.

Thứ năm, 25/04/2024 -05:41 AM

Một số kinh nghiệm khi tiến hành trực tiếp Kiểm sát tại cơ quan THADS.

 | 

Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới là thẩm quyền và là một trong các phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014; Điều 42 Quy chế công tác kiểm sát THADS (Kèm theo Quyết định số 255 ngày 19/6/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao). Đây cũng là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Kế hoạch công tác năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và Chương trình công tác năm 2016 của Phòng kiểm sát thi hành án dân sự.

Thông qua công tác kiểm sát  thường xuyên về thi hành án dân sự và các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự đã rút ra được kinh nghiệm trong một số nội dung khi trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự, tôi xin mạnh dạn đưa ra để các đồng chí trong ngành cùng nghiên cứu, tham khảo, trao đổi và vận dụng trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự nhằm phát hiện được những vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự khi tiến hành trực tiếp kiểm sát để ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu sửa chữa, khắc phục vi phạm..... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cụ thể:

* KHI TIẾN HÀNH KIỂM SÁT SỔ GIAO NHẬN BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH:

- Kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án để thi hành và kiểm sát việc ra quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án.

- Kiểm sát sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án để kiểm sát việc ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu.

- Kiểm sát sổ nhận ủy thác để kiểm sát việc ra quyết định thi hành án.

 Qua việc kiểm sát có thể phát hiện một số vi phạm xảy ra như: việc chậm ra quyết định THA, chưa ra quyết định THA sau khi nhận quyết định ủy thác. Kiểm sát việc giao nhận bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, có thể phát hiện những bản án có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa… chưa kịp thời chuyển giao hoặc không chuyển giao theo quy định của pháp luật để Cơ quan thi hành án ra quyết định THA phần chủ động. Khi phát hiện, cần lập biên bản với Cơ quan THA, đối chiếu việc chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật với Tòa án để xác định vi phạm và ban hành kiến nghị, yêu cầu đối với Tòa án chuyển giao theo quy định.

* KHI TIẾN HÀNH  KIỂM SÁT HỒ SƠ THI HÀNH ÁN:

Yêu cầu Cơ quan thi hành án cung cấp hồ sơ thi hành án:

- Yêu cầu Cơ quan thi hành án cung cấp hồ sơ có danh sách kèm theo, phân loại theo từng loại hồ sơ (hồ sơ có điều kiện, chưa có điều kiện, đang thi hành, đình chỉ, hoãn, ủy thác, miễn, giảm…). Kiểm đếm hồ sơ có đủ theo báo cáo hay không? 

Riêng đối với hồ sơ cưỡng chế đã xong cần yêu cầu Chấp hành viên cung cấp đầy đủ các chứng từ chứng minh cho việc đề nghị thanh toán chi phí cưỡng chế THA, để kiểm sát việc thanh toán của cơ quan thi hành án có đúng quy định pháp luật không (Điều 45 Nghị định 62/NĐ - CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ và Thông tư 184/2011/TTLT -BTC-BTP, ngày 19/12/2011). Nếu phát hiện trường hợp nào chi không đúng quy định đề xuất suất toán. Vì đây là nội dung kiểm sát quan trọng có thể khẳng định vị trí vai trò của khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

 Kiểm sát hồ sơ THA:

- Kiểm sátcăn cứ ra QĐ; thẩm quyền ra quyết định; thời hạn ra quyết định về THA.

-Kiểm sát nội dung quyết định THA có đúng với quyết định của Bản án, Quyết định của Tòa án không, có đúng theo đơn yêu cầu của đương sự không.

-Kiểm sát việc gửi các quyết định THA cho VKS có đúng thời hạn quy định không.

-Kiểm sátviệc tống đạt các quyết định về THA và các văn bản thông báo về THA cho đương sự (cả người có quyền và người có nghĩa vụ, cơ quan THADS thường chỉ thông báo cho người có nghĩa vụ mà không thông báo cho người có quyền lợi liên quan).

- Kiểm sátcác hoạt động tổ chức thi hành án khác của Chấp hành viên như: việc triệu tập các đương sự để thỏa thuận giải quyết THA, biên bản làm việc của Chấp hành viên với các đương sự, việc xác minh điều kiện THA…

Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu tống đạt trực tiếp thì hồ sơ phải lưu biên bản giao, nhận hoặc tống đạt quyết định THA, có ký nhận của đương sự; nếu gửi bằng đường bưu điện thì hồ sơ phải lưu phiếu gửi bưu điện; nếu niêm yết công khai thì hồ sơ phải lưu biên bản về việc niêm yết, nếu đăng tin trên cơ quan truyền thông, báo chí thì hồ sơ phải lưu hợp đồng truyền thông hoặc các hình thức khác thể hiện việc đã giao, nhận hợp lệ các quyết định và thông báo về THA.

Đối với những hồ sơ chưa có thông báo về thi hành án, chưa thu được tiền THA, xác định cơ quan THA chưa thực hiện tổ chức THA, Viện kiểm sát cần phải ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu cơ quan THA thực hiện đúng theo quy định.

*Lưu ý:

+ Đối vớinhững việc Cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ, về việc chưa có điều kiện thi hành án (hoãn, tạm đình chỉ) cơ quan THA thường áp dụng căn cứ do các bên đương sự có thỏa thuận với nhau, nhưng không có biên bản thỏa thuận trong hồ sơ hoặc biên bản thỏa thuận không có đầy đủ chữ ký của đương sự. Hoặc đương sự có văn bản yêu cầu đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng. Viện kiểm sát cần xác minh cả hai bên đương sự để làm rõ yêu cầu này có nhằm mục đích trốn phí thi hành án không?

+ Riêng đối với những vụ, việc thi hành án kinh doanh thương mại: người được thi hành án thường là các Ngân hàng có cổ phần của nhà nước (Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng đầu tư và phát triển…) có văn bản yêu cầu đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng, cần nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan đến yêu cầu đình chỉ và có văn bản yêu cầu Ngân hàng cung cấp kết quả thi hành án của đương sự, đồng thời Kiểm sát viên  xác minh trực tiếp việc thi hành án của người phải thi hành án, xác định số tiền thực tế họ đã thi hành để kiểm sát việc ra quyết định thu phí thi hành án của Cơ quan THADS đã đúng, đủ theo quy định chưa và yêu cầu Ngân hàng cung cấp văn bản miễn, giảm lãi khoản tiền phải thi hành án, kiểm sát việc miễn giảm lãi đó có đúng theo quy định  miễn, giảm lãi của Ngân hàng nhà nước không?    

- Việc ủy thác đã có xác nhận của nơi được ủy thác chưa? Cơ quan THA  nhận ủy thác đã ra quyết định kịp thời không tránh trường hợp không ra quyết định thi hành án đối với những việc không có điều kiện thi hành án để giảm số lượng việc mà Viện kiểm sát không phát hiện được. Do đó, các đơn vị sau khi nhận được thông báo ủy thác phải theo dõi việc ra quyết định của THA, để thực hiện chức năng kiểm sát.

- Kiểm sát việc thu, chi của Chấp hành viên tại hồ sơ thi hành án.

* Lưu ý:  biên lai lưu tại hồ sơ không được tẩy xóa, Kiểm sát viên đối chiếu  biên lai, phiếu thu mà kế toán lập lưu ở hồ sơ THA xem có trùng khớp về ngày tháng thu, số tiền đã thu không. Tránh trường hợp Chấp hành viên thu tiền nhưng không kịp thời nộp quỹ theo quy định.

-Lập phiếu kiểm sát đối với từng hồ sơ có vi phạm.

Cần xác minh một số trường hợp cơ quan THA ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, đình chỉ, ủy thác…Thực tiễn thông qua việc xác minh đã phát hiện được nhiều vi phạm pháp luật của cơ quan THA.

 Việc kiểm sát hồ sơ thi hành án chặt chẽ có thể phát hiện một số vi phạm như:

- Ra quyết định chậm so với thời gian quy định;

- Ra quyết định không đúng nội dung hoặc thiếu nội dung mà bản án tuyên;

- Quyết định sai tên, địa chỉ đương sự;

- Hồ sơ không lưu các biên bản tống đạt hợp lệ;

- Hồ sơ không lưu các chứng từ thu, chi tiền nộp ngân sách nhà nước;

- Cơ quan THA không ra quyết định thu phí thi hành án;

-  Hồ sơ không lưu chứng minh nhân dân bản (bản photo) của người nhận tiền. Vi phạm khoản 2 Điều 17 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016. Qua thực tiễn cho thấy, một số trường hợp cơ quan THA chưa trả được tiền và các tài sản khác cho đương sự, nhưng vẫn xếp vào hồ sơ đã thi hành xong để hoàn thành chỉ tiêu nghiệp vụ, vì vậy hồ sơ không có các tài liệu trên. Cần lập biên bản hoặcphoto lại tài liệu chứng minh về việc có vi phạm để kiến nghị thực hiện đúng theo quy định của PL.

* KHI TIỀN HÀNH KIỂM SÁT TÀI SẢN, TANG VẬT:  

- Đối chiếu Phiếu nhập kho, xuất kho với Sổ theo dõi vật chứng, tài sản bị kê biên, tạm giữ.

- Kiểm sát phiếu xuất, nhập kho cụ thể xem số thứ tự phiếu xuất, nhập kho có liên tục không, có trùng với sổ theo dõi tang vật không.

Có thể phát hiện một số vi phạm về việc bảo quản vật chứng, tài sản quy định Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016; Về việc chậm xử lý tang vật (chậm chuyển giao tài sản sung công, chậm tiêu hủy tang vật, không rà soát yêu cầu tòa án chuyển bản án để xử lý, giải quyết…); Không kịp thời có văn bản đề nghị Tòa án giải thích bản án, quyết định đối với phần tang vật tuyên không rõ, khó thi hành, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 14/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010.

KHI TIẾN HÀNH KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG THU, CHI TIỀN THI HÀNH ÁN:

Đối với thủ quỹ:

- Chốt quỹ tiền mặt.

-Yêu cầu cung cấp sổ quỹ tiền mặt và các quyển biên lai thu tiền được giao quản lý.

- Xác định quỹ tiền mặt trong Sổ quỹ tiền mặt tính đến ngày VKS tiến hành trực tiếp kiểm sát là bao nhiêu.

- Số tiền thu nộp quỹ so thực tế số tiền mặt trong két có chênh lệch không;

- Lập biên bản chốt quỹ đến ngày trực tiếp kiểm tra. Sau đó, đối chiếu sổ quỹ tiền mặt với Biên bản kiểm kê quỹ của cơ quan THA.

- Đối chiếu sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ với sổ quỹ tiền mặt của Kế toán nghiệp vụ THA.

- Đối chiếu sổ quỹ tiền mặt với các chứng từ thu, chi tiền thi hành án để xem xét việc cập nhật, ghi chép sổ sách của thủ quỹ với kế toán có chính xác, kịp thời không.

- Đối chiếu biên lai thu tiền với tiền nộp trên sổ quỹ tiền mặt.

Đối với kế toán

-Yêu cầu kế toán cung cấp số của quyển biên lai đã chuyển giao cho các Chấp hành viên quản lý, sử dụng.

- Yêu cầu cung cấp sổ quỹ tiền mặt của Kế toán in từ máy tính ra.

- Yêu cầu cung cấp bảng cân đối tài khoản và báo cáo phân tích số dư của các đầu tài khoản để biết chi tiết số việc còn tiền tồn chưa giải quyết xong, kiểm sát hồ sơ thi hành án để xác định lý do chưa giải quyết là khách quan hay chủ quan. Qua đó, xác định được số tiền chậm nộp ngân sách, chậm chi trả cho công dân, chậm gửi vào tài khoản tạm giữ, tài khoản phí thi hành án mở tại Kho bạc.

- Yêu cầu cung cấp báo cáo hoạt động thu thi hành án để kiểm sát việc đối chiếu kết quả thi hành án của Chấp hành viên và Kế toán THA có thường xuyên không, có trùng khớp với báo cáo thu của Kế toán không?

- Yêu cầu cung cấp chứng từ thu, chi trong thời điểm kiểm sát và rà soát phiếu thu, phiếu chi của Kế toán với sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ có trùng nhau không, để xác định kế toán có kịp thời lập phiếu thu không, số thứ tự của các phiếu thu, chi có liên tục không? Nếu có việc đứt quãng của số phiếu thu, lý do nhảy số trên phần mềm kế toán có được phát hiện và lập biên bản có xác nhận của thủ trưởng cơ quan THA không?.

- Yêu cầu cung cấp giấy Xác nhận số dư tài khoản tiền gửi của kho bạc.

- Sổ gửi tiền tiết kiệm (nếu có).

- Giấy nộp tiền, giấy xác nhận số dư của kho bạc… phải là bản có dấu đỏ.

Lưu ý: Trước khi thực hiện kiểm sát công tác thu, chi tiền thi hành án cần xác định số dư còn lại quỹ thi hành án. Số dư còn lại quỹ thi hành án thể hiện trên Sổ quỹ tiền mặt; Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc; Sổ tiền gửi tiết kiệm (nếu có). Khi kiểm sát phải so sánh với Báo cáo của cơ quan THADS có bằng nhau không.

 Đối với Chấp hành viên

-Yêu cầu Chấp hành viên cung cấp các loại biên lai đã được nhận từ Kế toán (lưu ý: Mỗi số biên lai có 4 liên, nội dung thu tiền các liên phải trùng với nhau, không được tẩy xóa, liên nộp cho kế toán phải trùng với liên còn lưu ở cuống biên lai, nếu có chứng từ hỏng, hủy phải còn đầy đủ 4 liên).

- Kiểm sát, rà soát các biên lai thu tiền của Chấp hành viên với sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ THA để xác định Chấp hành viên có kịp thời nộp tiền vào quỹ không. Số ngày thu trên cuống biên lai có trùng với liên nộp cho Kế toán để lập phiếu thu tiền không?

Biên lai có tẩy xóa, sửa chữa và hủy có đúng quy định không?

Khi thực hiện tốt công tác này có thể phát hiện một số vi phạm như:

- Quản lý đối với khoản phí thi hành án;     

- Quản lý tiền mặt tại quỹ thi hành án

Tất cả các khoản tiền về thi hành án phải được bảo quản tại Kho bạc theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 18 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án.

Thực tiễn, các Chi cục THA để lại quỹ tiền mặt rất nhiều, không đúng quy định, trong đó có khoản tiền tạm ứng án phí, tiền thu trước quyết định, cá biệt có trường hợp để lại cả khoản tiền phải trả cho công dân….

-  Kế Toán báo cáo không trung thực: có thể sửa chữa phần số dư cuối kỳ bằng với số dư thực tế còn tại quỹ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, kho bạc để đối phó với Đoàn kiểm tra.

- Chấp hành viên, thủ quỹ không nộp tiền hoặc chậm nộp vào quỹ THA.

- Thủ quỹ chậm nộp tiền vào TK Kho bạc, vào ngân sách.

- Tẩy xóa chứng từ.        

- Không gửi tiết kiệm các khoản tiền đương sự chưa đến nhận; Gửi tiền tiết kiệm đối với khoản tiền phải trả cho đương sự đứng tên cá nhân thủ quỹ THA.

- Trích lại 10% của khoản tiền nộp ngân sách.

Pháp lệnh Án phí, lệ phí Toà án ngày 27/02/2009 quy định Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thu án phí. Điều 18 Pháp lệnh này quy định toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước. Viện kiểm sát có thể trực tiếp xác minh thông tin tài khoản của Cơ quan Thi hành án dân sự tại Ngân hàng, Kho Bạc, để xác định số tiền thực có tại tài khoản tiền gửi và thời gian thực nộp tiền và cơ quan Thuế để xác định có việc trích lại 10% của khoản tiền án phí không?

Rất mong nhận được các ý kiến tham gia của các đồng chí trong ngành cùng trao đổi, chia sẻ để tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và các cuộc trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả cao hơn./.

Nguyễn Thị Thủy

P11 VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,753,783
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.42.196

    Thư viện ảnh