.

Chủ nhật, 19/05/2024 -15:34 PM

Cải cách tư pháp và việc hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự Việt Nam

 | 

1. Nhận xét chung

Dân chủ hóa tố tụng hình sự, bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tố tụng hình sự, triệt để tôn trọng quyền con người, quyền công dân trong quá trình tiến hành tố tụng là xu hướng không thể đảo ngược của tố tụng hình sự trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành tố tụng vẫn còn nảy sinh nhiều vướng mắc và bất cập. Có nhiều nguyên nhân khác nhau của những bất cập và vướng mắc đó, trong đó phải kể đến những bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự mà trước hết là quy định về hệ thống các nguyên tắc của tố tụng hình sự Việt Nam. Có thể nêu ba biểu hiện sau đây:

Thứ nhất,đó là sự thiếu vắng các nguyên tắc đủ khả năng phản ánh những tư tưởng, định hướng chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp mà trọng tâm là cải cách hoạt động xét xử. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự đã có lý khi đề xuất kiến nghị về việc khẳng định nhận thức và quy định trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta các nguyên tắc quan trọng và phổ biến của tố tụng hình sự như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng.

Thứ hai,đó là sự quy định tản mạn và trùng lặp về nội dung các nguyên tắc, gây khó khăn cho sự nhận thức mục đích, ý nghĩa, nội dung và cho việc áp dụng các nguyên tắc đó trong thực tiễn. Do đó, cần phải căn cứ vào nội dung của các quy định đó để sắp xếp một cách hợp lý.

Thứ ba, nội dung của một số nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 không phù hợp vói tính chất là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo các hoạt động tố tụng và quan hệ tố tụng, mà chỉ là những quy định có tầm khái quát ở những mức độ nhất định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền hoặc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Vì vậy, cần đưa những quy định đó về đúng chỗ, đưa khỏi danh mục (Chương 2) các nguyên tắc tố tụng hình sự.

2. Các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

2.1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa . Nội dung chủ đạo nhất của nguyên tắc pháp chế được xác định tại Điều 3 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 như sau: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”.

Nghiên cứu quy định trên đây có thể đưa ra mấy nhận xét sau đây:

Nội dung đầu tiên của nguyên tắc pháp chế là tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng. Tính hợp pháp này thể hiện ở chỗ, các hoạt động tố tụng phải được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Tính hợp pháp được coi là điều kiện tiên quyết của tố tụng hình sự, phù hợp với đòi hỏi và yêu cầu về tính tối thượng của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện các mục đích của tố tụng hình sự nói riêng và các mục đích của cả hệ thống tư pháp hình sự nói chung. Đó cũng chính là yêu cầu “thủ pháp” trong các phương châm hoạt động của các cơ quan tư pháp. Pháp chế cũng là tiền đề cho việc thực hiện các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự.

Tuy nhiên chúng ta đều biết rằng, hoạt động của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng không chỉ là tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự mà còn là quá trình áp dụng các quy định của luật tố tụng cũng như luật vật chất (luật hình sự) trong việc định tội danh, quyết định hình phạt và các hình thức trách nhiệm hình sự khác. Nhưng đó cũng mới chỉ là một phần của những căn cứ pháp lý mà các hoạt động tố tụng dựa vào. Quá trình đó còn phải lấy Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật khác làm cơ sở pháp lý.

Nội dung của nguyên tắc pháp chế trong tố tụng hình sự còn đòi hỏi phải bao gồm ý thức pháp luật và niềm tin pháp lý nội tâm của những người tiến hành tố tụng. Hợp pháp, hợp lý và đúng đắn là hai mặt của nguyên tắc pháp chếcần đi liền với nhau, bổ sung cho nhau, trở thành cơ sở cho nguyên tắc hoạt động của những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng.

2.2. Nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quvền công dân trong tố tụng hình sự

Tố tụng hình sự xã hội chủ nghĩa xuất phát từ mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát hiện, truy tố và xử lý tội phạm và người phạm tội. Đồng thời, tố tụng hình sự xã hội chủ nghĩa có một thiên chức rất quan trọng là tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do về thân thể và tài sản, về danh dự và nhân phẩm của những người được coi là “kẻ yếu” trong quan hệ tố tụng: Người bị tình nghi, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Nghiên cứu các nguyên tắc được xác định tại Chương II liên quan đến nội dung bảo đảm quyền con người, quyền công dân, ngoài nội dung được quy định tại Điều 5, Điều 7 có định hướng chung cho mọi công dân, trong đó có bị can, bị cáo, người bị tình nghi, người bị tạm giữ thì nội dung Điều 4, Điều 6, Điều 8, Điều 11 cho thấy pháp luật tố tụng hình sự xác định rất rõ đối tượng bảo vệ quyền và lợi ích là những người này và trách nhiệm thực hiện chức năng bảo vệ là thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Theo quan điểm của chúng tôi, nội dung và định hướng của các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta đủ để có thể hiểu một cách rõ ràng, ưu tiên của sự bảo vệ,của nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người của công dân, tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do về thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân trong tố tụng hình sự là thuộc về đối tượng những người mà khi khởi động tố tụng hình sự, các cơ quan Nhà nước đặt họ vào vị thế bị sử dụng những biện pháp pháp lý nhằm hạn chế tự do và các lợi ích nhất định vốn đang thuộc về họ trước đó. Đó là người bị tình nghi, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong mối quan hệ đó, khả năng lạm dụng quyền lực là hiện thực và đối tượng gánh chịu không ai khác ngoài họ.

Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự với những nội dung sau đây:

Trong quá trình tố tụng hình sự, các quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích họp pháp của công dân.

Công dân có quyền được bảo vệ các quyền và lợi ích hơp pháp bị xâm phạm trước Tòa án theo thủ tục luật định. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát.

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Nghiêm cấm mọi hình thức truv bức, nhục hình đối với người bị tình nghi, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân sử dụng được đầy đủ và tiện lợi các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ. Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong tố tụng hình sự, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Những nội dung trên đây của nguyên tắc tôn trọng và báo vệ quyền con người phù hợp với quy định của Hiến pháp (Điều 50, Điều 52, Điêu 7) của Hiến pháp năm 1992). Mặt khác, những nội dung này cũng hoàn toàn phán ánh những yêu cầu được đặt ra trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Công ước của Liên hợp quốc năm 1966 về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã gia nhập (năm 1982).

3. Nguyên tắc công tố

Trong tố tụng hình sự, khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án khi có những dấu hiệu phạm tội là thuộc về quyền và trách nhiệm cua cơ quan tố tụng. Xuất phát từ lợi ích của Nhà nước và xã hội (lợi ích công) mà không phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của tổ chức, cá nhân riêng rẽ nào, cơ quan có thẩm quyền tố tụng tiến hành khởi tố vụ án làm khởi động toàn bộ cỗ máy” tố tụng hình sự. Tính “chính thống" đó là yếu tố hạt nhân quan trọng nhất nói lên bản chất của tố tụng hình sự như là một hệ thống quan hệ quyền lực công và các quan hệ pháp luật trong tố tụng hình sự được coi là quan hệ luật công (công pháp). Trong quan hệ đó, những cơ quan và người đại diện cho Nhà nước chính thức truy tố người bị coi là phạm tội ra trước Tòa án, khởi động cơ chế truy cứu trách nhiệm hình sự, thực hiện trách nhiệm công khai của Nhà nước, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước theo những thủ tục bắt buộc chung nhằm duy trì pháp chế, trật tự pháp luật và công lý.

Một nội dunng của nguyên tắc công tố là việc duy trì quyền công tố trước Tòa án. Nội dung này được xác định tại khoản 1 Điều 23; theo đó, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án.

Cũng như nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc công tố là nguyên tắc đặc trưng của hệ thống tố tụng hình sự thẩm vấn vì quan niệm truyền thống của hệ thống này đặt cơ quan tố tụng hình sự ở vị trí chủ động trong việc quyết định cục diện cũng như kết cục của tố tụng hình sự.

Trong mô hình tố tụng tranh tụng, thay cho nguyên tắc công tố là nguyên tắc tùy nghi truy tố. Theo nguyên tắc này, trước hết, trong tố tụng hình sự, công tố cũng là một bên tố tụng và cả bên công tố lẫn bên bị buộc tội đều có thể tự định đoạt quyền tố tụng của mình: Truy tố hay không truy tố, rút quyết định truy tố. Các bên có quyền này trong cả hai trường hợp công tố và tư tố. Các bên cũng có thể tự lựa chọn và sử dụng các hình thức thực hiện các quyền tố tụng khác của mình như khiếu nại, rút khiếu nại, trình chứng cứ hay không trình chứng cứ. Như vậy, chủ thể trong quan hệ tranh tụng này chi có thể là các bên trong tố tụng: Bên buộc tội và bên bị buộc tội. Tòa án hay người thứ ba có liên quan đều không thể là chủ thể của quan hệ tố tụng này.

Đối với tố tụng hình sự nước ta, việc tham khảo kinh nghiệm của hệ thống tư pháp tranh tụng trong vấn đề này có thể được coi là có cơ sở. Không chỉ quan điểm “mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, công minh” (trước đây thường được gọi là nguyên tắc “không thể tránh khỏi trách nhiệm hình sự”) mà quan điểm “nếu còn có khả năng lựa chọn giữa bắt cũng được, không bắt cũng được thì cương quyết không bắt, xử lý cũng được, không xử lý cũng được thì cương quyết không xử lý” đã trở thành phương châm hoạt động của các cơ quan tư pháp hình sự ở nước ta từ rất sớm.

4. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

Xét về mặt logic, nguyên tắc công tố đòi hỏi đi liền một nguyên tắc khác là nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị khởi tố và truy tố. Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng và trung tâm của một nền tư pháp dân chủ và pháp quyền.

Nội dung của nguyên tắc đó được Điều 11 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 của Việt Nam quy định như sau:

“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Quyền bào chữa luôn luôn có hai cách thực hiện: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể tự mình bào chữa hoặc có quyền thuê Luật sư tư vấn và bào chữa cho mình trong quá trình tố tụng. Nguyên tắc về quyền bào chữa có quan hệ mật thiết với những quy định về việc cấm truy bức, dùng nhục hình hoặc đe dọa dùng vũ lực hay các hình thức gây sức ép khác. Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng gắn liền vói trách nhiệm tương ứng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện quyền đó.

Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã đưa ra những đòi hỏi chi tiết về việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Bị can, bị cáo có quyền được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó có thể hiểu được về bản chất và lý do bị buộc tội. Họ phải được bảo đảm đủ thời gian phù hợp và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn. Được có mặt trong khi xét xử, được tự bào chữa hoặc nhờ sự giúp đỡ về mặt pháp lý do mình lựa chọn; nếu chưa có sự giúp đỡ về mặt pháp lý thì phải được thông báo về quyền này; trong trường hợp do lợi ích của công lý đòi hỏi phải bố trí cho người đó một sự trợ giúp pháp lý miễn phí nếu người đó không có đủ điều kiện trả tiền. Bị can, bị cáo có quyền được thẩm vấn hoặc nhờ người thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình và được mời người làm chúng gỡ tội cho mình tới phiên tòa và thẩm vấn tại Tòa với những điều kiện giống như đối với những người làm chứng buộc tội mình (Điều 3 Công ước 1966). Thiết nghĩ rằng, những nội dung trên đây của Công ước cần được chuyển hóa vào các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta về quyền bào chữa của bị can, bị cáo và về địa vị pháp lý tố tụng của bị can, bị cáo.

5. Nguyên tắc suy đoán vô tội

Con người và quyền con người là giá trị quan trọng và trở thành đối tượng ưu tiên bảo hộ của pháp luật trong tố tụng hình sự; bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lá chắn quan trọng và vững chắc nhất đối với quyền con người, quyền công dân nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tố tụng là việc thừa nhận và ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội. Đây là nguyên tắc “kinh điển” nhất của tố tụng hình sự được ghi nhận trong nhiều Văn kiện quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, (Điều 11.1); Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (khoản 2 Điều 14). Đặc biệt bản Tuyên ngôn nêu trên đã coi nguyên tắc này là “phẩm giá của văn minh nhân loại”.

Nội dung cơ bản và quan trọng nhất của nguyên tắc suy đoán vô tội. Suy đoán theo gốc Latinh (praesumptio) có nghĩa là giả định, thể hiện ở yêu cầu: Bị can, bị cáo phải được coi là vô tội khi mà lỗi của bị can, bị cáo đó chưa được chứng minh theo một trình tự do pháp luật quy định và được xác định bởi một bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Yêu cầu chung nhất đó đã được Hiến pháp nước ta quy định. Điều 72 của Hiến pháp khẳng định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Việc cụ thể hóa quy định trên đây tại Điều 9 Hiến pháp và coi nội dung xác định tại điều luật này là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nước ta.

Từ nội dung và đòi hỏi cơ bản nêu trên, nguyên tắc suy đoán vô tội đặt ra những đòi hỏi cụ thể hơn mà tố tụng hình sự phải bảo đảm. Đó là:

- Không một người vô tội nào phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt.

- Việc truy tố và xét xử một người phải được tiến hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

- Phải bảo đảm xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về người buộc tội.

- Bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh sự vô tội của mình.

- Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong quá trình thu thập chúng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác.

- Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

- Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, chứng minh bị cáo có tội.

- Bị can, bị cáo có quyền không trả lời các câu hỏi của cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng.

- Mọi hoài nghi về lỗi của bị can, bị cáo cần được giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

Xét theo những đòi hỏi trên đây của nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể khẳng định rằng, trong tố tụng hình sự Việt Nam, quan điểm chỉ đạo chung đã hoàn toàn phản ánh rõ nét các đòi hỏi đó. Từ quy định của Hiến pháp cho đến việc nước ta đã tham gia các Điều ước quốc tế có liên quan và việc quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự đã có đủ căn cứ để khẳng định sự thừa nhận, ghi nhận và áp dụng nguyên tắc đó trong tố tụng hình sự Việt Nam.

6. Nguyên tắc về quyền được Tòa án xét xử và sự bình đẳng trước pháp luật và trước Tòa án

Yêu cầu về việc bị cáo phải được một Tòa án xét xử xuất phát từ nguyên tắc chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử.

Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 xác định, trong quá trình tố tụng hình sự, bị cáo cần “phái được xét xử nếu không có lý do chính đáng để trì hoãn”, được sớm đưa ra Tòa án hoặc cơ quan pháp luật có thẩm quyền tiến hành tố tụng và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc trả tự do. “Bất cứ người nào do bị bắt hoặc bị giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu xét xử trước Tòa án nhằm mục đích để Tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và trả lại tự do nếu việc giam giữ là trái pháp luật”. "Bất kỳ người nào đều có quyền đòi hỏi việc xét xử công bằng và công khai do một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội trong vụ án hình sự hoặc xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong tố tụng dân sự” (Các điều 9.1; 9.2; 9.3; 14.1).

Tuv nhiên, nêu chỉ dừng lại ở nguyên tắc rất chung đó của Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 5) thì tính khả thi rất thấp. Có thể nói, yêu cầu đó có mặt ở khắp nơi nhưng không thể thấy rõ ở đâu cả. Vì vậy, cần chỉ rõ trong tố tụng hình sự, sự bình đẳng trước pháp luật còn có nghĩa là sự bình đẳng trong địa vị pháp lý tố tụng. Cụ thể hơn, chẳng hạn đều là bị can, bị cáo trong một loạt vụ án thì phải được có các quyền và được quy định nghĩa vụ tố tụng như nhau, không phân biệt đối xử theo các yếu tố địa vị xã hội như nghề nghiệp, chức vụ. Sự bình đẳng pháp lý đó được bổ sung bởi đòi hòi về công bằng trong trường hợp một người, vì lý do khiếm khuyết về thể chất, tinh thần và lứa tuổi mà không thể sử đụng được các quyền tố tụng của họ.

7. Nguyên tắc tranh tụng

Nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi sự hiện diện các bên trong tố tụng: Bên buộc tội và bên gỡ tội, theo đó, Công tố viên, người bị hại, nguyên đơn dân sự là bên buộc tội; bị cáo hoặc luật sư hay người đại diện hợp pháp cho bị cáo thực hiện chức năng của bên gỡ tội.

Đồng thời, nguyên tắc tranh tụng đặt ra vấn đề bảo đảm quyền tự do trình bày chứng cứ.

Các quy định hiện hành trong tố tụng hình sự mới chỉ đề cập đến “quyền đưa ra chứng cứ”, “quyền tranh luận dân chủ " trước Tòa án của những người tham gia tố tụng bằng cách liệt kê chứ không phải là quyền của hai bên trong tố tụng và coi đó là nội dung của nguyên tắc bình đẳng trước Tòa án mà không phải là nguyên tắc tranh tụng, bởi vì bình đẳng chỉ tồn tại khi có hai bên trong tố tụng và bình đẳng, kể cả khi có nó, cũng chỉ là một nội dung của nguyên tắc tranh tụng.

8. Nguyên tắc dân chủ

Trong tố tụng hình sự, nguyên tắc dân chủ được thể hiện ở ba nội dung quan trọng: Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 15); quyền của các tổ chức, công dân tham gia tố tụng hình sự (Điều 25); bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong hoạt động (Điều 31); sự giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều 32).

Chế độ xét xử có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân được coi là một trong những biểu hiện của tính xã hội, tính nhân dân của Tòa án - Cơ quan xét xử duy nhất, biểu tượng của nền công lý thuộc về nhân dân. Vì vậy, tất cả các hệ thống tố tụng hình sự - dù đó là hệ thống thẩm vấn hay hệ thống tố tụng tranh tụng, đều áp dụng chế độ xét xử có Hội thẩm hoặc Bồi thẩm đoàn tham gia. Sự khác nhau giữa Hội thẩm và Bồi thẩm đoàn chi là ở mức độ thẩm quyền tố tụng của các chức danh đó. Nếu như trong tố tụng hình sự với sự tham gia của Hội thẩm thì khi xét xừ, Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền nhau trong tất cả quá trình xét xử; còn trong tố tụng hình sự với sự tham gia của Bồi thẩm đoàn thì lại có sự phân chia thẩm quyền giữa Thẩm phán chuyên nghiệp với Bồi thẩm đoàn.

Ý tưởng về sự tham gia của đại diện của dân vào quá trình xét xử trong tư cách “Thẩm phán” không chuyên nghiệp là một nguyên tắc thể hiện rõ nét nhất bản chất dân chủ của tố tụng hình sự. Chinh vì vậy, mọi ý định chi tập trung vào việc tăng cường năng lực và trình độ mọi mặt cho Thẩm phán mà không quan tâm đến chế định Hội thẩm nhân dân, coi đó như một kiểu “trang trí”, hoặc ngược lại, muốn “Thẩm phán hóa”, chuyên môn hóa các Hội thẩm mà không quan tâm đến trách nhiệm và ý thức xã hội của họ đối với quá trình xét xử đều là những quan điểm lệch lạc, làm mất đi bản chất dân chủ của tố tụng hình sự.

9. Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

Về vấn đề“xác định sự thậtcủa vụ án một cách khách quan”, trong các giới nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi quan trọng sau đây: Các “sự thật’' được xác định “một cách khách quan" là sự thật nào? Là những gì các cơ quan tiến hành tố tụng mà sau cùng là Tòa án đã xác nhận tại hồ sơ vụ án? Hay đó là những gì đã xảy ra trong thực tế khách quan? Ở nghĩa thứ hai này, sự thật phải là chân lý khách quan, sự tồn tại hay không tồn tại của sự vật và hiện tượng. Nếu mục đích của tố tụng hình sự, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng và đặc biệt là của Tòa án là tìm ra sự thật khách quan thì sự thật ấy là sự thật vật chất. Và như vậy, những kết luận của cơ quan tố tụng phải bảo đảm phù hợp và phản ánh sự thật đó. Chính vì theo quan điểm đó mà có quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 168, Điều 179 của Bộ luật Tố tụng Hình sự), vì trong trường hợp đó theo quan điểm của Viện kiểm sát và Tòa án thì sự thật khách quan vần chưa được xác định.

Vấn đề được đặt ra là: Điểm dừng của con đường đi tìm sự thật khách quan ấy là ở chỗ nào và bao giờ? Đây là vấn đề khó nhất của lý luận về chứng minh trong vụ án hình sự. Tôn trọng sự thật khách quan, điều tra, xét xử phải đi đến sự thật khách quan là điều cần thiết, nhưng cái gì là sự thật, đó lại là vấn đề khác. Kết luận của Tòa án trước khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung và kết luận sau khi có kết quả điều tra bổ sung cũng đã và sẽ tiếp tục là kết luận của Tòa án hoặc của Viện kiểm sát, và công lý dừng lại ở đó. Chính vì vậy, Hiến pháp (Điều 146) và Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 22) đã đề ra nguyên tắc: Bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng.

Theo các luận giải đó, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án cần được hiểu như một yêu cầu, đòi hỏi đối với các cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng hết mọi nỗ lực trong quá trình xác định các tình tiết của vụ án, có thái độ làm việc khách quan, toàn diện trong việc tìm kiếm và đánh giá chứng cứ. Nguyên tắc này không hao hàm đòi hỏi phải tìm bằng được chân lý khách quan trong vụ án, chân lý chí chỉ có thể là kết qủa của những gì có thể làm được để có trong vụ án. Đó là nguyên tắc "cái không có trong hồ sơ vụ án là cái không tồn tại”. Từ đó, có thể hiểu sự thật trong tố tụng hình sự là sự thật pháp lý, là sự phù hợp giữa các kết luận của Tòa án với chứng cứ, hồ sơ vụ án. Tòa án không thể bổ sung những gì mà Cơ quan điều tra và Cơ quan truy tố, người buộc tội không có. Tòa án chỉ có thể có thẩm quvền xét xứ trong phạm vi truy tố của Viện kiểm sát. Tòa án cũng có trách nhiệm chấp nhận việc rút truy tố của Viện kiểm sát. Nếu làm ngược lại, Tòa án sẽ trở thành cơ quan buộc tội.

Có lẽ chính vì vậy, nội dung của Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự xác định sự thật của vụ án đã không đòi hỏi các Cơ quan (điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải xác định cho được sự thật của vụ án mà đã đặt ra yêu cầu phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để "xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ".

TS. Đào Trí Úc - ĐH Quốc gia

(nguồn TCKS số 08/04.2012 )

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,933,703
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:52.15.231.106

    Thư viện ảnh