ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -17:06 PM

Bản án dân sự sơ thẩm bị hủy do Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung không công bằng.

 | 

Chị Q và anh T kết hôn với nhau tháng 4/2004; có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã Đ, huyện Y. Ban đầu vợ chồng chung sống hòa thuận sau đó phát sinh mâu thuẫn và đã sống ly thân nhau từ tháng 5/2013. Chị Q khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho chị ly hôn với anh T. Anh T đồng ý ly hôn. Tòa án đã giải quyết công nhận thuận tình ly hôn giữa chị Q và anh T. Trong quá trình chung sống, chị Q và anh T đã tạo dựng được khối tài sản chung gồm nhà, đất; đồ dùng gia dụng...có tổng giá trị 745.371.000đ. Đồng thời chị Q và anh T đã vay nợ chung với số tiền là 270.895.000đ. Trong số nợ nêu trên, trước khi Tòa án xét xử vụ án anh T đã tự đứng ra trả nợ được tổng cộng 124.496.000đ. Chị Q đã trả nợ được 3.500.000đ. Số nợ còn lại chưa trả 142.899.000đ. Do chị Q và anh T không tự thỏa thuận được nên đã đề nghị Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung, nợ chung.

Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y đã giải quyết phân chia, giao cho chị Q được sở hữu, sử dụng các tài sản có tổng trị giá  651.111.000đ. Chị Q phải trả chênh lệch tài sản cho anh T 120.000.000đ và trả nợ 142.899.000đ. Còn lại chị Q được hưởng 388.212.000đ. Nhưng tại phần quyết định của bản án sơ thẩm lại ghi tài sản chị Q còn được hưởng là 260.216.000đ là không đúng với tổng giá trị các tài sản Tòa án đã giải quyết phân chia cho chị Q; giao cho anh T sở hữu, sử dụng các tài sản có tổng giá trị 94.260.000đ và được nhận ở chị Q 120.000.000đ. Tổng cộng anh T được hưởng 214.260.000đ.

Không đồng ý với bản án của Tòa án nhân dân huyện Y giải quyết phần tài sản chung và nợ chung, anh T đã làm đơn gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B, đề nghị  kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm.

Xem xét việc Tòa án giải quyết phần tài sản chung và nợ chung như đã nêu trên thấy rằng, nếu đối trừ số tiền anh T, chị Q đã đứng ra trả khoản nợ chung của vợ chồng trước khi Tòa án xét xử sơ thẩm thì thực tế anh T chỉ còn được hưởng số tài sản là 214.260.000 - 124.496.000đ = 89.764.000đ; chị Q còn được hưởng số tài sản là 388.212.000đ - 3.500.000đ = 384.712.000đ. Như vậy, Tòa án đã giải quyết phân chia cho chị Q được hưởng phần tài sản lớn hơn phần tài sản anh T được hưởng là 384.712.000đ - 89.764.000đ = 294.948.000đ.

Mặc dù khi giải quyết phân chia tài sản chung, Tòa án có nhận định cho rằng chị Q có công sức đóng góp xây dựng khối tài sản nhiều hơn anh T, nên chia cho chị Q phần tài sản nhiều hơn. Nhưng việc Tòa án đã chia cho chị Q được hưởng phần tài sản nhiều hơn anh T gấp hơn 4 lần là không đảm bảo nguyên tắc "tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi" được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của anh T.

Do xác định sai tổng giá trị tài sản chị Q được hưởng, nên Tòa án đã giải quyết chị Q phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản được hưởng và tài sản có nghĩa vụ trả nợ 260.216.000đ x 5% + (142.899.000đ x 5%) = 16.582.000đ là không đúng quy định của pháp luật. Thực tế chị Q được hưởng số tài sản là 388.712.000đ. Nên theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án thì số tiền án phí chị Q phải chịu là 388.212.000 x 5% + (142.899.000đ x 5%): 2 = 22.982.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc chị Quyên phải chịu tiền án phí thấp hơn so với quy định của pháp luật 22.782.000đ - 16.582.000đ  = 6.400.000đ.

Ngoài ra, về phần thủ tục tố tụng Tòa án còn có sai sót là không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Các đương sự trong vụ án có tranh chấp quyền sử dụng các thửa đất diện tích đất 76,7 m2; 118m2. Diện tích đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng khi giải quyết vụ án Tòa án không đưa UBND huyện Y vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định tại khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự.

Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án đân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y. Tòa án nhân dân tỉnh B đã mở phiên tòa giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B, hủy phần giải quyết về tài sản của bản án sơ thẩm, đình chỉ thi hành phần tài sản của bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Y giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật./.

                                                                 Nguyễn Thị Tuyết - Phòng 5

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,420,076
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.47.89

    Thư viện ảnh