Hiến pháp năm 2013 đã công nhận quyền con người là một quyền độc lập tách khỏi quyền công dân. Chương II Hiến pháp năm 2013 có tên gọi là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định:
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.
3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.
Từ những quy định nêu trên, chúng ta thấy nguyên tắc suy đoán vô tội bao hàm những nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, không ai bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nghĩa là, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Như vậy, để xác định một người là người phạm tội thì các Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) phải chứng minh được người đó là người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự coi là tội phạm; nếu không chứng minh được thì không thể kết tội người đó.
Thứ ba, quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra,cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án của Tòa án kết tội đối với một người phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Những chứng cứ đó phải được thu thập theo đúng trình tự pháp luật quy định và có ý nghĩa trong việc chứng minh thực hiện tội phạm.Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người khi đã có đủ căn cứ vững chắc chứng minh người đó đã thực hiện hành vi phạm tội;tránh tình trạng đánh giá chứng cứ nặng về cảm tính, suy diễn chủ quan.
Thứ tư,trường hợp có nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng pháp luật thì cần giải quyết theo hướng có lợi cho họ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ đó thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong đó có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải xử lý theo đúng pháp luật; không để người nào bị khởi tố, bị bắt tạm giữ, tạm giam, hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
Tìm hiểu để làm rõ nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật nói chung trong đó có Kiểm sát viên. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay./.
Phùng Anh Tuấn-Phòng 1A