ phạm tội nhiều lần” đối với một số tội xâm phạm sở hữu:

Ngày 23/6/2012, Nguyễn Văn Hiếu đến Công ty TNHH thương mại A gặp anh Giáp Văn Long để thuê xe ô tô tự lái, hai bên hợp đồng thuê xe ô tô 3 ngày và Hiếu thế chấp cho anh Long một xe máy. Anh Long đã giao xe ô tô 7 chỗ cùng bản sao đăng ký xe ô tô, 1 sổ đăng kiểm và 1 giấy chứng nhận bảo hiểm cho Hiếu. Sau khi thuê xe, Hiếu nhờ người khác cầm cố xe được 70 triệu, số tiền này Hiếu đã ăn tiêu hết.

Do không có tiền chuộc xe ô tô nên ngày 29/6/2012 Hiếu đến gặp anh Nguyễn Văn Bình giám đốc công ty TNHH thương mại B hợp đồng thuê xe ô tô 4 chỗ. Anh Bình đã giao xe cho Hiếu cùng bản sao giấy đăng ký xe ô tô, sổ đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau đó, Hiếu đem xe ô tô 4 chỗ đến thế chấp cho  anh Giáp Văn Long để lấy xe máy (đã thế chấp trước đó) đi vay tiền chuộc xe ô tô 7 chỗ ngồi.  Do không vay được tiền Hiếu đã bỏ trốn.

Chiếc xe ô tô 7 chỗ được định giá là 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng). Chiếc xe ô tô 4 chỗ được định giá là 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng).

Quá trình giải quyết vụ án có 2 quan điểm là:

- Quan điểm 1: Nguyễn Văn Hiếu phải chịu trách nhiệm tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS (phạm tội nhiều lần).

- Quan điểm 2: không áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với bị cáo Hiếu, vì cho rằng hành vi của bị cáo chỉ có một lần chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS), còn lần thứ hai chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai trăm triệu đồng chưa đủ định lượng để cấu thành điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS.

Theo chúng tôi việc không áp dụng tình tiết tăng nặng điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với  Nguyễn Văn Hiếu trong vụ án nêu trên theo quan điểm 2 là không đúng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự. Vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thứ nhất của Nguyễn Văn Hiếu đã đủ yếu tố cấu thành định khung hình phạt ở điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS; hành vi thứ hai của Hiếu đủ yếu tố cấu thành định tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên hành vi của bị cáo Hiếu thuộc tình tiết phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

Nhữ Dũng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,934,932
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.155.88

    Thư viện ảnh