.

Chủ nhật, 19/05/2024 -16:43 PM

“Tòa lấy tài sản của người khác để chia cho vợ chồng khi ly hôn”

 | 

        Nhận thấy Tòa sơ thẩm đã giải quyết phần tài sản trong vụ án “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” đã chia cả tài sản do người khác xây dựng thêm mà không thanh toán giá trị tài sản là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên việc kháng nghị đề nghị hủy một phần bản án để giải quyết lại là cần thiết.

        Chị Q kết hôn với anh T năm 1999. Vợ chồng có 2 con chung là cháu H (sinh năm 2000) và cháu D (sinh năm 2004). Anh chị đã mua 240m2 đất (được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh T, chị Q) và  xây nhà cấp 4, công trình phụ, tường bao... Do làm ăn gặp khó khăn nên tháng 12/2005, anh chị đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ngân hàng để vay 20.000.000đ. Sau đó, anh chị vào miền Nam làm ăn. Năm 2008, anh T về quê và làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng anh S, chị V và anh S, chị V thanh toán tiền nợ Ngân hàng hộ anh T, chị Q. Anh S, chị V đã chuyển đến sống trên nhà đất trên, sửa chữa, xây dựng thêm tầng hai trên nhà cũ và một số công trình chăn nuôi.

        Do mâu thuẫn vợ chồng, chị Q xin được ly hôn anh T và yêu cầu anh S, chị V trả lại anh chị nhà đất trên để chia đôi. Anh T, anh S và chị V không đồng ý chia tài sản là nhà đất vì anh S, chị V đã trả nợ Ngân hàng thay anh T, chị Q cả gốc và lãi là 26.000.000đ và anh S, chị V đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

        Tòa sơ thẩm đã thụ lý yêu cầu độc lập của anh S, chị V: nếu phải trả lại nhà đất thì anh T, chị Q phải trả lại anh chị 26.000.000đ và tiền lãi phát sinh. Đồng thời yêu cầu anh T, chị V phải thanh toán giá trị phần xây dựng, sửa chữa thêm tổng cộng 200.000.000đ.

        Với những tình tiết trên, Tòa sơ thẩm đã xử chị Q được ly hôn anh T; mỗi người nuôi một con chung, không đặt ra cấp dưỡng; về tài sản: Giao cho anh T quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản là nhà đất, công trình phụ, đồ dùng sinh hoạt có tổng trị giá 720.000.000đ nhưng anh T phải trích chia tài sản cho chị Q 360.000.000đ.

        Về yêu cầu độc lập của anh S, chị V: Tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết yêu cầu này do anh S, chị V được triệu tập hợp lệ đến phiên tòa 2 lần nhưng vẫn vắng mặt không lý do.

        Viện kiểm sát huyện T.Y nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ án và đã ban hành quyết định kháng nghị, đề nghị hủy phần giải quyết yêu cầu độc lập của anh S, chị V và phần chia tài sản chung của của anh T, chị Q.

        Vừa qua, Tòa phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử, đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát: hủy phần phân chia tài sản chung của anh T, chị Q và phần đình chỉ yêu cầu độc lập của anh S, chị V để giải quyết lại theo thủ tục chung bởi những lý do sau:

        Thứ nhất: Việc Tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của anh S, chị V là không có căn cứ. Bởi lẽ: Anh S, chị V vắng mặt tại phiên tòa nhưng Tòa không hỏi ý kiến của nguyên đơn, bị đơn có ý kiến về yêu cầu của anh S, chị V hay không là vi phạm Khoản 3 Điều 201 BLTTDS năm 2005.

        Thứ hai: Ngày 11/11/2008, giữa anh T, chị Q với anh S, chị V đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích đất mang tên anh T, chị Q nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng chị Q không có mặt tại địa phương (các bên thừa nhận là anh Thu đã ký thay chị Q trong hợp đồng); chị Q cũng cho rằng không có sự bàn bạc, thống nhất với anh Thu trước khi chuyển nhượng. Tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này không có giá trị pháp luật nhưng lại không tuyên hợp đồng vô hiệu và không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là vi phạm Điều 137 Bộ luật dân sự.

        Thứ ba: Diện tích đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh S, chị V ngày 08/12/2008. Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng anh S, chị V đã xây dựng thêm tầng 2 trên nhà cũ của vợ chồng anh T, chị Q, sửa chữa và xây dựng thêm công trình chăn nuôi. Hơn nữa, toàn bộ nhà đất và các công trình trên đất đang do vợ chồng anh S, chị V quản lý, sử dụng. Tòa sơ thẩm đã tiến hành định giá tài sản nhưng không xác định phần nào có trước khi chuyển nhượng, phần nào do anh S, chị V xây dựng thêm để xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng anh T, chị Q; Mặt khác, khi phân chia tài sản chung lại giao cho anh T quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất, nhà ở và công trình trên đất (cả phần vợ chồng anh S, chị V xây dựng thêm) là không đảm bảo quyền lợi cho anh S, chị V và gây khó khăn cho việc thi hành án./.

 

Nguyễn Thị Huệ Anh

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,934,263
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.190.156.78

    Thư viện ảnh