ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -16:01 PM

Có đủ căn cứ để xử lý về hình sự hay không?

 | 

Trong thực tiễn xử lý các vụ án hình sự thì việc xác định tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đối với một số trường hợp còn khác nhau. Tôi xin nêu 1 ví dụ để các đồng nghiệp nghiên cứu và cùng trao đổi.

Tóm tắt nội dung vụ án:

Trong khoảng thời gian từ ngày 30/6/2015 đến ngày 05/7/2015 , Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B đã cùng nhau thực hiện 03 vụ trộm cắp xe mô tô, tổng trị giá tài sản trộm cắp là 53.000.000 đồng.

Trước đó vào ngày 23/5/2015, một mình A còn trộm cắp 01 chiếc xe mô tô trị giá 60.000.000 đồng. Sau khi trộm cắp được xe mô tô, A gọi điện thoại bảo B ra gặp để nhờ việc. B đi xe mô tô của gia đình đến gặp A thì được A nói cho biết là vừa lấy được chiếc xe trên. A rủ B cùng đi ra Hà Nội gửi chiếc xe này. B đồng ý đi cùng A đến Bệnh viện Nhi trung ương thì A vào gửi xe tại bãi gửi xe của bệnh viện rồi đi nhờ xe của B về nhà. Trên đường về, A bảo B sáng hôm sau chở A ra Hà Nội lấy xe. Buổi sáng hôm sau, B đi xe mô tô của mình chở A đến Bệnh viện Nhi Trung ương lấy chiếc xe trên. Hai người rủ nhau đi đến nhà bạn ở Hải Dương chơi nhưng không gặp thì A rủ B đi đến tỉnh Quảng Ninh chơi và tìm chỗ bán xe. Trên đường đi, A bị Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm soát. A đã bỏ lại chiếc xe mô tô mà mình trộm cắp và đi nhờ xe mô tô của B về Bắc Giang.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A, B về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự.

Trong vụ án này có nhiều quan điểm về việc xử lý đối với Nguyễn Văn B về hành vi cùng A đem chiếc xe mô tô trộm cắp vào ngày 23/5/2015 đi cất giấu và tiêu thụ, cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất: Hành vi của B phải bị khởi tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tài Điều 250 Bộ luật hình sự. Vì B biết A trộm cắp tài sản nhưng vẫn cùng A đem xe đi gửi rồi cùng đi chơi để tìm chỗ bán xe; việc không bán được xe là ngoài ý muốn chủ quan của các bị can nên cần phải khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.

- Quan điểm thứ 2: Hành vi của B biết A trộm cắp tài sản trên 50 triệu đồng và đi cùng với A đi gửi xe sau đó tiếp tục cùng A đi chơi để tìm chỗ tiêu thụ nhưng chưa tiêu thụ được nên không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, B biết A trộm cắp tài sản mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền đã phạm tội “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 314 Bộ luật hình sự.

- Quan điểm thứ ba: Không có căn cứ để khởi tố B về  tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” hoặc tội “Không tố giác tội phạm”. Bởi lẽ:

Tuy B biết A trộm cắp chiếc xe mô tô rồi cùng A đi gửi xe. Ngày hôm sau  cùng A đi chơi rồi tìm chỗ bán xe nhưng việc gửi xe do A trực tiếp thực hiện. Hơn nữa việc cùng A đi chơi rồi tìm chỗ bán xe giữa hai người không thỏa thuận gì về việc ăn chia, không bàn bạc cụ thể sẽ đem bán cho ai và ở đâu, chiếc xe cũng chưa tiêu thụ được thì cả A, B đã bị bắt giữ. Do vậy, không có căn cứ khởi tố đối với B về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Mặt khác, A và B đều bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản và là đồng phạm với nhau trong vụ án này nên hành vi nêu trên của B không phạm tội “Không tố giác tội phạm”.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ ba, rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp để nâng cao nhận thức pháp luật và tích lũy kinh nhiệm./.

                                            Hà Thị Hải

VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,405,120
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.216.99.18

    Thư viện ảnh