.

Thứ sáu, 26/04/2024 -12:40 PM

Vấn đề xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.

 | 

Nhận thức và áp dụng đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là mong muốn và trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự do các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định theo từng giai đoạn tố tụng. Việc xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự đã có nhiều bài viết, trao đổi được đăng trên Trang tin điện tử của Ngành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì vẫn còn có những ý kiến, quan điểm không thống nhất, ví dụ như: có cần tuyên tạm giữ đồ vật, tài sản có giá trị để đảm bảo thi hành án khi bị cáo bị áp dụng hình phạt bổ sung hay không?; xử lý tài sản chung của vợ chồng thế nào khi một trong hai người sử dụng vào việc phạm tội… Điều đó cho thấy, khoa học xã hội luôn là lĩnh vực dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn, từ đó cũng dễ dẫn đến nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng pháp luật về cùng một vấn đề. Dưới đây xin nêu một ví dụ liên quan đến việc xử lý vật chứng để trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc:

Ngày 13/01/2014, Cơ quan điều tra bắt quả tang Đinh Văn P, sinh năm 1979 đang có hành vi ghi số đề cho Nguyễn Văn C và Hoàng Văn T; thu giữ của P 01 tờ cáp đề tổng ghi ngày 13/01/2014 với tổng số tiền 3.500.000đồng; trong đó P ghi cho C và T là 2.400.000 đồng, số tiền còn lại là ghi cho những người không rõ địa chỉ. Khám xét nhà ở của P, Cơ quan điều tra thu giữ 02 tờ cáp đề ghi ngày 10/01/2014 với số tiền ghi trên cáp là 1.470.000 đồng và ngày 12/01/2014 với số tiền ghi trên cáp là 1.850.000 đồng; CQĐT còn thu giữ 4.010.000 đồng trong ngăn kéo bàn, nơi P ngồi ghi đề, P khai trong đó có tiền do ghi đề ngày 10 và 12/01/2014. Quá trình điều tra, đối chiếu kết quả xổ số trong 2 ngày 10 và 12/01/2014 thì cả hai tờ cáp đề nêu trên đều không có số trúng.

Viện KSND huyện truy tố P về tội “Đánh bạc” theo Khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự, theo đó P phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền ghi đề ngày 13/01/2014 là 3.500.000 đồng. Tòa án nhân dân huyện đưa vụ án ra xét xử và xử phạt P về tội đánh bạc như quan điểm của Viện Kiểm sát đã truy tố.

Tuy nhiên về xử lý vật chứng, liên quan đến số tiền P đã thu lợi bất chính trong 02 ngày 10 và 12/01/2014, hiện có 2 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Cần áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu toàn bộ số tiền P ghi đề trong 3 ngày với tổng số tiền là 6.820.000 đồng. Vì đây là số tiền trên do P thu lợi bất chính.

Quan điểm thứ hai: P chỉ phải nộp lại số tiền thu lời bất chính từ việc ghi số đề ngày 13/01/2014 là 3.500.000 đồng, vì đây mới là số tiền do P phạm tội mà có như Cáo trạng mà Viện Kiểm sát đã kết luận. Đối với số tiền ghi đề 2 ngày trước đó mặc dù là số tiền P đã thu lợi bất chính nhưng không phải từ hành vi phạm tội mà Viện Kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã xét xử.

Trong trường hợp này, khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với P về các hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Trưởng Công an huyện cần áp dụng Điều 28 và Điều 37 của Luật xử lý vi phạm hành chính để buộc P phải nộp lại số tiền do vi phạm hành chính mà có.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai với những lý do nêu trên. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của các đồng nghiệp và bạn đọc./.    

                                              Lê Văn Cường

VKS huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,763,777
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.128.199.88

    Thư viện ảnh