Ngay từ đầu năm 2015, VKSND huyện Sơn Động đã xây dựng kế hoạch công tác, lựa chọn công tác đột phá là“Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự” và từ đó đề ra nhiều nhóm giải pháp mới để tiến hành thực hiện trong thời gian vừa qua, cụ thể như sau:
Nhóm thứ nhất: Gồm 03 giải pháp mới trong công tác kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (viết tắt là “tin”): 1- Lập “Biên bản đối chiếu việc tiếp nhận tin” với cơ quan điều tra định kỳ hàng tuần; 2 – Có ít nhất một lần Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên tham gia hoạt động lấy lời khai; 3- Thực hiện công văn trao đổi quan điểm giải quyết tất cả các tin có nhiều tình tiết phức tạp, vướng mắc ngay trong trong thời hạn giải quyết theo luật định (2 tháng).
Hiệu quả: Đơn vị đã kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận và xử lý tin của cơ quan điều tra, đề ra yêu cầu xác minh và bám sát hoạt động điều tra, xác minh tin, tỷ lệ giải quyết tin đạt trên 90% tổng số tin đã thụ lý, số tin quá hạn giảm rõ rệt so với năm 2014. Các tin phức tạp đều có sự trao đổi, họp bàn bạc sau đó soạn thảo công văn trao đổi thống nhất biện pháp khắc phục khó khăn.
Viện KSND huyện Sơn Động phối hợp CQĐT cùng cấp hỏi cung bị can.
Nhóm thứ hai: Gồm 03 giải pháp mới trong công tác kiểm sát điều tra: 1 – Kiểm sát viên xây dựng bản “Kế hoạch kiểm sát điều tra” ngay từ khi được phân công kiểm sát giải quyết án hình sự: 2 – Phối hợp cùng Điều tra viên tham gia hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng ngay sau khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; 3- Trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn truy tố.
Hiệu quả: Nâng cao tính chủ động, cách làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thông qua việc xây dựng kế hoạch kiểm sát điều tra, đảm báo tốt yêu cầu gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra, nâng cao tính vững chắc của các chứng cứ buộc tội thông qua việc có mặt tại các buổi Điều tra viên tiến hành hỏi cung, lấy lời khai và trực tiếp tiến các hoạt động đó trong giai đoạn truy tố để “chốt” chặt chứng cứ buộc tội.
Nhóm thứ ba: Thực hiện 03 giải pháp mới trong công tác chỉ đạo, điều hành gồm: 1- Ban hành bản “Ý kiến chỉ đạo kiểm sát điều tra” đối với tất cả các vụ án hình sự; 2 – Tự kiểm tra và lập “Phiếu kiểm tra hồ sơ kiểm sát” tất cả các vụ án hình sự; 3 – Đột xuất kiểm tra công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường.
Hiệu quả: Chất lượng chỉ đạo công tác giải quyết án hình sự nâng cao rõ rệt, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thể hiện rõ trong hồ sơ kiểm sát, Kiểm sát viên đã thận trọng hơn trong việc lập hồ sơ kiểm sát, các thiếu sót được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời và ghi rõ trong phiếu kiểm tra. Thông qua công tác tự kiểm tra đột xuất việc khám nghiệm hiện trường đã chỉ rõ những ưu, khuyết điểm để Kiểm sát viên phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm nhằm nâng cao chất lượng khám nghiệm hiện trường, một hoạt động tố tụng quan trọng hàng đầu để thu thập chứng cứ giải quyết vụ việc.
Đặng Bá Hưng
VKSND huyện Sơn Động