Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, kiến nghị là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Khoản 2, Điều 5). Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự và thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, tại Khoản 7, Điều 15 và Khoản 2, Điều 17- Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định Viện kiểm sát có quyền “Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật”. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng với việc quy định như trong luật đã khẳng định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với công tác này.
Trong thời gian vừa qua, thông qua các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang đã quan tâm, chú trọng, tăng cường công tác kiến nghị đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành, tự đánh giá về số lượng, chất lượng kiến nghị của đơn vị, chúng tôi thấy vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đặt ra, chưa phát huy đầy đủ, tích cực vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật ở địa phương.
Năm 2015, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang đã ban hành 02 kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, cụ thể như sau:
Vụ thứ nhất: Ngày 29/8/2014, Trương Quốc H, sinh năm 1991, thường trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang sử dụng giấy chứng minh nhân dân mang tên người khác (do nhặt được) để mở tài khoản, đăng ký cấp thẻ ATM trên hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương- Chi nhánh Bắc Giang. Từ tài khoản này, H đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng Internet, chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Quá trình điều tra đã xác định nhân viên được giao nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn làm thủ tục cấp phát thẻ ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương- Chi nhánh Bắc Giang đã không tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ quy trình nghiệp vụ về thẩm định, xét duyệt hồ sơ mở tài khoản, cấp phát thẻ (không đối chiếu chứng minh nhân dân với đối tượng đăng ký mở tài khoản) mà vẫn mở tài khoản, cấp thẻ ATM cho H, tạo điều kiện cho H sử dụng tài khoản này để thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ vào sai sót nêu trên, ngày 20/5/2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang đã ban hành kiến nghị số 514 kiến nghị Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương- Chi nhánh Bắc Giang có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, không để xảy ra sai sót tương tự, góp phần vào việc phòng ngừa tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.
Vụ thứ hai:Ngày 10/4/2015, Hà Thị Ch, sinh năm 1990 ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có hành vi giả danh nhân viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) Hà Nội tiến hành tuyển dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang (đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) để lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền là 45,5 triệu đồng.
Quá trình điều tra đã xác định cán bộ được phân công nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao đông trong nước đã không thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển dụng lao động, để đối tượng không có hồ sơ đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm thực hiện việc tuyển dụng lao động tại Trung tâm, tạo điều kiện để Hà Thị Ch thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ vào sai sót nêu trên, ngày 29/9/2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang đã ban hành kiến nghị số 886 kiến nghị Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, không để xảy ra sai sót tương tự, góp phần vào việc phòng ngừa tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.
Thông qua việc ban hành các kiến nghị nêu trên, chúng tôi rút ra một số vấn đề cần quan tâm sau đây:
Thứ nhất, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp về lĩnh vực hình sự, kiểm sát viên cần đi sâu nghiên cứu, nắm chắc các tình tiết có liên quan đến vụ án, đặc biệt là cần tổng hợp, phân tích làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, làm cơ sở cho việc ban hành kiến nghị.
Thứ hai, khi ban hành kiến nghị cần nêu cụ thể vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý và các căn cứ để xác định. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan các biện pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả vi phạm, thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thứ ba, việc ban hành kiến nghị phải được thực hiện kịp thời; theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kiến nghị.
Năm 2016, việc nghiên cứu tổng hợp, ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tiếp tục được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang xác định là một nội dung công tác quan trọng, cần quan tâm chú trọng. Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác này, chúng tôi xác định một số giải pháp cơ bản sau đây:
1. Nắm chắc yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình hiện nay.
2. Chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội và dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang diễn ra (như tình hình trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích, đánh bạc…).
3. Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên và cấp ủy địa phương; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan và các đơn vị trong ngành.
Ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, trong quá trình tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật để kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa, chúng tôi xác định cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ; tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy và tác phong, lề lối làm việc./.
Nguyễn Xuân Hồng
VKSND thành phố Bắc Giang