Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. ngày 03/7/2015, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong công tác này.
Quy chế được xây dựng và ký kết ban hành dựa trên các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009) và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT, ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 06). Quy chế gồm có 3 chương, 17 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, phương thức và biện pháp phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh và huyện). Các nội dung phối hợp quy định trong Quy chế này một lần nữa cụ thể hóa các quy định của Thông tư liên tịch số 06 và Quy chế số 01/QCLN-VKS-CA-TA, ngày 22/8/2007 của Viện kiểm sát nhân dân, Công an và Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong đó, xác định rõ nội dung phối hợp từ giai đoạn tiếp nhận, phân loại, trong phân công giải quyết, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố…Đáng lưu ý là trong Quy chế đã đề ra các quy định cụ thể trong quá trình phối hợp giải quyết các vụ, việc có tính chất phức tạp hoặc có quan điểm khác nhau (Điều 9); quy định về công tác phối hợp kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 11); quy định về công tác phối hợp khi Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát trực tiếp (Điều 12)…Những quy định này tạo ra cơ chế thuận lợi, cụ thể, xác định rõ ràng hơn trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong quá trình phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.
Một điểm mới nữa trong quá trình phối hợp phân loại tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định trong Quy chế là việc rà soát, đối chiếu về kết quả tiếp nhận, giải quyết (hàng tuần đối với cấp huyện; hàng tháng đối với cấp tỉnh) giữa cán bộ, kiểm sát viên với cán bộ, điều tra viên cùng cấp phải thực hiện bằng văn bản và được lãnh đạo hai ngành xác nhận (Điều 6).
Có thể nói, Quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đươc ban hành vào thời điểm này là thực sự cần thiết và phù hợp. Ngoài ý nghĩa đảm bảo cho sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong công tác này ngày càng chặt chẽ hơn, kịp thời và hiệu quả hơn thì việc thực hiện tốt các nội dung trong Quy chế có thể coi là tiền đề quan trọng để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Như chúng ta đều biết, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (sửa đổi, bổ sung) đã có hiệu lực từ ngày 01/6/2015. Tuy nhiên, những nhiệm vụ, quyền hạn mới của Viện kiểm sát quy định tại các điểm b, c, e- Khoản 3, Điều 3; khoản 4, Điều 12 chỉ được thực hiện sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành được sửa đổi, bổ sung và luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành quy định những nhiệm vụ, quyền hạn này thống nhất với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Khi đó, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố sẽ nặng nề hơn, đòi hỏi sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong công tác này càng phải chặt chẽ hơn, có hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luậttới toàn thể cán bộ, kiểm sát viên, trong đó quan tâm quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung trong Quy chế phối hợp nêu trên.
Hai là, bố trí, phân công cán bộ hợp lý gắn với việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm, năng lực nghiệp vụ của cán bộ, kiểm sát viên được phân công thực hiện công tác này trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm theo Quyết định số 422/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ba là, Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cùng cấp về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng các quy định của Thông tư liên tịch số 06 và Quy chế phối hợp giữa hai ngành về công tác này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị cần kịp thời tổng hợp, báo cáo liên ngành cấp tỉnh để cho ý kiến chỉ đạo.
Nguyễn Xuân Hồng
VKSND thành phố Bắc Giang